Mùa đại hội đồng cổ đông của các ngân hàng vào cao điểm. Bên cạnh mục tiêu đẩy lợi nhuận, các ngân hàng cũng đặt ra chiến lược năm nay là tiếp tục siết chặt vốn thị trường nhà đất, phần lớn sẽ tập trung vào sản xuất kinh doanh.
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến thời điểm 20-3, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,23% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm trước tăng 2,88%); huy động vốn của các ngân hàng thương mại tăng 2,20% (cùng kỳ năm trước tăng 2,43%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 2,23% (cùng kỳ năm trước tăng 2,81%).
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, lãi suất huy động hiện nay khá ổn định. Lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam phổ biến ở mức 0,6%-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3%-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3%-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5%-7,3%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến của các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6%-6,5%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8%-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3%-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng có tình hình tài chính minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4%-5%/năm.
Dữ liệu từ các tỉnh, địa phương cũng cho biết, tín dụng đang đi đúng hướng. Theo NHNN chi nhánh Hà Nội, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng đã có sự tăng trưởng ngay từ những tháng đầu năm (tháng 1 tăng 0,6%, tháng 2 tăng 0,62%, tháng 3 tăng 0,81% so với cuối tháng trước), tốc độ tăng dư nợ cho vay tăng cao hơn so với tốc độ tăng nguồn vốn. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch tích cực, tập trung vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên.
Theo đó, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 101.385 tỷ đồng, tăng 2,1%; dư nợ cho vay đối với DN nhỏ và vừa đạt 525.178 tỷ đồng, tăng 2,18%; Dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 137.792 tỷ đồng, tăng 2%; Dư nợ cho vay đối với các đối tượng chính sách xã hội đạt 6.954 tỷ đồng, tăng 0,87% so với 31-12-2017.
Thời điểm này cũng là đợt cao điểm của mùa đại hội đồng cổ đông của ngân hàng. Quan sát mùa đại hội đang diễn ra cho thấy, với khởi đầu thuận lợi phần lớn các ngân hàng đều đặt con số lợi nhuận cao hơn năm trước.
Tuy nhiên nhiều quan ngại cũng chỉ ra rằng, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, trong khi phần lớn lợi nhuận của ngân hàng đến từ mảng cho vay nếu cố ép lợi nhuận chạy theo tăng trưởng tín dụng rất dễ gây ra nợ xấu.
Phía NHNN cũng đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh. Theo đó, các tổ chức tín dụng cần hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng, cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản; Thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án bất động sản, năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp xử lý thích hợp. Đồng thời, kiểm soát tốt chất lượng tín dụng tiêu dùng; nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn để hạn chế rủi ro phát sinh; giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán.