Kinh tế

Kinh nghiệm qua các đợt kiểm toán tài nguyên khoáng sản:Bài 2: Kiểm toán tài nguyên khoáng sản là trọng tâm kiểm toán của Kiểm toán nhà nước

Thái Nhung 02/04/2024 09:23

Thực trạng hoạt động quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản (TNKS) tại Việt Nam trong những năm qua cho thấy, các bộ, ngành trung ương và các cấp chính quyền địa phương còn thiếu sự đồng bộ, tồn tại nhiều hạn chế, thiếu sót trong việc quản lý, khai thác và sử dụng TNKS, dẫn đến việc quản lý, sử dụng tài nguyên còn lãng phí, thiếu hợp lý, làm cho nguồn TNKS đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt.

Kiểm toán việc Quản lý, khai thác khoáng sản là chủ đề được nhiều cơ quan, tổ chức trên thế giới quan tâm. Ảnh sưu tầm
Kiểm toán việc Quản lý, khai thác khoáng sản là chủ đề được nhiều cơ quan, tổ chức trên thế giới quan tâm. Ảnh: Báo kiểm toán sưu tầm.

Các cơ quan tham mưu chưa làm tròn trách nhiệm

Nguyên nhân của những tồn tại trong hoạt động kiểm toán khoáng sản (KTKS) trong thời gian qua ở nước ta được KTNN đánh giá về việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại các cơ quan tham mưu trên địa bàn các tỉnh trong việc quản lý TNKS. Trong khuôn khổ cuộc kiểm toán chuyên đề “Công tác quản lý nhà nước về TNKS giai đoạn 2017-2021” với phạm vi kiểm toán tại Bộ Tài nguyên và môi trường (TNMT), Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam và 28 tỉnh, thành phố trên cả nước, kết quả cho thấy, cơ quan tham mưu tại tỉnh Thái Nguyên chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quá trình luân chuyển, đề xuất xử lý dẫn đến việc không ban hành quyết định xử phạt do hết thời hạn; chưa thực hiện đầy đủ các quy định của UBND tỉnh, cũng như chưa thực hiện đầy đủ chức năng tham mưu theo quy định.

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, cơ quan tham mưu thực hiện nhiệm vụ "Tiếp nhận, chủ trì thẩm định hồ sơ, tổ chức tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, trình UBND tỉnh phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp theo thẩm quyền trong Khu kinh tế” khi chưa được UBND tỉnh giao nhiệm vụ.

Trong khi đó, tại tỉnh Bình Định, cơ quan tham mưu ban hành kế hoạch kiểm tra và thực hiện kế hoạch kiểm tra không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và chưa kịp thời báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo đơn vị có thẩm quyền xử lý kịp thời các sai sót, tồn tại của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản được phát hiện qua kiểm tra. Cục Thuế tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định gia hạn thời gian kiểm tra tại Quyết định số 942/QĐ-CCT ngày 25/6/2021 chậm 14 ngày so với quy định, quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty khai thác khoáng sản nhưng không đúng mức phạt quy định.

Cục Thuế tỉnh Hà Giang không phát hiện ra sai sót của Hợp tác xã Sơn Hải đã thực hiện khai thác cát từ năm 2017 lúc chưa được cấp phép - với sản lượng kê khai theo quyết toán phí Bảo vệ môi trường là 5.722m3 cát.

KTNN cũng cho biết, nhiều địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong quản lý TNKS, nhất là sự phối hợp giữa Cục Thuế và Sở TNMT tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Cao Bằng, Phú Thọ, Bình Định, Bình Phước, Hà Giang, Thái Bình. Chính vì sự phối hợp thiếu chặt chẽ nên gây khó trong việc lập báo cáo tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản trên phạm vi cả nước theo đúng quy định. Do đó, KTNN yêu cầu Bộ TNMT chấn chỉnh công tác này.

Đồng thời, Bộ TNMT cũng cần báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý các bộ, ngành và địa phương không thực hiện báo cáo tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản; không báo cáo về việc thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và báo cáo về công tác bảo vệ môi trường; cũng như xử lý các tỉnh chưa thực hiện tính tiền hoàn trả chi phí sử dụng kết quả đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản do Nhà nước đã đầu tư.

Kiểm toán TNKS được quan tâm đặc biệt

Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của TNKS đối với sự phát triển của đất nước, những năm qua, TNKS được lựa chọn là một trong những chủ đề kiểm toán trọng tâm của KTNN.

Đơn cử, năm 2013, KTNN tổ chức kiểm toán chuyên đề “Cấp giấy phép và quản lý nhà nước về khai thác TNKS giai đoạn 2009-2012” tại Bộ TNMT và 25 tỉnh, thành phố. Năm 2017, KTNN tiếp tục kiểm toán chuyên đề “Công tác quản lý nhà nước về TNKS giai đoạn 2014-2016” tại Bộ TNMT, Bộ Công Thương và 8 tỉnh, thành phố.

Gần đây nhất KTNN đã tổ chức cuộc kiểm toán chuyên đề “Công tác quản lý nhà nước về TNKS giai đoạn 2017-2021” như đã nêu. Trong chuyên đề này, sau khi kiểm toán, kết quả kiểm toán đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về TNKS giai đoạn 2017-2021.

Sau khi phát hiện ra nhiều bất cập, thiếu sót trong công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản, KTNN đã kiến nghị Bộ TNMT cần thực hiện kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan trong việc xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, rà soát ra thông báo hằng năm giai đoạn 2018-2022 đối với 2 mỏ đồng Sin Quyền và Vi Kẽm. Đồng thời, KTNN kiến nghị Bộ TNMT chỉ đạo các đơn vị có liên quan kiểm tra xác định, làm rõ cơ sở tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với một số quyết định để đảm bảo thu đúng, đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Về vấn đề quy hoạch và quản lý quy hoạch thiếu đồng bộ, KTNN yêu cầu Bộ TNMT cần chỉ đạo Tổng cục Môi trường thường xuyên rà soát, đôn đốc các dự án KTKS thuộc trường hợp cấp giấy phép môi trường hoàn thiện các thủ tục để cấp phép theo quy định; tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý các dự án không có giấy phép môi trường.

Đối với hoạt động khai thác không tuân thủ giấy phép được cấp, KTNN kiến nghị Bộ TNMT chỉ đạo cơ quan quản lý nhà nước thuộc bộ khẩn trương thực hiện xử lý theo quy định đối với các đơn vị được cấp phép thăm dò, KTKS nhưng không nộp, nộp chậm báo cáo định kỳ hoạt động KTKS và báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác, đặc biệt là xử lý các đơn vị khai thác vượt công suất.

5 bài học từ kiểm toán TNKS

Ông Nguyễn Xuân Khải - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II cho rằng, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ kiểm toán, trước hết cần tập trung, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành để thống nhất nội dung, thông tin và thống nhất trong việc đưa ra ý kiến đánh giá, nhận xét, tránh trường hợp đưa ra các ý kiến nhận xét, đánh giá và kết luận, kiến nghị khác nhau đối với cùng một vấn đề, cùng một sai sót.

Hai là, tăng cường trao đổi giữa các tổ kiểm toán, giữa các đoàn kiểm toán và giữa KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực, đặc biệt là đối với các phát hiện mới; trao đổi kinh nghiệm, phương pháp, cách làm hay để áp dụng; từ đó phát huy được trí tuệ và tinh thần làm việc tập thể để có những phát hiện, đánh giá vĩ mô.

Ba là, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung kịp thời những vấn đề mới phát sinh trong quá trình kiểm toán. Tránh tình trạng khi phát hiện vấn đề mới nhưng lại bị hạn chế bởi các nội dung đã quy định trong đề cương kiểm toán do khi xây dựng đề cương chưa lường hết được.

Bốn là, thường xuyên trao đổi thông tin với các đơn vị được kiểm toán và đơn vị thực hiện kiểm toán để thống nhất, tạo sự đồng thuận về các nhận định, đánh giá, nhất là những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách.

Cuối cùng, với những chuyên đề có quy mô lớn, phức tạp, mang tính chuyên ngành, trước khi triển khai nên tổ chức hội thảo, tham vấn chuyên gia, đồng thời cũng tạo được hiệu ứng truyền thông, từ đó tạo sự đồng thuận và là cơ sở vững chắc trước khi triển khai kiểm toán. Khi triển khai kiểm toán tại nhiều cơ quan liên quan đến việc hoạch định, ban hành chính sách, đơn vị chủ trì cần chủ động làm việc với các cơ quan này để thu thập thông tin, bằng chứng đầy đủ, thích hợp để kết luận, kiến nghị có tính khả thi cao, nhất là đối với các kiến nghị sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách còn hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với quy định của pháp luật và thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh nghiệm qua các đợt kiểm toán tài nguyên khoáng sản: Bài 2: Kiểm toán tài nguyên khoáng sản là trọng tâm kiểm toán của Kiểm toán nhà nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO