Sau hơn 1 tuần “kích hoạt” trở lại, dù lượng khách đến tham quan vẫn còn khiêm tốn, nhưng không thể phủ nhận các điểm đến văn hóa của Thủ đô đang tạo ra không khí đầy hứng khởi.
Sau thời gian dài tạm đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19, từ ngày 15/2, các di tích văn hóa - lịch sử trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã mở cửa đón khách.
Theo ghi nhận tại các điểm đến như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu di tích nhà tù Hoà Lò, khu di tích Cổ Loa… ngoài việc đón khách, các đơn vị cũng đang “tái khởi động” lại các sự kiện văn hóa để tăng sức hấp dẫn.
Thích ứng với Covid-19
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: Trong thời gian mở cửa vừa qua, tình hình dịch Covid-19 vẫn phức tạp, thời tiết mưa rét nên lượng khách đến tham quan còn vắng. Thời gian tới, hy vọng tình hình sẽ được cải thiện, nhất là khi khách quốc tế vào Việt Nam.
Ông Kiêu thông tin, để ứng phó với dịch bệnh, đơn vị đã huy động 100% viên chức, người lao động tham gia tổng vệ sinh, phun khử khuẩn toàn bộ khu vực trong và ngoài khuôn viên di tích. Bố trí phòng cách ly tạm thời cho viên chức, người lao động hoặc khách tham quan có biểu hiện ho, sốt, khó thở hoặc F0. F1, F2.
Trong các ca trực phải đảm bảo nhân sự tối thiểu 1 ca 15 người ở các vị trí để thường xuyên đi kiểm tra nhắc nhở khách tham quan thực hiện giãn cách và đeo khẩu trang trong suốt quá trình tham quan.
“Để thu hút du khách trong tình hình mới, Trung tâm đã thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý, phục vụ khách tham quan. Xây dựng các sản phẩm văn hóa, các sản phẩm ứng dụng công nghệ để phục vụ khách tham quan. Trong thời gian tới, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, Trung tâm cũng sẽ tái khởi động lại tour du lịch ban đêm với phần trình chiếu công nghệ ánh sáng” - ông Kiêu nói.
Còn theo bà Nguyễn Thị Yến - Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh (Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội) cho biết: Trước khi được mở cửa trở lại Trung tâm đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, phương tiện phòng, chống dịch. Các khu vực đón tiếp, nhà trưng bày, các điểm tham quan… được tổng vệ sinh, khử khuẩn và tổ chức phân luồng giãn cách, bảo đảm môi trường sạch, đẹp, an toàn.
Đặc biệt, Trung tâm triển khai chương trình “Check in tặng quà”, khuyến khích du khách chụp ảnh, quét mã QR để nhận quà tặng đầu năm mới của khu di sản.
Tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, bà Nguyễn Bích Thủy - Trưởng Ban quản lý di tích cho biết: Trong những ngày mở cửa trở lại, Di tích đẩy mạnh truyền thông trên trang fanpage Di tích Nhà tù Hỏa Lò - Hoa Lo Prison Relic. Đơn vị tiếp tục mở bán vé cho chương trình tham quan Di tích Hỏa Lò về đêm “Đêm Thiêng liêng 2: Sống như những đóa hoa”.
Chương trình được tổ chức vào các tối thứ 6, thứ 7 hàng tuần. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm Ngày quốc tế phụ nữ, Di tích Hỏa Lò mở thêm 1 tour đêm vào ngày 8/3 để tri ân những người phụ nữ Việt Nam.
Nhằm khôi phục hoạt động, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã khởi động lại chương trình tham quan các triển lãm chuyên đề và tour tham quan ảo 360 hệ thống trưng bày của bảo tàng. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sau khi mở cửa cũng triển khai chương trình miễn phí tham quan các triển lãm chuyên đề.
Vào ngày 25/2, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ khai mạc triển lãm “Không gian mỹ thuật đương đại” như một “lời chào” với công chúng sau thời gian dài phải tạm dừng hoạt động. Trước đó, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sau khi mở cửa cũng cho ra mắt các không gian trải nghiệm văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số...
Bắt tay cùng vượt khó
Có thể thấy, dù không tấp nập đón khách như các điểm đến đền chùa hay rạp chiếu phim nhưng các điểm đến di tích, bảo tàng… đang có những bước “chạy đà” chậm mà chắc. Tuy nhiên, để các di tích, bảo tàng trở thành những điểm đến hấp dẫn trong bối cảnh mới lại đặt ra vô vàn thách thức, đặc biệt là trong vấn đề chuyển đổi số và gắn kết với du lịch.
Nhìn nhận vấn đề này, ông Lê Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng: Chuyển đổi số là câu chuyện đang được nói đến rất nhiều trong việc chuyển hướng hoạt động, thích ứng tình hình của các bảo tàng, di tích trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Thế nhưng, dường như đang có tình trạng chuyển đổi số “tán loạn”.
Thực tế hiện nay là nhiều nơi làm hời hợt, không ít hiện vật của các bảo tàng, di tích có lý lịch rất sơ sài, thậm chí không có nội dung, vậy làm sao chúng ta chuyển tải lên cho công chúng xem?
Cũng theo ông Phong, bối cảnh hiện nay là giai đoạn nhất thời, và phải thấy rằng việc chuyển đổi số không thể thay thế được hoạt động truyền thống của bảo tàng, di tích. Bởi thế, cần nhìn dài hạn hơn, biết được công chúng mong muốn những gì nhiều hơn. Các cán bộ bảo tàng cần phải hiểu công nghệ để cùng với các công ty công nghệ làm ra được những sản phẩm chất lượng, có hồn.
Theo ông Lê Định Phong: Để thu hút du khách đến với bảo tàng, di tích… cần nghiên cứu nhu cầu của khách hàng trong từng giai đoạn. Nếu không có nghiên cứu tỉ mỉ thì sẽ khó thành công. Phải xác định các sản phẩm phù hợp với đối tượng của di tích, bảo tàng, hiểu họ cần gì để đáp ứng hiệu quả.
Không chỉ phải “cẩn trọng” trong việc áp dụng công nghệ, việc “bắt tay” với ngành du lịch để cùng phát triển cũng đang là “đích đến” của nhiều đơn vị.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, để có sự hợp tác bền vững các bảo tàng, di tích không thể giữ mãi phương thức phục vụ truyền thống, sản phẩm du lịch đã quá quen thuộc khi khả năng dịch bệnh chưa hoàn toàn được khống chế, tâm lý và nhu cầu khám phá điểm đến của khách đã thay đổi.
Việc đa dạng hóa, tạo sản phẩm mang tính mới lạ, đặc thù và tăng cường tính trải nghiệm, tạo cảm xúc cho khách cần được đặt lên hàng đầu.
Nhằm tái khởi động cho hình thức hợp tác này, theo thông tin từ Phó Trưởng ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan cho biết, trong tình hình mới “thích ứng an toàn với dịch” như hiện nay, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị để tăng tính kết nối các điểm di tích, di sản bằng những tour, tuyến mới, hấp dẫn hơn, tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho du khách khi tham quan phố cổ.
Không chỉ cố gắng kết nối các điểm di sản, di tích, phố nghề, trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn thực hiện sản phẩm kết nối khu Hoàng thành Thăng Long với phố cổ Hà Nội.
Bà Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam:
Chuyển đổi số không phải “chiếc đũa thần”
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhiều Bảo tàng, di tích hiện nay đã ứng dụng công nghệ và thực hiện chuyển đổi số để cho ra mắt nhiều sản phẩm mới. Thế nhưng, cần phải thấy rằng, chuyển đổi số không hẳn là “chiếc đũa thần” để gõ vào đâu cũng ra sản phẩm…
Bởi mỗi sản phẩm văn hóa cần phải có ý tưởng, sáng tạo thật sự, mang bản sắc riêng có, tránh chạy theo phong trào, dẫn đến những sản phẩm na ná nhau. Cùng với đó, công nghệ hay giải pháp gì cũng phải nhất quán sứ mệnh của bảo tàng, di tích là cảm xúc, là trực quan sinh động. Do vậy, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng lực lượng để cho ra đời những sản phẩm có chiều sâu, bảo đảm mục tiêu quảng bá, tôn vinh di sản.
Bên cạnh đó, sản phẩm công nghệ làm ra cần được đầu tư về nội dung, chất lượng và tính đến cách vận hành, quảng bá. Các bảo tàng, di tích ứng dụng công nghệ để có sản phẩm mới là rất tốt, nhưng cần làm thận trọng, từng bước để đánh giá. Chúng ta có thể phối hợp với các đơn vị công nghệ để thực hiện nhưng không được giao khoán cho họ. Nếu không thận trọng mà chuyển đổi số một cách “ào ào” sẽ rất dễ dẫn đến những hệ quả đáng buồn.
Ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam:
Hướng tới sự phát triển bền vững
Sản phẩm du lịch bền vững cấu thành từ các điểm du lịch và dịch vụ có liên quan, như các di tích lịch sử, bảo tàng cần phát huy và bảo tồn, hai cái đó phải đi song song.
Các dịch vụ do các đơn vị du lịch cung cấp cũng phải theo hướng bền vững như hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ di tích… tất cả đều phải có sự đồng hành của hai bên.
Chúng ta sử dụng giá trị lịch sử để truyền tải cho khách, tổ chức các sản phẩm dịch vụ khác nhau để tạo sự thú vị cho du khách, từ đó doanh nghiệp du lịch có thể dễ dàng chuyển tải những giá trị lịch sử, văn hóa tới du khách một cách nhẹ nhàng, cuốn hút và lan tỏa.
Thế mạnh của Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính của cả nước, có lịch sử hơn nghìn năm, cùng hơn 5.000 di sản vật thể và hơn 1.000 di sản phi vật thể, nhiều di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, Hà Nội cần chú trọng đầu tư phát triển sản phẩm du lịch văn hóa di tích, bảo tàng.
Chỉ cần liên kết các di tích lịch sử, văn hóa với nhau chúng ta đã có thể xây dựng được rất nhiều sản phẩm với các tour nửa ngày, một ngày hấp dẫn du khách lưu trú dài hơn, chi tiêu nhiều hơn. Đây là điều kiện rất tốt để Hà Nội tạo ra luồng khách muốn trở lại Thủ đô, đặc biệt là trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh.
Hoàng Minh(ghi)