Ngày 19/9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”.
Đồng chủ trì Phiên toàn thể có: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Phát huy nội lực, khai thác ngoại lực
Phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Diễn đàn đã dành nhiều thời gian trọng tâm vào thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội mang tính thời sự, ngắn hạn đồng thời tiếp cận các vấn đề lớn, mang tính bao quát, những xu hướng mới định hình của thế giới, các động lực, các hướng đi mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững của Việt Nam. Xét về ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn, Việt Nam đều cần tập trung phát huy tối đa nội lực, trong đó đề cao, coi trọng năng lực nội sinh; tranh thủ, khai thác hiệu quả ngoại lực, kiến tạo động lực tăng trưởng mới, là “chìa khóa” để thích ứng, chống chọi và phát triển trong bối cảnh mới nhiều biến động, rủi ro. Đây là những nội dung hết sức quan trọng trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cũng là thông điệp xuyên suốt, nhất quán, gắn liền với chủ đề của Diễn đàn. Ban Tổ chức sẽ có báo cáo tổng thuật với đầy đủ kết quả của Diễn đàn gửi đến các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ để nghiên cứu, hoạch định các chủ trương, chính sách, định hướng về phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời gửi đến các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu, tham khảo để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho các nội dung sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vào tháng 10 tới.
Nâng cao khả năng chống chịu
Tại Diễn đàn, đề cập đến động lực tăng trưởng và phát triển bền vững trong bối cảnh mới đến năm 2025 và hướng đến năm 2030, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, tăng trưởng GDP năm 2023 dự báo theo kịch bản cơ sở là 5,2-5,5%. Với kịch bản tiêu cực là kinh tế thế giới suy thoái nặng hơn, tận dụng được ít cơ hội từ các động lực tăng trưởng mới, tăng trưởng dự báo là 4,4-4,5%. Tuy nhiên, với kịch bản tích cực là kinh tế thế giới sớm phục hồi, và khai thác được các động lực tăng trưởng mới như: chuyển đổi số, đẩy mạnh liên kết vùng với việc thúc đẩy 2 động lực chính là Hà Nội và TPHCM, tăng trưởng có thể đạt 5,5-6%.
Do đó bên cạnh việc nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách tập trung vào nâng cao giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu và đẩy mạnh thương mại dịch vụ, ông Lực kiến nghị, trong thời gian tới muốn lấy lại đà phát triển nhanh và bền vững, đòi hỏi Quốc hội và Chính phủ cần thực hiện nhiều chính sách, giải pháp vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng chống chịu, củng cố các động lực tăng trưởng truyền thống, vừa tạo không gian đủ rộng để khai thác hiệu quả các mô hình, động lực tăng trưởng mới, cho cả trước mắt và lâu dài.
Theo ông Alexander Bohmer - Trưởng ban Hợp tác và Quan hệ toàn cầu, Khu vực Nam Á và Đông Nam Á, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tại Pháp, những cải cách sâu hơn nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy kinh doanh, mở rộng hệ thống lương hưu và phúc lợi là cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Điều quan trọng, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và dạy nghề để nâng cao năng lực chuyển đổi số của người lao động.
Nhấn mạnh, trong cái khó khăn luôn luôn ló ra những cơ hội, ông Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, nhiều doanh nghiệp (DN) có thể nắm bắt cơ hội đó. Tuy nhiên cần có sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ phía nhà nước để DN nắm bắt cơ hội đó. “Nền kinh tế mở nhưng mức độ năng lực hội nhập của DN tư nhân trong nước còn thấp nên khó tận dụng cơ hội của hội nhập. Mặt khác, hệ thống thể chế không còn phù hợp để huy động đủ nguồn lực và sử dụng nguồn lực có hiệu quả tạo bứt phá cho tăng trưởng” - ông Cung nói.
Đánh giá toàn diện về nội lực của nền kinh tế
Đề cập đến vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM đánh giá quá trình cơ cấu lại nền kinh tế thời gian qua đã mang lại một số kết quả tích cực. Việc ban hành và thực hiện các quy hoạch quốc gia, ngành, vùng gắn với hoàn thiện thể chế, chính sách liên kết vùng đã tạo điều kiện thúc đẩy dịch chuyển các nguồn lực, phát huy lợi thế của từng vùng, địa phương… Từ đó theo bà Minh, phải có đánh giá thấu đáo, toàn diện hơn về nội lực của nền kinh tế. Nội lực ấy không chỉ giới hạn ở lượng tiền, vàng và các tài sản khác mà người dân Việt Nam đang nắm giữ mà cần khai thác nguồn lực về thể chế.
Theo ĐBQH Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội), hiện Việt Nam có 900 nghìn DN, có khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh, tức là có gần 6 triệu chủ thể kinh doanh. Số lượng DN không ít, tuy nhiên chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu của giai đoạn phát triển mới.
Ông Lộc cho rằng, cần nâng cao năng lực nội sinh trong việc cộng sinh với nền kinh tế toàn cầu cũng như trong chính đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Do đó, thời gian tới cần có chính sách thúc đẩy liên kết các DN FDI với Việt Nam, đảm bảo “cắm rễ sâu” trong nền kinh tế, cộng sinh cùng có lợi với các DN Việt Nam.
Còn ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm, trong bối cảnh môi trường đầu tư kinh doanh gặp khó khăn, thách thức, cần huy động năng lực nội sinh của nền kinh tế, trong đó vai trò của DN rất quan trọng. Muốn vậy, cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. “Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang rà soát, cắt giảm thủ tục không cần thiết để giảm chi phí, giảm gánh nặng cho DN” – ông Phương nói.
Theo đề xuất của ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, cần cải thiện môi trường đầu tư cho các DN nước ngoài. Đặc biệt cần có chính sách hỗ trợ mới cho các nhà đầu tư có đóng góp lớn cho sự phát triển của quốc gia. “Bên cạnh đó, việc chuyển giao công nghệ và đào tạo các DN Việt Nam cần được thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian tới. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ ngân sách từ nhà nước để các DN này có thể phát triển nhanh chóng” - ông Choi Joo Ho bày tỏ.
Đón đầu phát triển kinh tế xanh
Đề cập đến việc chuyển đổi xanh và thách thức tăng trưởng kinh tế trung hạn, ông Nguyễn Xuân Thành – Trưởng Chính sách công và quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, nền kinh tế đang đứng trước những thách thức rất lớn trong ngắn hạn và trung hạn. Cả 3 động lực tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế là tiêu dùng nội địa, đầu tư và xuất khẩu đều không theo hướng chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn. Do đó nếu tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng với 3 động lực truyền thống này mà không có chính sách mang tính khuyến khích để thay đổi hành vi trong tiêu dùng, đầu tư và sản xuất kinh doanh thì các mục tiêu về chuyển đổi xanh khó đạt được. Từ đó, ông Thành cho rằng, chính sách cần hướng tới việc phát triển các dịch vụ hỗ trợ trong hệ sinh thái để chính cách DN và người tiêu dùng sẽ thu được lợi ích từ việc tham gia một cách chủ động vào các hoạt động kinh tế tuần hoàn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá, chuyển đổi xanh đang là một xu thế tất yếu của tất cả các nền kinh tế trên thế giới và Việt Nam chúng ta không là ngoại lệ. Điều này đòi hỏi sự chuyển đổi nền kinh tế trên quy mô lớn, ở tất cả các lĩnh vực, các khu vực kinh tế. Đòi hỏi sự đồng thuận trong thay đổi tư duy và hành động của các chủ thể, đặc biệt là các địa phương và DN.
Còn ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM cho rằng, cần có chính sách và quy mô hỗ trợ bài bản hơn để tạo niềm tin vững chắc cho người tiêu dùng. Đồng thời cần thêm các chính sách hỗ trợ nhiều hơn cho các DN sản xuất trực tiếp.
TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright nhận định: “Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, chỉ khi nào có sự chuyển đổi của những công nghệ đột phá và những xu hướng mới thì đó là cơ hội của những quốc gia đi sau bứt phá và vươn lên. Đây cũng chính cơ hội của Việt Nam và chúng ta cần phải nắm bắt cơ hội này”.