Thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông diễn biến phức tạp, các đối tượng vi phạm đã sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm để đối phó với các cơ quan chức năng.
Ảnh minh họa.
Bộ Công an đã chỉ ra một số luồng tuyến trọng điểm để xảy ra nạn khai thác cát trái phép như sông Hồng, sông Đà, sông Cầu, sông Thái Bình, sông Trà Lý, sông Kinh Thầy, sông Lai Vu... ở miền Bắc; sông Mã, sông Chu, sông Lam, sông Hiếu, sông Hương, sông Hàn, sông Thu Bồn... ở miền Trung; sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Tiền, sông Hậu, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên... ở miền Nam.
Hầu hết các phương tiện vi phạm không có đăng ký, đăng kiểm; các đối tượng khai thác cát trái phép sử dụng các phương tiện lớn như sà lan tải trọng lớn, ghe sắt, ghe gỗ để khai thác cát trái phép.
Việc khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông đã làm thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến môi trường, an toàn giao thông, đê điều, gây thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường thủy.
Trước tình trạng đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Công an chủ trì nghiên cứu, xây dựng quy chế phối hợp trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản ở khu vực giáp ranh.
Đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung, xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tài nguyên, khoáng sản, nhất là các văn bản quy định về hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi lòng sông, bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất, hiệu quả.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thành lập các đoàn kiểm tra các mỏ cát, các dự án nạo vét luồng, đặc biệt là tại các địa bàn giáp ranh; kiên quyết thu hồi giấy phép khai thác cấp sai quy định và giấy phép đã cấp cho các đơn vị nhưng có nhiều sai phạm trong hoạt động khai thác, nạo vét luồng và các dự án nạo vét hoạt động kém hiệu quả, không đủ năng lực hoạt động.