Sau một thời gian khá dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngay sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu phục hồi đáng kể. Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường bất động sản chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn yếu tố rủi ro…
Bộ Xây dựng nhận định, tình trạng các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật còn xảy ra tại một số địa phương; cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch; hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chưa đáp ứng yêu cầu quy định...
Tại một số địa phương đã xảy ra các vụ việc, hiện tượng như: doanh nghiệp triển khai việc kinh doanh bất động sản chưa đủ điều kiện pháp lý; chuyển nhượng đất đai, kinh doanh bất động sản trái quy định; thực hiện các dự án phân lô, bán nền trên diện tích đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở; thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà, đất khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, cơ sở pháp lý, gây ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
Thậm chí, một số trường hợp trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm. Có trường hợp giá trúng thầu cao bất thường có thể là nguyên nhân tạo ra tác động tiêu cực đối với thị trường nhà ở, bất động sản.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Bộ Xây dựng đã đề nghị các địa phương khẩn trương chỉ đạo triển khai nhiệm vụ được giao tại Công điện số 1767/CĐ-TTg. Theo đó, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung rà soát, kiểm tra hoạt động của các tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường; đánh giá tình hình, kết quả đấu giá quyền sử dụng đất, đặc biệt là tác động của các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường (cung, cầu) nhà ở, bất động sản trên địa bàn.
Cùng đó, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tổng hợp thông tin, đánh giá, nhận định về khả năng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra “bong bóng” hoặc các diễn biến bất thường khác, dự báo tình hình thị trường bất động sản trong thời gian tới tại địa bàn. Ngoài ra, các địa phương cần tập trung chỉ đạo cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra và thanh tra để có giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông... gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội địa phương và đời sống của người dân.
Cũng theo Bộ Xây dựng, cần xử lý nghiêm các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, dự án bất động sản, quyền sử dụng đất, buông lỏng quản lý, vi phạm pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan; đặc biệt, tăng cường kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm trường hợp các dự án bất động động sản chưa đủ điều điều pháp lý đã đưa vào kinh doanh.
Mặt khác, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp. Cùng với đó, cần có biện pháp quản lý, kiểm soát hữu hiệu hoạt động môi giới của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản tại địa phương…
Trước đó, ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 1767/CĐ-TTg về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian qua.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, giá đất khu vực vùng ven thủ đô Hà Nội như Quốc Oai tăng 20%, Ba Vì tăng 45%, một số điểm thuộc các tỉnh như Hòa Bình tăng 46%, Bắc Ninh 20%, Hưng Yên 26%. Nhiều tỉnh như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương là những địa phương có mức giá bình quân tăng cao.