Hơn 1 tháng qua, giá xăng, dầu liên tục biến động mạnh và đã vượt 26.000 đồng/lít xăng, cao nhất 8 năm qua. Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng, dầu lấy lý do khan hiếm nguồn cung, hoạt động kinh doanh thua lỗ để ngừng bán hàng hoặc chỉ bán theo định mức nhất định.
Phát hiện 300 cửa hàng ngừng bán
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao, nguồn cung xăng dầu trong nước giảm, giá xăng dầu thế giới tăng mạnh đã tạo ra hiện tượng bán hàng cầm chừng, thậm chí dừng bán hàng/găm hàng chờ tăng giá của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Theo thống kê chưa đầy đủ từ Tổng cục Quản lý thị trường, tính từ ngày 28/1 đến 20/2/2022, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra, giám sát, ký cam kết 16.000 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cả nước và phát hiện 300 cửa hàng kinh doanh xăng dầu ngừng bán với nhiều lý do.
Bên cạnh những cây xăng “cạn hàng” do nguyên nhân khách quan, qua kiểm tra, lực lượng chức năng, phát hiện một số đơn vị kinh doanh xăng dầu tự ý đóng cửa, găm hàng.
Chẳng hạn tại Hà Tĩnh, Đội QLTT số 5 đã tiến hành xử phạt hành chính 30 triệu đồng cửa hàng xăng dầu Sơn Trà thuộc Công ty TNHH Hương Huyền tại thôn 5, xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn với lý do ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản theo quy định.
Cũng tại Hà Tĩnh, Cửa hàng xăng dầu Sơn Lĩnh thuộc Công ty TNHH TM-DV Bảo Duy Hà Tĩnh, lực lượng QLTT đã kiểm tra và phát hiện cửa hàng ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản theo quy định.
Tình trạng tạo khan hiếm giả cũng diễn ra trên nhiều địa phương. Trong đó đó lực lượng QLTT tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện Cửa hàng xăng dầu Duy Biên tạm ngừng hoạt động bán xăng dầu nhưng không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Tình trạng này cũng diễn ra ở một số tỉnh thành khác.
Theo đại diện lãnh đạo Tổng cục QLTT, việc triển khai tăng cường kiểm tra, giám các cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại các địa phương nhằm kịp thời phát hiện các hành vi đầu cơ “găm hàng”, nâng giá bất hợp lý và dừng hoạt động kinh doanh không thông báo, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu. Tất cả những hành vi vi phạm nếu bị phát hiện sẽ được xử lý nghiêm theo đúng quy định hiện hành.
Về chế tài xử lý đối với những cây xăng cố tình “găm hàng” chờ tăng giá hòng trục lợi, cũng đã được pháp luật ghi rất rõ. Tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi, hậu quả, thiệt hại mà hành vi gây ra, động cơ, mục đích… mà tổ chức, cá nhân thực hiện có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trao đổi với báo chí, Luật sư Hồng Vân- Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội “đầu cơ” theo Điều 196 BLHS 2015 sửa đổi.
Theo đó, người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tiền từ 30-300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Hàng hóa trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng; Thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
Đấu thầu để tăng nguồn cung
Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, tình trạng “găm hàng” xảy ra trong xu hướng giá xăng dầu thế giới có biến động tăng, nếu đưa ra bán nhiều sẽ bị lỗ nên từ các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối, tổng đại lý đến đại lý luôn có xu hướng bán nhỏ giọt.
Theo ông Long, nếu vì nguồn cung ứng không có thì phải xử phạt DN cung ứng; còn nếu cung ứng đầy đủ mà vì lợi nhuận người bán “găm” lại để đẩy giá bán tăng lên thì phải xử phạt người bán.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp (DN) đầu mối lớn như Petrolimex, PVOil tiếp cận nguồn nhập khẩu thuận lợi hơn để bổ sung nguồn hàng thiếu hụt do Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất thì các doanh nghiệp đầu mối nhỏ lại gặp khó khăn.
Các thành viên của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam chiếm 85% thị phần và họ vẫn đang cung cấp xăng dầu đều đặn cho thị trường nên hiện tại, về tổng thể không thiếu nguồn cung xăng dầu trong nước.
Còn ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT Petrolimex cho hay, kể từ giữa tháng 1/2022, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSR) - đối tác cung ứng xăng dầu lớn trong nước đã cắt giảm công suất hoạt động do khó khăn nội bộ, dẫn tới việc không cung cấp đủ lượng xăng dầu theo hợp đồng đã ký với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Hệ quả là Petrolimex đã bị ảnh hưởng và rất khó khăn trong việc ngay lập tức có nguồn thay thế để đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước đang tăng cao theo chỉ đạo mở cửa các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Chính phủ.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, các DN đầu mối phải đảm bảo cung ứng xăng dầu trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong trường hợp xấu là Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn ngừng sản xuất. Bộ Công thương sẽ lập các đoàn kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các địa phương trên cả nước; Đồng thời kiên quyết xử lý vi phạm, hình thức cao nhất là rút giấy phép kinh doanh xăng dầu.
Để bổ sung thêm nguồn cung xăng dầu trên thị trường trong bối cảnh thiếu hụt cung từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và hàng nhập khẩu tăng thêm của các DN đầu mối vẫn đang về, Bộ Công thương vừa xin ý kiến Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, về việc sẽ bán đấu giá một lô hàng dự trữ quốc gia tại 12 điểm kho dự trữ của 3 DN là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) và Công ty cổ phần thương mại dầu khí Đồng Tháp.
Trước đó, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) đã có văn bản báo cáo Văn phòng Chính phủ về các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các quy định, thủ tục hành chính. Theo đó, Vinpa kiến nghị bỏ Quỹ Bình ổn giá (BOG) để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, giá trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới. Mặt khác, khi bỏ Quỹ BOG, tính minh bạch, công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống DN đầu mối.
Việc sử dụng Quỹ BOG mang đậm tính can thiệp hành chính làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu. Mặt khác, Vinpa cũng kiến nghị cần xem xét bỏ giá cơ sở, không dùng làm căn cứ để điều chỉnh giá bán lẻ như hiện nay mà chỉ là tiêu chí để DN tham khảo trước khi quyết định giá bán lẻ. Bởi việc để DN được quyền quyết định giá không chỉ đúng với bản chất của nền kinh tế thị trường, mà còn mang đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.
Khi các DN cạnh tranh về giá sẽ có giá bán khác nhau giữa các thương nhân và chất lượng dịch vụ để thu hút người tiêu dùng. Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng đề xuất bỏ lợi nhuận định mức của kinh doanh xăng dầu, DN phải chấp nhận quy luật lời ăn lỗ chịu!
Trên thực tế, hiện nay, các nhà máy lọc dầu trong nước đã đáp ứng được 75% nhu cầu xăng dầu trong nước, do đó cần tăng cường sản xuất để dự trữ, cân đối phục vụ cho thị trường xăng dầu, giảm lệ thuộc vào giá của thế giới vốn lên nhanh xuống chậm.
Chưa kể, ngành xăng dầu sử dụng phần lớn nguyên liệu trong nước, nhưng lại tính giá bán lẻ 100% theo giá thế giới là không phù hợp.
Luật sư Tô Hà Dũng - Đoàn luật sư Hà Nội: Xăng dầu là mặt hàng chiến lược
Theo luật định xăng, dầu thành phẩm nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nếu không muốn nói là mặt hàng nhạy cảm dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân. Hiệu ứng giá xăng tăng, hay xăng hết hàng rất rõ.
Mặt hàng này cũng được quản lý, điều tiết một cách rất cẩn thận. Việc một số cây xăng đóng cửa, không bán hàng, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Do vậy cần phải xử lý nghiêm.
Theo quy định của pháp luật khi kinh doanh mặt hàng này thu lợi bất chính 1 tỷ đồng trở lên hoặc tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tiền từ 1,5-5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 7-15 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội thì bị phạt tiền từ 300 triệu - 9 tỷ đồng, bị cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1-3 năm.
Tôi cho rằng, ngoài xử phạt thì truyền thông cũng làm mạnh về các hiện tượng cây xăng cố tình bán hàng nhỏ giọt để chờ tăng giá.
TS Lê Đăng Doanh: Không thể chấp nhận hành vi “găm hàng”, tăng giá
Hiện tượng khan hiếm xăng dầu ở một loạt cửa hàng là điều hoàn toàn bất ngờ, phản ánh chuyện không bình thường, nếu đủ nguồn cung thì không lý do gì cửa hàng đóng cửa.
Điều này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của nền kinh tế, đi lại của người dân, nhất là trong thời điểm đất nước đang bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế - xã hội sau những tác động từ đại dịch Covid-19.
Vì vậy, Bộ Công thương cần phải phối hợp với các cơ quan chức năng để tìm mọi cách nhanh chóng giải quyết tình hình. Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng cao, giá xăng dầu trong nước hoàn toàn có thể tăng nữa thì những hành vi bán hàng ít để chờ thời tăng giá, trục lợi là không được.
Do vậy, Nhà nước cần nhanh chóng thẩm định, sửa đổi những quy định bất cập cũng như tính toán đưa ra lộ trình điều chỉnh giá xăng dầu cho phù hợp, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp.
T.Hằng (ghi)