Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, những ngày vừa qua, cơ sở y tế này đã tiếp nhận tới gần 10 bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp methanol. Các bệnh nhân đều trong tình trạng rất nặng, thậm chí có người đã tử vong.
Tử vong vì ngộ độc cồn công nghiệp
Hiện Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đang điều trị cho 3 trường hợp bệnh nhân nam chuyển từ tuyến dưới lên do ngộ độc cồn công nghiệp. Cả 3 đều nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, tổn thương hoại tử, phù nề nặng tại não.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay: Trong 8 ca ngộ độc cồn công nghiệp mà trung tâm tiếp nhận trong khoảng 2 tuần trở lại đây, 1 bệnh nhân đã tử vong, 1 bệnh nhân tiên lượng tử vong, gia đình đã làm thủ tục xin về. Những người còn lại gặp nhiều di chứng rất nặng nề như mù loà, tổn thương não.
Ngộ độc cồn công nghiệp methanol không phải là hi hữu tại nước ta, hầu như năm nào cũng ghi nhận các trường hợp nhập viện vì lý do này, nhất là thời điểm cuối năm. Tháng 10 vừa qua, thành phố Hồ Chí Minh cũng ghi nhận hàng chục bệnh nhân nhập viện vì cồn công nghiệp. Trong đó, 10 bệnh nhân đã tử vong.
Cách đây đúng 1 năm, vào tháng 10/2020, cũng tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã ghi nhận 18 ca ngộ độc cồn công nghiệp chỉ trong vòng 1 tháng, nhiều bệnh nhân trong số này sau đó đã tử vong.
Theo các chuyên gia y tế, các bệnh nhân nhập viện vì lý do nói trên đều có nguyên nhân là do uống rượu không rõ nguồn gốc, và uống rất nhiều. Nguy hiểm hơn, methanol rất giống với rượu thông thường, khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác say giống rượu và nếu chỉ nhìn bằng mắt thường, ngửi hay nếm thì không thể biết được rượu có chứa hàm lượng methanol cao hay thấp.
BS Nguyễn Trung Nguyên thông tin: Sau 1, 2 ngày uống nhầm cồn công nghiệp methanol, người bệnh sẽ rơi vào tình trạng mờ mắt, lơ mơ, co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết người bệnh đều đã bị tổn thương não, mù mắt, nguy kịch.
Đơn cử, một bệnh nhân nam 32 tuổi nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, huyết áp tụt, kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ methanol trong máu lên tới 141 mg/dl. Kết quả chụp CT biểu hiện, bệnh nhân có tổn thương não rất nặng, mặc dù đã được giải độc và cấp cứu theo phác đồ nhưng do đến viện muộn, bệnh nhân đã không qua khỏi.
Theo lời kể của người thân, trước khi nhập viện 3 ngày, bệnh nhân mua rượu về uống cùng 3 người bạn khác cùng phòng trọ. Rượu được mua ở một cửa hàng tạp hoá, không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Sau khi uống 1 ngày, bệnh nhân đau đầu, nhìn mờ, mất ý thức.
Một trường hợp khác, theo thông tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định, bệnh nhân nam, 56 tuổi, ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh ngủ li bì 2 ngày trước khi nhập viện, sáng ngày nhập viện bệnh nhân than nhìn mờ, nặng ngực. Ngày 7/11/2021 tại cơ sở y tế tiếp nhận ban đầu, bệnh nhân được đo điện tim và chẩn đoán là nhồi máu cơ tim và được chuyển đến Khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong tình trạng hôn mê, thở máy, tụt huyết áp nhiễm toan chuyển hóa nặng, suy đa cơ quan, suy hô hấp, suy tuần hoàn.
May mắn, người bệnh đã được xử trí cấp cứu, loại bỏ độc chất và xử dụng chất đối kháng đặc hiệu là ethanol. Người bệnh được truyền ethanol vào dạ dày để ngăn chặn chuyển hóa hấp thu ngộ độc đồng thời được lọc máu cấp cứu 2 lần. Đến ngày 11/11 bệnh nhân tỉnh táo, được cho xuất viện.
Không sử dụng rượu trôi nổi trên thị trường
Trao đổi về nguyên nhân số ca ngộ độc cồn công nghiệp tăng đột biến, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho rằng: Nguyên nhân chủ yếu do 2 nguồn. Thứ nhất là do các loại rượu trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đó là rượu giả, được pha trộn cồn công nghiệp methanol. Nguyên nhân thứ 2 là có một số bệnh nhân uống rượu pha cồn y tế do nghĩ cồn y tế là an toàn nhưng những loại cồn y tế này lại không đảm bảo, cũng được sản xuất, đóng chai từ cồn công nghiệp methanol và cũng là nguyên nhân gây ngộ độc. Đây là vấn đề quản lý hóa chất, quản lý cồn công nghiệp methanol. Do công tác quản lý của chúng ta chưa chặt chẽ nên các hóa chất này tuồn vào tay kẻ xấu, được đóng chai, đóng lọ thành các loại rượu trôi nổi không rõ nguồn gốc và người dân uống phải.
Không chỉ có thể, cồn công nghiệp methanol còn được đóng vào chai làm cồn sát trùng y tế, người dân cứ nghĩ cồn dùng trong y tế là an toàn nên uống được.
Ở các nước phát triển vấn đề quản lý cồn công nghiệp methanol rất rõ ràng, chặt chẽ. Tất cả các sản phẩm này người bình thường không thể tiếp cận được. Người ta đóng chai lọ có chất chỉ thị màu và hướng dẫn sử dụng rõ ràng. Nếu ai đó có ý định uống để thay rượu vì nghiện rượu quá mức thì khi người nhà phát hiện ra cũng biết ngay đó là hóa chất không dùng để uống và sẽ đưa bệnh nhân đến viện cấp cứu ngay những giờ đầu tiên sau khi uống. Khi đó tiên lượng sẽ tốt hơn rất nhiều so với các trường hợp đến viện muộn như ở nước ta.
Trao đổi với báo chí, ThS Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, nếu nhìn bằng mắt, ngửi hoặc nếm thì khó biết được rượu chứa hàm lượng methanol cao hay không. Trong dân gian có hai cách phân biệt rượu thật và giả là bằng cảm quan và thử rượu trực tiếp.
Đối với cảm quan bên ngoài thì chai rượu phải có đầy đủ nhãn mác, thông tin như tên sản phẩm, tên địa chỉ của nhà sản xuất, tên địa chỉ của nhà nhập khẩu... Ngoài ra có thể ngửi nếu mùi cồn thơm, cay nồng là tốt. Còn một cách khác có thể áp dụng khá chính xác là có thể đổ một ít rượu ra lòng bàn tay rồi xoa hai bàn tay với nhau, nếu thấy dính là rượu không tốt, còn nếu bay hơi hết là rượu tốt.
Rượu có chứa methanol thường có vị hơi ngọt. Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân cần sử dụng rượu có nguồn gốc, rượu của những cơ sở có thương hiệu uy tín và không sử dụng những loại rượu trôi nổi trên thị trường.
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân, không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong; không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày;
Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; Không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị; Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia…