Kinh tế

Kiên quyết xử lý nợ xấu

T.Hằng 22/07/2025 15:40

Nợ xấu ngân hàng đang có xu hướng gia tăng, theo các chuyên gia, để xoá “cục máu đông” cần sự phối hợp đồng bộ giữa ngân hàng, cơ quan quản lý và hệ thống tòa án.

Agribank Chi nhánh Ba Đình vừa thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH ACE.LK với mức giá khởi điểm là hơn 122 tỷ đồng. Đây là lần thứ hai ngân hàng rao bán khoản nợ này.

Khoản nợ của Công ty TNHH ACE.LK có tổng giá trị ghi sổ đến 30/4/2025 là 186,1 tỷ đồng (trong đó nợ gốc 120 tỷ đồng), được hình thành từ hai khoản vay ký giữa công ty và Agribank Chi nhánh Hà Thành vào tháng 12/2017 và tháng 11/2018. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ gồm 4 quyền sử dụng đất.

Ngân hàng VietinBank Chi nhánh Ba Đình cũng đang rao bán cùng lúc hai khoản nợ của nhóm khách hàng là Công ty Cổ phần môi trường Lâm Hà (Công ty Lâm Hà) và Công ty Cổ phần Năng lượng môi trường Bắc Việt (Công ty Bắc Việt).

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, tổng quy mô nợ xấu toàn hệ thống hiện đã vượt 1 triệu tỷ đồng – tương đương một “khối vốn chết” khổng lồ bị mắc kẹt, gây lãng phí lớn trong bối cảnh nền kinh tế đang rất khát vốn.

Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kiêm Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho biết: Thời gian vừa qua, hoạt động của các tổ chức tín dụng nói chung và công tác xử lý nợ xấu nói riêng đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Nợ xấu được xử lý hiệu quả, thực chất hơn, góp phần lành mạnh hóa hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, kinh tế - xã hội nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng có nhiều thay đổi, hoạt động của các tổ chức tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ, quy mô ngày càng được mở rộng, do đó, các vụ việc tranh chấp cũng không ngừng gia tăng.

Hiện nay, Hiệp hội Ngân hàng nhận được nhiều ý kiến phản ánh của các tổ chức tín dụng liên quan đến quá trình giải quyết các vụ án tại Tòa án phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập như: Thời gian giải quyết vụ án, quá trình thụ lý đơn khởi kiện còn chậm trễ; một số vụ án liên quan đến tranh chấp tài sản là quyền sử dụng đất đang được thế chấp tại tổ chức tín dụng, nhưng tổ chức tín dụng không nhận được thông báo của Tòa án về tham gia tố tụng trong vụ án…

“Trong các vướng mắc nêu trên, có nguyên nhân xuất phát từ tổ chức tín dụng, có nguyên nhân do quan điểm về áp dụng quy định của pháp luật, về cách đánh giá chứng cứ của những người tiến hành tố tụng. Do đó, các cơ quan tiến hành tố tụng cần có hướng dẫn để áp dụng thống nhất về các tình huống nêu trên để tòa án các cấp áp dụng giải quyết các tình huống thực tiễn phát sinh” - đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nêu rõ.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn khẳng định: Việc xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp tín dụng hiệu quả mang lại lợi ích cho tất cả các bên, đặc biệt với ngân hàng. Nguồn vốn của ngân hàng chủ yếu đến từ huy động tiền gửi, nên ngân hàng phải đảm bảo hoàn trả cho người gửi tiền. Do đó, nếu tranh chấp được xử lý nhanh gọn, nguồn vốn sẽ được thu hồi kịp thời, giúp bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và duy trì dòng vốn cho vay tiếp tục luân chuyển trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cơ chế xử lý hiệu quả còn tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế. Khi ngân hàng không phải mất nhiều nguồn lực xử lý tranh chấp, chi phí hoạt động giảm, lãi suất có thể điều chỉnh linh hoạt hơn. Điều này góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.

Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh đến 5 yếu tố mấu chốt trong giải quyết tranh chấp tín dụng gồm: khoản vay bảo đảm, giao dịch bảo đảm và phạm vi bảo đảm, lãi suất, người thứ ba, xử lý chứng cứ. Theo ông Tiến, cần phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng, Hiệp hội và tòa án để chuẩn hóa nhận thức pháp luật, tránh mỗi bên hiểu khác nhau.

“Sự phối hợp đồng bộ giữa ngân hàng, cơ quan quản lý và hệ thống tòa án được kỳ vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc, rút ngắn thời gian xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng xét xử và tạo môi trường tín dụng minh bạch, hiệu quả” – ông Tiến nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiên quyết xử lý nợ xấu