Đón Xuân Nhâm Dần, Thứ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) Phạm Quang Hiệu đã chia sẻ góc nhìn về cộng đồng kiều bào luôn hướng về Tổ quốc.
PV:Thưa Thứ trưởng, nếu được chọn một từ để miêu tả về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong năm 2021 vừa qua, ông sẽ dùng từ gì?
Thứ trưởng PHẠM QUANG HIỆU: Tôi nghĩ đó là “thích ứng”. Đây là điều chúng ta đã làm được để vượt qua khó khăn và tiếp tục tiến lên suốt 2 năm qua trong bối cảnh thế giới và Việt Nam phải đương đầu với những thách thức chưa từng có do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Ở trong nước, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã chuyển hướng kịp thời, thích ứng linh hoạt, cùng với việc triển khai đồng bộ chiến lược vaccine, chúng ta chấp nhận sống chung với virus và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Ở ngoài nước, bà con đã có nhiều nỗ lực nhằm thích ứng và phục hồi sản xuất kinh doanh, học tập, ổn định cuộc sống, đồng thời đóng góp thiết thực cho quê hương.
Còn chúng tôi – những người làm công tác về người Việt Nam ở nước ngoài cũng nỗ lực thích ứng, để làm sao vừa chung tay cùng cả nước vượt qua dịch bệnh, vừa làm tốt công tác của mình.
Và kết quả của sự thích ứng đó là gì, thưa ông?
- Năm 2021, vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài trong xã hội sở tại tiếp tục được củng cố và tăng cường. Cộng đồng có nhiều nỗ lực thích ứng với tình hình dịch bệnh, phục hồi công việc làm ăn, kinh doanh. Tại Mỹ, cộng đồng người Việt nằm trong nhóm cộng đồng gốc Á có tỷ lệ phục hồi nhanh và cao nhất so với người Mỹ bản địa và các sắc tộc nhập cư khác trong năm 2021. Trên khắp thế giới, nhiều tài năng trẻ người Việt gặt hái thành công, khẳng định tên tuổi của mình trên trường quốc tế ở nhiều lĩnh vực.
Trong khó khăn, bà con ta ở nước ngoài đã không ngừng nỗ lực vươn lên; và cũng chính trong hoàn cảnh đó, “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” và truyền thống “tương thân tương ái” của người Việt được thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc, trong năm qua, bà con đã ủng hộ Quỹ vaccine và công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở trong nước hơn 80 tỷ đồng cùng hàng chục tấn trang thiết bị, vật tư y tế. Nhiều kiều bào tích cực hợp tác chuyển giao công nghệ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch với trong nước, dành cơ sở vật chất của mình ở Việt Nam phục vụ chống dịch, tình nguyện về nước tham gia tuyến đầu chống dịch. Có rất nhiều cá nhân, hội đoàn người Việt đã chung tay cùng đồng bào trong nước như: TS Hồ Nhân – Tổng giám đốc Nanogen (Mỹ) sản xuất vaccine Nanocovax; nhà phát minh Trần Ngọc Phúc (Nhật Bản) hỗ trợ máy thở và đang chế tạo khẩu trang làm mát phổi; TS Nguyễn Đức Thái (Mỹ) đề xuất nhiều ý tưởng về phòng, chống dịch bệnh tại Việt Nam; ông Nguyễn Hoài Bắc (Trường nghề Việt Nam – Canada tại Hải Dương), ông Nguyễn Ngọc Mỹ (Trường quốc tế Vabis tại Vũng Tàu) dành cơ sở vật chất cho địa phương làm nơi cách ly tập trung… Ở nhiều nước, kiều bào cũng tích cực phối hợp với các Cơ quan đại diện triển khai ngoại giao vaccine, vận động sở tại hỗ trợ vaccine và vật phẩm y tế cho Việt Nam.
Các hội đoàn, tổ chức, mạng lưới doanh nhân, trí thức, thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được củng cố, tăng cường hoạt động thực chất ở sở tại, tích cực tham dự trực tiếp hoặc trực tuyến các hoạt động tổ chức ở trong nước. Nhiều chuyên gia, trí thức đã tập hợp, thành lập các Mạng lưới đổi mới sáng tạo ở sở tại và đẩy mạnh hoạt động về trong nước như Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Châu Âu...
Mặc dù chịu tác động bởi đại dịch Covid-19, năm 2021, lượng kiều hối vẫn đạt khoảng 18,1 tỷ USD (theo Ngân hàng thế giới), tăng 5,2% so với năm 2020.
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài năm 2021 đã được triển khai toàn diện và mạnh mẽ theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII. Với sự tham mưu, đề xuất của Bộ Ngoại giao, ngày 12/8/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới (KL12), nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao, đã tích cực xây dựng kế hoạch và đề ra biện pháp cụ thể nhằm triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, mang tính đột phá thông qua các Đề án về tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, tôn vinh tiếng Việt, chăm lo, hỗ trợ kiều bào ở các địa bàn khó khăn.
Ủy ban cũng triển khai “Chương trình khảo sát toàn diện ý kiến của người Việt Nam định cư ở nước ngoài về quy định pháp luật và thủ tục hành chính liên quan”. Qua đó, tiếp thu nhiều ý kiến của các cơ quan chức năng, các hội đoàn người Việt về các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai chính sách pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài; trên cơ sở đó, tham mưu, kiến nghị bổ sung, sửa đổi, ban hành những quy định, chính sách liên quan tới người Việt Nam ở nước ngoài, tạo thuận lợi cho kiều bào về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh...
Công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài được triển khai tích cực với nhiều hình thức linh hoạt, qua đó tăng cường gắn kết kiều bào với quê hương. Các cuộc gặp gỡ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đồng bào ở nước ngoài do Ủy ban chủ trì, phối hợp tổ chức, đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới đồng bào; để lại ấn tượng tốt đẹp, tạo dư luận tích cực trong cộng đồng, khơi dậy mạnh mẽ niềm tự hào dân tộc, tinh thần đại đoàn kết và tăng cường sự gắn kết giữa kiều bào với quê hương.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Ủy ban đã linh hoạt, tổ chức các hoạt động theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, tạo nhiều ấn tượng tốt đẹp và dư luận tích cực trong cộng đồng: Xuân Quê hương 2021; Tọa đàm trực tuyến “Thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài với Trại hè Việt Nam”, “Kiều bào với biển đảo Việt Nam”; Chuỗi hội thảo, tọa đàm kết hợp trực tiếp và trực tuyến nhằm thu hút nguồn lực tri thức của chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho công tác phòng chống dịch Covid-19 ở trong nước… Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ủy ban đã kịp thời phân bổ kinh phí hỗ trợ kiều bào có hoàn cảnh khó khăn phòng, chống dịch Covid-19 tại 9 quốc gia: Lào, Campuchia, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar, Angola, Ả-rập-Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất.
Việc hỗ trợ cộng đồng giữ gìn và phát huy tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc, đa dạng dưới nhiều hình thức, cách tiếp cận, trong đó đẩy mạnh việc đào tạo theo hình thức trực tuyến...
Vậy công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong năm 2022 sẽ tập trung vào những đột phá nào, thưa ông?
- Để triển khai Kết luận số 12, chúng tôi đã xây dựng và Chính phủ đã thông qua Chương trình hành động về công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021–2026; Bộ Ngoại giao cũng xây dựng Chương trình hành động thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021–2026. Trên cơ sở đó, sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp công tác để thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ nêu trong Kết luận 12. Trong đó, chúng tôi sẽ tập trung triển khai 2 đột phá là công tác đại đoàn kết dân tộc và phát huy nguồn lực kiều bào, phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới.
Trân trọng cảm ơn ông!
Năm 2021, vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài trong xã hội sở tại tiếp tục được củng cố và tăng cường. Cộng đồng có nhiều nỗ lực thích ứng với tình hình dịch bệnh, phục hồi công việc làm ăn, kinh doanh.
Trong khó khăn, bà con ta ở nước ngoài đã không ngừng nỗ lực vươn lên; và cũng chính trong hoàn cảnh đó, “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” và truyền thống “tương thân tương ái” của người Việt được thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc, trong năm qua, bà con đã ủng hộ Quỹ vaccine và công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở trong nước hơn 80 tỷ đồng, cùng hàng chục tấn trang thiết bị, vật tư y tế. Nhiều kiều bào tích cực hợp tác chuyển giao công nghệ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch với trong nước, dành cơ sở vật chất của mình ở Việt Nam phục vụ chống dịch, tình nguyện về nước tham gia tuyến đầu chống dịch.. .