Trước việc Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi vẫn giữ quan điểm “sở hữu nhà chung cư có thời hạn”, Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, cần xem xét thận trọng để thống nhất theo các quy định pháp luật, đồng thời đáp ứng đúng nhu cầu, nguyện vọng của đa số người dân mong muốn ổn định lâu dài.
Tại Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần thứ tư, Điều 25, Điều 26 đã không còn sử dụng các khái niệm gây tranh cãi như “sở hữu nhà chung cư có thời hạn”, hoặc “gia hạn thời hạn sở hữu nhà chung cư” như trong các Dự thảo trước đây.
Tuy nhiên, Dự thảo đưa ra 2 phương án. Trong đó, phương án 1 vẫn quy định về vấn đề thời hạn sở hữu nhà chung cư. Theo đó, dự thảo đề xuất quy định: “quyền sở hữu nhà chung cư chấm dứt khi có thông báo phá dỡ nhà chung cư” hoặc “UBND cấp tỉnh thông báo về việc phá dỡ nhà chung cư thì quyền sở hữu ghi trong Giấy chứng nhận đã cấp cho các chủ sở hữu nhà chung cư không còn giá trị pháp lý”, hoặc “xử lý nhà chung cư khi chấm dứt quyền sở hữu”.
Như vậy, với phương án này, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vẫn giữ quan điểm sở hữu nhà chung cư có thời hạn.
Góp ý về dự thảo, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) kiến nghị cần phải tiếp tục xem xét thận trọng các quy định này để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các quy định pháp luật, đồng thời đáp ứng đúng nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của đa số người dân mong muốn được sở hữu nhà chung cư không xác định thời hạn, gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định lâu dài.
HoREA đề nghị cơ quan soạn thảo chọn phương án 2, tức là không quy định “chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư khi UBND cấp tỉnh thông báo phá dỡ nhà chung cư” hoặc “xử lý nhà chung cư khi chấm dứt quyền sở hữu” của phương án 1.
Về vấn đề áp niên hạn cho nhà chung cư, nhiều ý kiến cho rằng, có thể dẫn đến việc nhiều người sẽ bỏ lựa chọn nhà chung cư để chuyển sang mua nhà ở riêng lẻ gắn liền với đất ở. Khi đó, giá biệt thự, nhà phố lại bị đẩy lên cao, làm lợi cho các chủ đầu tư dự án nhà ở thấp tầng.
Tuy nhiên, có một thực tế, việc cải tạo xây mới nhà chung cư cũ xuống cấp rất khó. Do người dân không tìm nói được tiếng nói chung giữa chủ đầu tư – nhà nước – người dân nên việc cải tạo chung cư cũ rất ì ạch. Thừa nhận rằng việc quy định thời hạn sở hữu chung cư sẽ tác động đến tâm lý của người dân song cần phải nhìn ở góc độ an toàn, bởi tuổi thọ của bê tông là có hạn. Các nước trên thế giới đều quy định về tuổi thọ và thời hạn sở hữu công trình.
Theo GSTS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân, đối với đại đa số người dân Việt Nam, bất động sản nhà ở không chỉ đơn thuần với mục đích để đáp ứng yêu cầu về chỗ ở mà còn được coi như là gia tài để lại cho đời sau. Việc mua và giữ bất động sản được coi như là một kênh đầu tư vừa có ý nghĩa bảo toàn giá trị vừa có cơ hội làm gia tăng giá trị tích lũy vì giá bất động sản luôn có xu hướng tăng lên. Đây là một trong các yếu tố làm giá bất động sản ở Việt Nam được đánh giá là cao hơn so với mức thu nhập.