Mặt trận

Kiều bào chung sức bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Bài 2: Hội tụ 'chất xám không biên giới'

Chu Ninh - Peter Hồng 21/05/2025 07:22

Không chỉ “đầu tàu” kinh tế của cả nước, TPHCM còn là “ngôi nhà chung” ấm áp cho hàng triệu người Việt xa xứ tìm về, đóng góp và kiến tạo. Nửa thế kỷ qua, kiều bào đã trở thành một phần năng động, sáng tạo trong dòng chảy của thành phố, từ kinh tế, giáo dục, công nghệ đến văn hóa, xã hội. TPHCM từng bước trở thành nơi quy tụ các chuyên gia, trí thức, nhà khoa học người Việt toàn cầu - một động lực chiến lược cho đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.

Sức mạnh mềm cho đổi mới sáng tạo

TPHCM luôn dẫn đầu cả nước về lượng kiều hối, chiếm hơn 30–35% tổng lượng kiều hối toàn quốc. Không chỉ là nơi tiếp nhận lượng kiều hối lớn nhất cả nước, TPHCM còn chứng kiến một dòng chảy mới mang tính bền vững hơn, dòng chảy của tri thức, sáng tạo và chuyển giao công nghệ.

ảnh 1
Một góc TP Hồ Chí Minh.

Trong quá trình hội nhập sâu rộng, một lực lượng đặc biệt đang hình thành và tạo dấu ấn rõ nét, đó là các chuyên gia, trí thức người Việt ở nước ngoài, những người không chỉ giỏi chuyên môn mà còn luôn hướng về quê hương với tinh thần trách nhiệm cao. Họ chính là nguồn “chất xám không biên giới” – đội ngũ kết nối học thuật, tư vấn chính sách và hỗ trợ khoa học công nghệ cho Thành phố trong nhiều lĩnh vực: từ kinh tế số, y tế, giáo dục đến trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số. Sự hiện diện của họ là một phần cốt lõi trong hành trình xây dựng nền kinh tế tri thức và nâng cao năng lực nội sinh của TPHCM.

Điều đáng nói, kiều hối không chỉ đổ vào tiêu dùng hay bất động sản như trước, mà đang ngày càng chuyển hướng sang sản xuất - khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo. Rất nhiều doanh nhân kiều bào đã trở lại đầu tư tại TPHCM, mang theo vốn, mô hình quản trị, công nghệ mới và cả mạng lưới kết nối quốc tế. Các khu vực như Khu Công nghệ cao TPHCM, Khu phần mềm Quang Trung, Thung lũng Silicon Sài Gòn, Khu đô thị sáng tạo phía Đông đã đón nhận làn sóng trở về của các kỹ sư, nhà khoa học, chuyên gia Việt kiều từ Mỹ, Đức, Úc, Nhật Bản... Nhiều kiều bào không chỉ mở công ty mà còn góp phần đào tạo nhân lực, tư vấn chính sách và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế ngay giữa lòng Thành phố. Nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm do người Việt ở nước ngoài điều hành đang đồng hành cùng các startup của TPHCM. Điển hình như các dự án fintech, AI, blockchain, giáo dục số, nông nghiệp thông minh – được cấp vốn từ các mạng lưới kiều bào tại Silicon Valley, Berlin hay Singapore.

Bên cạnh tài chính, nguồn lực trí tuệ từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một thế mạnh đặc biệt của TPHCM trong kỷ nguyên số. Nhiều chuyên gia kiều bào trong lĩnh vực y học, công nghệ, giáo dục, luật pháp, quản trị công... đã và đang hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu, bệnh viện và cơ quan nhà nước tại TPHCM thông qua các chương trình: “Kết nối trí thức kiều bào” của UBND TPHCM phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; “Chương trình chuyên gia kiều bào về nước tư vấn chính sách” kết nối chuyên sâu theo ngành, lĩnh vực; “Hội thảo Kiều bào đóng góp phát triển TPHCM” tổ chức hàng năm, nơi chính quyền Thành phố lắng nghe và phản hồi kiến nghị từ cộng đồng kiều bào.

Một số chuyên gia Việt kiều đã góp phần đặt nền móng cho chính sách chuyển đổi số tại TPHCM, thiết kế hệ thống quản lý bệnh viện thông minh, tư vấn xây dựng Thành phố sáng tạo phía Đông, hay góp ý cho Luật Đất đai, Luật Đầu tư... Một minh chứng tiêu biểu là PGS.TS Nguyễn Đức Khương – Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global). Ông là một trong những học giả người Việt có ảnh hưởng lớn trên các bảng xếp hạng quốc tế về kinh tế tài chính, hiện xếp thứ 687 toàn cầu. Với mạng lưới chuyên gia toàn cầu, ông đã nhiều lần kết nối các trí thức Việt ở châu Âu với các chương trình tư vấn, nghiên cứu chính sách và chuyển giao tri thức cho TPHCM. Có thể nói, TPHCM là nơi hội tụ của “chất xám không biên giới”, và kiều bào chính là “những sứ giả của tương lai”, mang lại tầm nhìn toàn cầu nhưng vẫn giữ hồn cốt Việt Nam.

Ảnh 2
Các chuyên gia kiều bào tham dự tọa đàm hiến kế từ cộng đồng kiều bào góp phần phát triển TP Hồ Chí Minh.

Lan tỏa bản sắc, giữ gìn nguồn cội

TPHCM cũng là nơi khởi nguồn và lan tỏa nhiều hoạt động văn hóa – nghệ thuật gắn kết kiều bào với quê hương. Từ các chương trình “Xuân Quê hương”, “Về nguồn”, “Trại hè Việt Nam”, “Tết cộng đồng”, đến những dự án bảo tồn chữ quốc ngữ, phục dựng nghi lễ truyền thống, tổ chức triển lãm ảnh, thư pháp, biểu diễn nghệ thuật dân gian… Tất cả đều được kiều bào hưởng ứng và chủ động tham gia.

Nhiều nghệ sĩ kiều bào nổi tiếng đã chọn TPHCM là nơi biểu diễn, sáng tác hoặc dạy học cho thế hệ trẻ. Không ít nhà thiết kế, đạo diễn, họa sĩ từ Pháp, Mỹ, Canada… tổ chức show tại thành phố để quảng bá văn hóa Việt, tạo nhịp cầu giao lưu Đông - Tây đầy bản sắc. Đặc biệt, TPHCM cũng là nơi nhiều gia đình kiều bào chọn gửi con em về học tiếng Việt, trải nghiệm văn hóa truyền thống thông qua các trung tâm văn hóa cộng đồng, trường quốc tế dạy song ngữ, các tour du lịch học tập kết hợp giáo dục di sản. Tình yêu dành cho quê hương không chỉ là cảm xúc mà còn được “hiện thực hóa” bằng hành động, bằng cách sống cùng văn hóa dân tộc.

Trong những lúc khó khăn, kiều bào luôn thể hiện vai trò trách nhiệm của mình với TPHCM. Đặc biệt, trong đại dịch Covid -19, hàng trăm cá nhân, tổ chức kiều bào đã đóng góp hàng nghìn tấn thiết bị y tế, vật tư, khẩu trang, vaccine, tiền mặt… cho thành phố. Nhiều nhóm thiện nguyện kiều bào phối hợp cùng Mặt trận Tổ quốc TPHCM và các hội đoàn, phát động chiến dịch hỗ trợ y bác sĩ tuyến đầu, chăm lo cho người dân gặp khó khăn. Một số tổ chức kiều bào từ Mỹ, Đức, Úc còn tài trợ lâu dài cho các dự án vì cộng đồng tại TPHCM, như: Học bổng cho học sinh nghèo; Xây dựng trường học ở ngoại thành; Hỗ trợ người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam; Cấp máy tính cho trẻ em vùng khó khăn. Kiều bào không chỉ gửi tiền, mà còn trực tiếp về tham gia tổ chức, kiểm tra chất lượng, đánh giá tác động, thể hiện sự gắn bó thực sự, chứ không đơn thuần là “từ thiện một chiều”.

Hệ sinh thái kết nối cộng đồng toàn cầu

TPHCM không chỉ đón nhận sự đóng góp của kiều bào, mà còn chủ động thiết lập hệ sinh thái kết nối toàn cầu với người Việt xa xứ. Thông qua các đầu mối như Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TPHCM, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và thương mại… Thành phố đã thiết lập được hàng trăm kênh liên lạc, mạng lưới chuyên gia, doanh nhân kiều bào trên khắp thế giới. Các hội nghị thường niên như Hội nghị kiều bào góp ý xây dựng thành phố, Diễn đàn Kinh tế TPHCM, Diễn đàn sáng tạo và đổi mới khởi nghiệp đều có sự hiện diện của các đại biểu Việt kiều, nơi họ được lắng nghe, phản biện, đề xuất chính sách. TPHCM cũng là nơi đầu tiên xây dựng “Bản đồ kiều bào” – một nền tảng kết nối chuyên gia kiều bào theo ngành nghề, lĩnh vực, khu vực địa lý, sẵn sàng huy động cho các dự án trọng điểm.

Kể từ sau năm 1975, quan hệ giữa kiều bào và TPHCM đã trải qua nhiều cung bậc, đến hành động cụ thể. Từ những chương trình thăm quê, thắp nén nhang cho tổ tiên, đến những dự án triệu USD, những nghiên cứu đột phá, kiều bào đã thật sự trở thành “công dân tích cực” của TPHCM theo một cách rất đặc biệt. Hành trình 50 năm ấy là minh chứng cho tình cảm gắn bó, sự tin cậy và tầm nhìn dài hạn, rằng một thành phố hiện đại, nhân văn, hội nhập không thể thiếu đi sự đồng hành của kiều bào.

TPHCM hôm nay là kết quả của một hành trình đầy nỗ lực, trong đó có dấu chân, giọt mồ hôi, giọt nước mắt đầy cảm xúc và nụ cười hạnh phúc của những người con xa quê tìm về cội nguồn. Kiều bào không chỉ là những người chứng kiến sự thay đổi của Thành phố mang tên Bác, họ chính là một phần của sự thay đổi ấy.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiều bào chung sức bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Bài 2: Hội tụ 'chất xám không biên giới'