Kiểm định chất lượng giáo dục: Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Linh Lan (thực hiện) 20/01/2016 10:30

Chính phủ đã ban hành Nghị định 73 quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học (ĐH). Bên cạnh đó, các trường ĐH trong cả nước, cũng đang từng bước đổi mới, đáp ứng với yêu cầu hội nhập. Để thực hiện thành công những yêu cầu trên, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, vai trò của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục là vô cùng lớn. 

Kiểm định chất lượng giáo dục: Đáp ứng yêu cầu hội nhập

PGS. TS Nguyễn Thị Phương Nga.

PGS. TS Nguyễn Thị Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) cũng khẳng định: Để thực hiện Nghị định 73 của Chính phủ, việc đầu tiên các trường cần làm là kiểm định.

PV: Bà có thể cho biết ý nghĩa của việc kiểm định chất lượng các trường ĐH trong việc phân tầng xếp hạng các trường, nâng cao chất lượng các trường, cũng như việc hội nhập của nước ta hiện nay?

PGS. TS Nguyễn Thị Phương Nga: Một trong những yêu cầu đầu tiên của phân tầng, xếp hạng theo Nghị định của Chính phủ là các trường phải có chứng chỉ Kiểm định chất lượng giáo dục cấp cơ sở về chương trình đào tạo. Nó tạo ra tiền đề để khẳng định các trường hội nhập vào thế giới, khẳng định rằng trường này đã đạt được yêu cầu, đạt ngưỡng chất lượng tối thiểu của Bộ GD&ĐT, sinh viên ra trường có việc làm, hòa nhập được với cộng đồng ASEAN.

Các nước trong khối ASEAN hầu hết đều có hệ thống Kiểm định chất lượng giáo dục. Các trường ĐH ở khu vực này còn thành lập mạng lưới đảm bảo chất lượng chung. Nếu Việt Nam có nhiều trường Kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chứng chỉ, đương nhiên các nước trong khối ASEAN công nhận đảm bảo chất lượng chung của khu vực. Nếu các trường của Việt Nam kiểm định theo tiêu chuẩn ASEAN thì chúng ta đạt chứng chỉ quốc tế.

Như vậy, các trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam cũng cần có những tiêu chí chung như những nước khác?

- Đúng vậy. Trong khối ASEAN và rộng ra quốc tế đều có mạng lưới, các tổ chức đảm bảo chất lượng theo quốc tế. Các tổ chức kiểm định của Việt Nam đã và sẽ tham gia vào mạng lưới Kiểm định chất lượng giáo dục trong khối ASEAN, châu Á – Thái Bình Dương, quốc tế. Tất nhiên, chúng ta cũng phải hoạt động theo điều lệ chung của tổ chức, đảm bảo chất lượng quốc tế.

Tới đây, Bộ GD&ĐT tái cấu trúc lại hệ thống các trường ĐH. Liệu việc kiểm định có đóng góp cho hoạt động đó?

- Trước mắt mới có Nghị định của Chính phủ về phân tầng, xếp hạng các trường ĐH. Muốn các quy định đi vào thực tiễn, thì vai trò của Bộ GD&ĐT phải có văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện như thế nào. Những tiêu chí đó quy ra bao nhiêu điểm? Đánh giá theo quy trình nào? Hiện tại chúng ta chưa thể rõ, nhưng để bước vào phân tầng xếp hạng đó, thì các trường đầu tiên phải kiểm định. Họ phải khẳng định là trường mình đạt chất lượng theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Cũng có nghĩa là tương đương với các nước trong khối ASEAN. Còn nếu trường nào chưa đạt yêu cầu chất lượng của chương trình kiểm định, sẽ không thể tham gia phân tầng, xếp hạng. Khi không đủ nguồn lực, thì làm sao có thể tự chủ được. Làm sao có thể cạnh tranh được với các trường khác…

Kiểm định chất lượng giáo dục: Đáp ứng yêu cầu hội nhập - 1

Kiểm định chất lượng như một đòn bẩy
giúp các trường tích cực đổi mới, nâng chất. (Ảnh: TL).

Hiện nay Bộ GD&ĐT đã cho phép hoạt động 4 trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục. Nhiều trung tâm đồng nghĩa sẽ có sự cạnh tranh, thưa bà?

- Theo lộ trình phát triển của Bộ GD&ĐT, thời kỳ đầu, 2 ĐH quốc gia và ĐH Đà Nẵng, mỗi đơn vị có 1 trung tâm. Trung tâm của chúng tôi thuộc sự quản lý của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam - độc lập với Bộ GD&ĐT, nhưng vẫn hoạt động theo quy định của Bộ và pháp luật. Thực ra 4 trung tâm không nhiều so với gần 500 trường ĐH, CĐ và rất nhiều chương trình đào tạo.

Các trường được lựa chọn bất kỳ tổ chức kiểm định nào được Bộ GD&ĐT cấp phép. Tổ chức nào làm việc công bằng, công tâm, chuyên nghiệp và phù hợp thì chắc chắn sẽ được lựa chọn.

Lo lắng nhất là các trường họ chỉ quan trọng việc “được” hay “không được”, chứ không xem đây là một kênh tham vấn thông tin để họ phát triển?

- Những năm 2003-2004, 2005-2006, cũng đã có khoảng 20 trường ĐH lớn tham gia đánh giá ngoài. Thời kỳ đầu họ cũng chỉ quan trọng được hay không được. Nhưng khi có những người được đào tạo nước ngoài về, làm chặt chẽ, tâm huyết, thì hầu như các trường rất mừng và tích cực cải tiến, đào tạo chất lượng. Họ thấy mình được nhiều hơn không được.

Thời gian gần đây việc này có vẻ hơi im ắng, không có nhiều đầu tư cho kiểm định chất lượng. Nhưng sắp tới, với Nghị định phân tầng xếp hạng của Chính phủ, các trường sẽ dấy lên phong trào đó. Hơn nữa, tự chủ phải gắn liền với kiểm định. Kiểm định các trường sẽ có những đổi mới. Những trường nào chưa nhận thức được hay nhận thức còn chưa đầy đủ thì cũng có thể thay đổi.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm định chất lượng giáo dục: Đáp ứng yêu cầu hội nhập