Theo ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng (Bộ GDĐT), hiện nay phần lớn các trường đại học, học viện đã có bộ phận chăm lo công tác đảm bảo chất lượng bên trong nhưng cơ chế hoạt động, tầm nhìn của đại học, cách tiếp cận thế nào đang còn rất khác biệt. Cần đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đại học, đặc biệt là kiểm định các chương trình đào tạo là yêu cầu đặt ra đối với tất cả các trường. Đây sẽ là căn cứ để xác định chất lượng, vị thế và uy tín của cơ sở đại học.
Tính đến ngày 31/8 đã có 123 cơ sở giáo dục đại học và 5 trường cao đẳng sư phạm đạt tiêu chuẩn kiểm định theo bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh.
Ít chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn kiểm định
Thống kê mới nhất của Vụ GDĐH (Bộ GDĐT), tính đến ngày 31/8 cả nước đã có 123 cơ sở GDĐH và 5 trường CĐSP đạt tiêu chuẩn kiểm định theo bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng GDĐH của Việt Nam, chiếm khoảng 52% tổng số các trường ĐH, học viện trong cả nước. Có 7 trường ĐH được nước ngoài đánh giá và công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng Cấp cao về đánh giá nghiên cứu và GDĐH Pháp (HCERES) và Tiêu chuẩn mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN-QA).
Về kiểm định chương trình đào tạo, có 76 chương trình đào tạo của 23 trường ĐH đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá, được kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước. Trong đó, có 19 chương trình được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng do 3 trong số 5 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước thực hiện. Số chương trình được nước ngoài đánh giá là 64.
Báo cáo của Bộ GDĐT cũng cho biết, tới ngày 30/6, có 128 chương trình đào tạo của 24 trường ĐH, học viện được đánh giá và công nhận theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
Năm 2019, Bộ GDĐT đã thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra việc đánh giá và kiểm định chất lượng GDĐH tại 2 Trung tâm kiểm định chất lượng và 4 cơ sở GDĐH. Tiến hành thanh tra đột xuất điều kiện đảm bảo công tác tuyển sinh của 4 trường; công tác tuyển sinh, đào tạo trình độ ĐH và văn bằng 2 tại 3 đơn vị; đã rà soát hoạt động liên kết đào tạo của các cơ sở GDĐH. Qua rà soát, một số vấn đề nổi cộm cần tập trung chấn chỉnh, xử lý.
Cụ thể, về thực hiện nhiệm vụ đào tạo, một số trường chưa đảm bảo tiêu chí về cơ sở vật chất như diện tích sàn xây dựng và tiêu chí sinh viên/giảng viên theo quy định hoặc xác định chỉ tiêu hoặc tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Việc mở mã ngành tại một số trường chưa mang lại hiệu quả (số lượng tuyển sinh thấp, hoặc không tuyển sinh được), đồng thời một số trường mở ngành mới nhưng không đủ điều kiện về giảng viên cơ hữu, điểm tuyển sinh đầu vào còn thấp, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Việc đào tạo chương trình chất lượng cao của một số trường còn chưa tương xứng với chất lượng dịch vụ cung cấp, một số chương trình đào tạo chưa đảm bảo chất lượng theo đề án, chưa có khác biệt lớn so với chương trình đào tạo đại trà và chưa tự đánh giá, kiểm định.
Thừa nhận vẫn còn “bệnh thành tích” trong kiểm định chất lượng giáo dục, báo cáo của Bộ GDĐT cho thấy hiện đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý chất lượng của các sở GDĐT còn thiếu; việc tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn còn hạn chế. Đối với các cơ sở GDĐH hiện mới tập trung chủ yếu vào kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục. Tiến độ thực hiện kiểm định chất lượng chương trình đào tạo còn chậm so với kế hoạch chung của Bộ.
Trong thư viện nhà trường. Ảnh: Quang Vinh.
Tập trung kiểm định các chương trình đào tạo
Nhìn lại công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với các cơ sở GDĐH, CĐSP và TCSP năm 2019, Bộ GDĐT khẳng định đã và đang đang được đẩy mạnh theo hướng tiếp cận với khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, ngay cả khi đã thực hiện kiểm định và được công nhận cũng không đồng nghĩa với chất lượng đào tạo. Theo ông Lê Mỹ Phong- Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, kiểm định là để xác định điều kiện tối thiểu cho các trường ĐH, CĐ hoạt động. Thống kê từ 117/123 trường ĐH đạt kiểm định thì chỉ có 2 trường đạt trên 90% tiêu chí (chiếm 1,7%). Trong khi đó, mức đạt tối thiểu để một cơ sở giáo dục ĐH được công nhận kiểm định là 80,33%. Ở mức tối thiểu này, có tới 25 trường ĐH, chiếm 21,4%. Khoảng 50% các trường ĐH được đánh giá chưa đạt 5 tiêu chí quan trọng đối với một cơ sở giáo dục ĐH…
Để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, CĐ, yêu cầu đặt ra là cần kiện toàn tổ chức, điều kiện bảo đảm hoạt động của Trung tâm Khảo thí quốc gia; tổ chức giám sát, đánh giá các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục; kiểm tra việc tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ, tin học, công tác quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ, công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục; từng bước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để quản lý chất lượng thiết thực và hiệu quả.
Ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng (Bộ GDĐT) cho rằng, các trường cần chăm lo phát triển, hoàn thiện điều kiện đảm bảo chất lượng bên trong, thể hiện của nó rất cụ thể là các điều kiện đảm bảo chất lượng trên một số nhóm vấn đề.
Đầu tiên là cơ chế quản lý; đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ cán bộ giảng dạy; cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ đào tạo; trách nhiệm với sinh viên để sao cho các em ra trường có việc làm. Công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng của trường và phải chịu trách nhiệm trước xã hội với những thông tin công khai đó. Các nhà trường đồng thời phải tập trung kiểm định chất lượng, trong đó đặc biệt quan tâm kiểm định các chương trình đào tạo.
“Khoản 5 Điều 33 Luật GDĐH sửa đổi đã quy định rõ: Nếu một chương trình đào tạo trong quá trình đào tạo không thực hiện đánh giá và kiểm định chất lượng hoặc kiểm định chất lượng nhưng không đạt thì phải dừng quá trình tuyển sinh tiếp theo. Đối với cơ sở giáo dục đào tạo, nếu không đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng thì không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Đây là những vấn đề hết sức căn cốt đã quy định rõ trong Luật Giáo dục”- ông Trinh nêu rõ.
Về phía Bộ GDĐT sẽ tiếp tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và tới đây cố gắng hoàn thiện cơ sở dữ liệu số về các điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở giáo dục ĐH để việc quản lý tốt hơn.