Văn hóa

Kiến trúc cổ đang chờ giải pháp bảo tồn

Thành Luân 20/02/2025 07:05

Theo kiểm kê, đánh giá, phân loại mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, toàn thành phố có 1.253 biệt thự cũ (hầu hết xây dựng trước năm 1975) theo danh mục của UBND Thành phố tại quyết định số 1550/QĐ-UBND ban hành từ năm 2020.

ảnh bài Kien truc
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn đang được trùng tu. Ảnh: Hồng Phúc.

Xuống cấp nghiêm trọng theo thời gian

Đại diện Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc cho biết, hiện thành phố có 13 căn biệt thự thuộc nhóm I, 226 căn biệt thự nhóm II và 330 căn biệt thự nhóm III. Đáng chú ý, số lượng công trình không còn tính chất của biệt thự được kiểm kê lên đến 630 căn, chưa kể 54 công trình không thể tiếp cận khảo sát và không đủ dữ liệu để lập phiếu kiểm kê. Trong đó, nhóm 1 là các công trình có giá trị điển hình về kiến trúc, nhà cổ, trong đó một số công trình còn là biểu tượng chứng nhân lịch sử. Đây hầu hết là các biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1975 và cũng nằm trong nhóm những công trình kiến trúc có giá trị nhưng đã và đang bị xuống cấp, biến dạng nghiêm trọng. Nhận thức được nhiệm vụ của công tác bảo vệ, bảo tồn công trình, kiến trúc cổ, từ năm 2013 UBND Thành phố đã ban hành quyết định “Chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc trên địa bàn thành phố”.

Dẫn chứng thực trạng xuống cấp của các công trình cổ ở TP Hồ Chí Minh, KTS Nguyễn Trường Lưu - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, công trình nhà số 72-74 Sương Nguyệt Ánh (phường Bến Thành, quận 1) giai đoạn sau 1975 đã được cấp cho nhiều hộ gia đình và có chủ quyền sở hữu riêng nên các hộ đã tách ra làm thành một dãy nhà phố để kinh doanh, vì vậy hình ảnh “biệt thự cổ” đã không còn nguyên vẹn nữa. Trong khi đó, nhà số 128 Sương Nguyệt Ánh cũng được xây nối phía trước thì được đưa vào danh sách công trình không còn tính chất biệt thự cũ. Tương tự, Khu dãy nhà 11B, 15A, 15B Nguyễn Đình Chiểu (phường Đa Kao, quận 1) cũng có hình thức kiến trúc dãy nhà phố chung một mái và có tầng áp mái. Hiện trạng số 11B còn giữ nguyên kiến trúc tầng áp mái nhưng đã bị cơi nới xây dựng phần sân phía dưới. Các nhà từ 15A, 15B đã bỏ toàn bộ phần mái cũ và lợp lại bằng mái tôn.

Không chỉ tập trung tại quận 1, một số biệt thự cổ ở quận 3, như nhà số 3 Nguyễn Thị Diệu có nguồn gốc là biệt thự song lập. Hiện nay, công trình này được giao cho Nhà nước làm trụ sở Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông. Theo thời gian, nhà số 3 Nguyễn Thị Diệu cũng đã trải qua quá trình cải tạo, chỉnh sửa toàn bộ kiến trúc. Đáng lo ngại, công trình biệt thự cổ số 110-112 Võ Văn Tần (phường Võ Thị Sáu, quận 3) được đánh giá có giá trị về nghệ thuật kiến trúc, từng trải qua trùng tu để giữ nguyên hiện trạng kiến trúc nội ngoại thất. Tình trạng của công trình nằm trong vụ án Vạn Thịnh Phát (tài sản bị phong tỏa). Do đó, vấn đề tương lai để bảo vệ, bảo tồn công trình vẫn là câu chuyện còn bỏ ngỏ.

Cũng như biệt thự cổ, nhiều công trình, di sản kiến trúc lớn của TP Hồ Chí Minh do tình trạng xuống cấp cũng đang phải gấp rút cải tạo, trùng tu để bảo vệ, bảo tồn. Trong đó có Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn (quận 1) đã bắt đầu cuộc đại trùng tu từ năm 2017 đến nay. Tương tự, Bưu điện trung tâm TP Hồ Chí Minh tại quận 1, nằm trong tốp các bưu điện đẹp trên thế giới đã có tuổi đời hơn 130 năm. Do xuống cấp, công trình này cũng trải qua một số lần trùng tu và thay đổi màu sắc để bảo vệ, bảo tồn.

Giải pháp cấp thiết để bảo vệ, bảo tồn

Theo TS Nguyễn Thị Hậu - Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử TP Hồ Chí Minh và TS Cao Thu Nga - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa, đối với khoảng 1.300 ngôi biệt thự cổ được xây dựng trước năm 1975 hầu hết tập trung nhiều nhất ở quận 1 và quận 3. Việc đánh giá giá trị hệ thống biệt thự như Hà Nội đã làm và TP Hồ Chí Minh đang làm, theo hệ thống tiêu chí cụ thể để phân loại bảo tồn hay không bảo tồn là rất cần thiết, nhưng rất khó khăn. Chưa nói đến tình trạng biệt thự xuống cấp nặng thì nhiều biệt thự đã chuyển đổi công năng, chuyển đổi hình thức sở hữu. Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra, diện tích đất của biệt thự khá lớn, thường ở vị trí trung tâm thành phố nên giá trị bất động sản rất cao, vì vậy chủ sở hữu thường muốn được xây dựng cao tầng hoặc sang nhượng... Vì vậy, việc bảo tồn biệt thự nói riêng và bảo tồn di sản nói chung phụ thuộc nhiều chính sách quản lý và giá trị đất đai, nhất là khi sự nhận thức về di sản đô thị còn hạn chế, pháp luật về di sản chưa được xã hội quan tâm tìm hiểu và thực thi.

Đối với những vấn đề đang đặt ra đối với công tác bảo vệ, bảo tồn biệt thự cổ, KTS Nguyễn Trường Lưu cho rằng, việc quản lý, sử dụng và bảo trì, cải tạo nhà biệt thự cần phải đảm bảo các nguyên tắc, bao gồm việc tuân thủ các quy định của Luật Nhà ở; đối với biệt thự thuộc nhóm 1 thì phải giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng... Đối với nhà biệt thự thuộc nhóm 2 thì phải giữ nguyên cấu trúc bên ngoài; đối với nhà biệt thự thuộc nhóm 3 thì thực hiện theo các quy định của pháp luật về quy hoạch, kiến trúc và pháp luật về xây dựng.

Còn theo nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến - Ủy viên Ban chấp hành Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam và Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh, xếp loại các biệt thự cần đưa ra “danh sách đỏ” các biệt thự tiêu biểu cần giữ gìn, trùng tu và tôn tạo, tuyệt đối không được phá bỏ hay cải tạo. Thành phố cũng nên ban hành quy định những điều cần làm, không được làm đối với việc sử dụng, sửa chửa, thay đổi công năng các biệt thự. Với những biệt thự tiêu biểu có giá trị nhiều mặt đang xuống cấp hay biến dạng cần ưu tiên trùng tu, nhất là các biệt thự tài sản của nhà nước thì chính quyền cần chi kinh phí và vận động xã hội đóng góp kinh phí cho việc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiến trúc cổ đang chờ giải pháp bảo tồn