Tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024, do Bộ Ngoại giao, UBND TP Hải Phòng phối hợp tổ chức, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác, kinh tế xanh là con đường chắc chắn phải chọn”. Đồng thời, Phó Thủ tướng chỉ rõ những yếu tố để cuộc “cách mạng xanh" thành công, trong đó có hệ thống hạ tầng đồng bộ, bao gồm hạ tầng số và nguồn nhân lực.
Dẫn thông tin từ Diễn đàn Kinh tế thế giới (VEF), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho hay, các công nghệ và xu hướng mới, nổi lên là trí tuệ nhân tạo (AI) và giảm phát thải carbon sẽ là 2 nhân tố quyết định trong chu kỳ phát triển mới của thế giới. Chat GPT (công cụ trí tuệ nhân tạo AI) chỉ mất 2 tháng để đạt 100 triệu người dùng, trong khi các ứng dụng khác phải mất vài năm, thậm chí 10 năm.
Vai trò của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh
Bà Hằng cho rằng, để phát triển các công nghệ mới, nhất là bán dẫn, AI, nhu cầu về tiêu thụ điện năng, nhất là điện sử dụng năng lượng sạch sẽ tăng gấp nhiều lần. Năng lượng xanh, bền vững sẽ là bài toán phức tạp nhất đối với các nền kinh tế muốn phát triển các ngành công nghệ mới trong thời gian tới.
Vấn đề quan trọng là chính sách đột phá hướng đến nền kinh tế xanh. Theo đó, trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất (EPR) là cách tiếp cận của chính sách môi trường; trong đó, nhà sản xuất, nhập khẩu được yêu cầu có trách nhiệm về môi trường trong suốt vòng đời của sản phẩm hay hàng hóa đó, bao gồm từ khâu thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ. Nhiều ý kiến chuyên gia khẳng định, không thể có kinh tế tuần hoàn nếu không có trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất và trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất là động lực để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Điều đó cũng đã được quy định tại Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020: nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì - áp dụng đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế. Còn Điều 55 quy định trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải - áp dụng đối với sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế, gây khó khăn cho thu gom, xử lý chất thải.
Đại diện Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia cho rằng, nếu thực hiện đúng, đầy đủ các yêu cầu của trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất sẽ đảm bảo sự khép kín, tuần hoàn tài nguyên giữa nguồn nguyên liệu đầu vào và chất thải sinh ra trong quá trình sản xuất, hướng tới mục tiêu không phát thải. Việc áp dụng trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành công nghiệp tái chế của Việt Nam. Dù doanh nghiệp (DN) sản xuất lựa chọn hình thức tái chế nào thì dòng tiền cũng sẽ chảy về nhóm DN thu gom, tái chế rác thải. Tuy nhiên, chỉ có công nghệ tái chế tiên tiến, hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường mới là đối tượng được hưởng lợi từ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Vì vậy các DN tái chế phải thay đổi công nghệ, đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường.
Tại Hội thảo "Chuyển dịch năng lượng Việt Nam: Xu hướng định hình kinh tế xanh” do Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, theo GS Trương Quang Học - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội), tăng trưởng xanh chỉ rõ cách thức phản ứng của các nền kinh tế trước diễn biến của biến đổi khí hậu và tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; phản ánh các xu hướng tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới với ngành công nghiệp xanh nổi lên như một mũi nhọn, tạo động lực tăng trưởng mới, mang tính cạnh tranh cao.
Ông Học cũng cho rằng, kinh tế xanh xuất phát từ việc tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực giúp bảo vệ và phát triển vốn tự nhiên của trái đất, hạn chế suy giảm sinh thái và các rủi ro về môi trường như: năng lượng tái tạo, giao thông phát thải carbon thấp, xây dựng hiệu quả năng lượng, các công nghệ sạch, hệ thống quản lý chất thải tiên tiến, hệ thống cung cấp nước sạch tiên tiến và nông - lâm - ngư nghiệp bền vững. Việc đầu tư phát triển kinh tế xanh cần được hỗ trợ từ những cải cách về chính sách trong nước và quốc tế, nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng của thị trường.
Tiềm năng to lớn của nguồn điện tái tạo
Lâu nay câu chuyện đấu nối, bán điện gió, điện mặt trời luôn nóng. Mới đây, thông tin từ Bộ Công thương cho biết nếu mua bán điện mặt trời qua đường dây riêng, sẽ không hạn chế loại hình phát điện và khách hàng tham gia. Tuy nhiên, phải tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về quy hoạch, đầu tư, quy định về cấp giấy phép hoạt động điện lực.
Bộ Công thương cũng đã hoàn thiện dự thảo nghị định của Chính phủ về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA), trong đó cho phép các nhà máy điện gió, điện mặt trời được phép bán trực tiếp cho khách hàng thông qua đường dây riêng hoặc lưới quốc gia.
Tuy nhiên, theo ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), với mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, điều kiện tham gia là đơn vị phát điện năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) có công suất từ 10MW trở lên và khách hàng sử dụng điện lớn đấu nối cấp điện áp từ 22kV trở lên, có sản lượng tiêu thụ trung bình hàng tháng từ 500.000 kWh.
Thủy điện, điện gió, điện mặt trời là nguồn điện năng tái tạo mà với Việt Nam có nhiều tiềm năng.
Thủy điện là một trong những nguồn năng lượng tái tạo trong các trọng tâm phát triển của ngành năng lượng. Việt Nam là nước nằm trong khu vực nhiệt đới, với lượng mưa hàng năm lên tới 1.800 - 2.000mm. Hệ thống sông ngòi dày đặc cùng với địa hình thuận lợi phía Tây Bắc là đồi núi cao, phía Đông là bờ biển kéo dài. Điều kiện tự nhiên thuận lợi chính là tiềm năng to lớn để phát triển thủy điện ở nước ta.
Theo giới chuyên gia, tổng công suất thủy điện của nước ta vào khoảng 35.000MW, phân bổ phần lớn ở khu vực phía Bắc. Tiềm năng thủy điện có thể khai thác một cách khả thi là 26.000MW, tương ứng với gần 970 dự án được quy hoạch, hàng năm có thể sản xuất khoảng hơn 100 tỷ kWh. Tuy nhiên, nếu áp dụng các công nghệ khoa học kĩ thuật hiện đại, công suất thủy điện còn có thể cao hơn nữa.
Hiện nay, đang có khoảng gần 400 dự án thủy điện đang hoạt động, rõ ràng vẫn còn rất nhiều tiềm năng chưa khai thác hết.
Về điện gió, chúng ta cũng có lợi thế rất lớn, với bờ biển dài hơn 3.000km và nhiều hải đảo với vận tốc gió thổi trung bình quanh năm từ 5m/s trở lên. Trên đất liền, Việt Nam có thể phát triển khoảng 27 GW điện gió, tương ứng với tốc độ gió trung bình từ 5,5 đến 7,3 m/s. Theo nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo Việt Nam, tiềm năng năng lượng gió ở độ cao 80m trên biển với tốc độ gió 8 m/s là 1,3 nghìn GW. Tuy nhiên, sự phát triển công nghệ điện gió vẫn chưa tương xứng với tiềm năng này.
Trước hết về tài chính, thường một dự án điện gió thành công đòi hỏi suất đầu tư phải khá lớn. Bên cạnh đó cần có đầy đủ dữ liệu về địa lý, hải triều, tốc độ gió tại các vùng, buộc nhà đầu tư cân nhắc rất chi tiết, cần nhiều thời gian.
Về điện mặt trời, Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có tiềm năng rất lớn. Bản đồ bức xạ mặt trời Việt Nam do 3 viện nghiên cứu hàng đầu của Tây Ban Nha là CIEMAT, CENER, IDEA lập dựa trên cơ sở số liệu của 171 trạm đo khí tượng thủy văn của Việt Nam đo số giờ nắng trong 30 năm, cơ sở dữ liệu ảnh vệ tinh trong 5 năm và dữ liệu của 12 trạm đo khí tượng thủy văn tự động trong 2 năm; cho thấy việc thuận lợi phát triển điện mặt trời ở nhiều vùng trên cả nước.
Còn theo bản đồ bức xạ do Ngân hàng Thế giới (WB), tiềm năng năng lượng mặt trời ở Việt Nam về mặt lý thuyết là rất lớn. Cường độ bức xạ mặt trời dao động từ 897 - 2108 kWh/m2/năm, tương đương 2,46 và 5,77 kWh/m2/ngày. Cường độ bức xạ cao nhất tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ như Đắk Lắk, Gia Lai, Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh và Bình Phước.
Như vậy có tể thấy, trong lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn giảm phát thải, Việt Nam rất nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo. Vấn đề là cần kiên trì thúc đẩy chiến lược kinh tế xanh, cho dù vẫn còn nhiều thách thức.
Theo ông Darryl James Dong - Kinh tế trưởng, Tổ chức Tài chính quốc tế IFC tại Việt Nam, để đạt được mục tiêu kép là thu nhập cao và trung hòa carbon, Việt Nam cần đầu tư 6,8% GDP mỗi năm từ nay đến năm 2040. Con số này tương đương 368 tỷ USD, theo giá trị hiện tại, cho phát triển, thích ứng, và giảm nhẹ. Trong đó, một nửa khoản đầu tư này dự kiến sẽ do khu vực tư nhân gánh vác. Để tài trợ cho một tương lai ít carbon như vậy, Việt Nam cần huy động mọi nguồn vốn sẵn có và triển khai các công cụ tài chính sáng tạo nhất của thị trường, bao gồm trái phiếu xanh, và trái phiếu liên kết bền vững, vốn đầu tư thông minh về khí hậu, và các công cụ trung gian. Trong khi đó, theo đại diện Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD), các quỹ đầu tư quốc tế sẵn sàng đầu tư khoảng 15,7 tỷ USD trong 10 năm tới cho các dự án chuyển đổi xanh. Vấn đề là Việt Nam có hấp dẫn được nguồn vốn đó hay không, điều này còn tùy thuộc vào từng doanh nghiệp.