Kích cầu tiêu dùng nội địa cuối năm

THANH GIANG 05/10/2023 06:29

Nhận định về thị trường tiêu dùng cuối năm, không ít ý kiến cho rằng sức mua sẽ không cao, doanh nghiệp cần phải giữ và phát triển thị trường tốt hơn. Cụ thể cần tăng khuyến mãi, giảm giá sản phẩm nhằm kích cầu tiêu dùng.

Hệ thống bán lẻ hiện đại giảm giá nhiều mặt hàng để tăng sức mua.

Người tiêu dùng đắn đo chi tiêu

Ảnh hưởng bất ổn chính trị ở các nước, lạm phát gia tăng, đơn hàng ít, sức mua yếu, vì vậy tiêu dùng trong nước cũng có phần chậm lại. Các doanh nghiệp không kỳ vọng nhiều vào sức mua cuối năm. Ông Phạm Quang Anh - Tổng Giám đốc Công ty CP quốc tế Dony thông tin, hiện tiêu dùng nội địa đã khá hơn trước do gần kề với các ngày lễ như: Giáng sinh, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, sức mua cuối năm nay so với năm trước chắc chắn sẽ yếu. Bởi vì năm nay nhiều người dân mất việc, thất nghiệp nên thu nhập giảm ảnh hưởng phần nào đến hoạt động mua sắm.

Nhìn nhận về thị trường hiện nay và thời gian tới, ông Lương Vạn Vinh - Tổng Giám đốc Công ty CP hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo cho hay, khó khăn từ dịch bệnh, lạm phát nên thu nhập của người dân có phần giảm sút. Đây là nguyên nhân chính khiến thị trường tiêu thụ sản phẩm chậm, người tiêu dùng đắn đo nhiều hơn trong chi tiêu. Vì thế kết quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp giảm 50 - 60%. Bản thân ngành hàng hóa mỹ phẩm của đơn vị này cũng giảm hơn 10%.

Bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc phát triển kinh doanh cao cấp Kantar Việt Nam (Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu) phân tích, GDP của Việt Nam có sự phục hồi nhẹ so với các quý trong năm nhưng so với các năm trước đó thì không cao, không ấn tượng. Người dân vẫn lo lắng về chi phí, việc làm. Cụ thể, khoảng 28% gia đình đang gặp khó khăn về tài chính. Vì vậy, mọi khoản chi tiêu không cần thiết bị chắt bóp lại. 66% người tiêu dùng cắt giảm giải trí bên ngoài, giảm ăn tiệm, giảm mua sắm thiết bị gia dụng, chỉ có thực phẩm và mỹ phẩm giảm rất ít.

Tiếp xúc nhiều với doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định: “Gặp doanh nghiệp nào cũng thấy than thở về tình trạng buôn bán ế ẩm, rất ít doanh nghiệp cho biết mình không ế. Có lẽ đây là tình hình chung, vì vậy doanh nghiệp phải lên kế hoạch thoát ế cho mùa mua sắm cuối năm”.

Tăng khuyến mãi, giảm giá sản phẩm

“Mặc dù có đến 90% sản phẩm bán ở thị trường trong nước, song tôi không kỳ vọng nhiều ở sức mua thị trường cuối năm. Thế nhưng, để giữ và phát triển thị trường sản phẩm vẫn duy trì chất lượng tốt, giá cả phải chăng, việc tăng khuyến mãi và giảm giá sản phẩm chính là hai tiêu chí mà người tiêu dùng luôn đặt lên hàng đầu khi quyết định lựa chọn bất kỳ sản phẩm nào”, ông Lương Vạn Vinh nói.

Về vấn đề duy trì chất lượng và giá cả, bà Nguyễn Phương Nga khẳng định, giữ giá trị trong mắt người tiêu dùng là vô cùng quan trọng. Thực tế cho thấy, 40% ngành hàng tiêu dùng nhanh không thể giữ chân người tiêu dùng. Không chỉ ngành hàng nhỏ mà ngay cả những ngành hàng lớn cũng bị ảnh hưởng. Điều này cho thấy việc giữ uy tín đối với người tiêu dùng là vô cùng quan trọng. Thậm chí, để kích cầu tiêu dùng cuối năm, không ít doanh nghiệp lên phương án khuyến mãi, giảm giá. Bởi vì 49% khách hàng tìm khuyến mãi, tăng 12% so với dịch Covid-19. Đáng lưu ý, người tiêu dùng đang so sánh khuyến mãi giữa nhãn hiệu này với nhãn hiệu kia, cửa hàng này với cửa hàng kia, sàn thương mại điện tử này với sàn thương mại điện tử khác. Người tiêu dùng có thể mong đợi những cơ hội tiết kiệm không chỉ tại một thời điểm cụ thể, mà liên quan đến nhiều sự kiện trong khoảng thời gian ngắn góp phần tạo nên môi trường mua sắm thú vị và đa dạng.

Ông Nguyễn Khắc Hoàng - Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM cho rằng, phải kích cầu tiêu dùng nội địa. Sức mua quyết định tỷ lệ lớn trong tăng trưởng kinh tế nói chung. Hiện tiêu dùng đang là điểm sáng để có thêm thuế trong khi thuế xuất nhập khẩu đang suy giảm. Ghi nhận, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 871.198 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 10,6%; doanh thu lưu trú và ăn uống tăng 31,8%; doanh thu lữ hành tăng 68,9%. “Vừa qua, TPHCM có các chương trình khuyến mãi tập trung trên địa bàn thành phố. Chương trình ghi nhận những kết quả tích cực. Thời gian tới nên có kế hoạch dài hơi, có sự hỗ trợ của nhà nước trong tham gia chương trình khuyến mãi này”, ông Hoàng kiến nghị.

Theo thống kê của Sở Công thương TPHCM, hưởng ứng kêu gọi đợt giảm giá kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9 đã thu hút hơn 3.000 doanh nghiệp, nhà bán lẻ tham gia. Ước tính, doanh thu khuyến mãi đạt hơn 120 ngàn tỷ đồng. Thực tế, chỉ tính riêng tháng 7, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 512,2 ngàn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Những con số này cho thấy, việc kích cầu tiêu dùng đang có những chuyển biến tích cực. Doanh nghiệp cho rằng, có thể phục hồi nên họ sẽ đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi vào những tháng cuối năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kích cầu tiêu dùng nội địa cuối năm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO