Kinh tế Mỹ âm thầm hồi phục

Bảo Thu 07/02/2021 06:43

Theo công bố mới đây của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), GDP của Mỹ sẽ trở lại mức trước đại dịch vào giữa năm 2021 - một sự phục hồi nhanh hơn dự kiến ​​sau năm 2020 đầy khó khăn với nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Kinh tế Mỹ được coi là sẽ “phục hồi lạc quan nhưng thận trọng” trong năm 2021.

Dự báo của CBO đối với nền kinh tế Mỹ dựa trên các dữ kiện, như GDP thực tế tăng 3,7% vào năm 2021, tăng trưởng GDP bình quân đạt 2,6% trong 5 năm tới, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 5,3% vào năm 2021 và tiếp tục là 4% trong giai đoạn 2024 đến 2025.

Bên cạnh đó, lạm phát được cho là sẽ tăng lên 2% sau năm 2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất quỹ liên bang vào giữa năm 2024 và triển vọng kinh tế được nâng cấp đến năm 2025.

Anthony Nieves - Chủ tịch Ủy ban Khảo sát Kinh doanh Dịch vụ ISM nhận định: “Đó là một báo cáo tốt. Chúng ta sẽ thấy nửa đầu năm tốt đẹp và nửa cuối năm tốt hơn. Mọi thứ đang có vẻ lạc quan hơn”. Ông Nieves cho rằng kinh tế Mỹ sẽ phục hồi “nhanh chóng” và thị trường lao động sẽ trở lại bình thường nhanh hơn dự kiến ​​nhờ vào việc triển khai vaccine, và lực lượng lao động cũng sẽ phục hồi trở lại mức trước đại dịch vào năm 2022. Đặc biệt, nhờ vào gói giải cứu kinh tế lớn nhất lịch sử trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden.

Những dự báo của CBO là “quá lạc quan” nếu so với dự báo từ mùa hè năm 2020. Khi đó, Văn phòng này dự báo, dịch Covid-19 sẽ phá hoại khoảng 7.900 tỷ USD của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thập kỷ tới. Thực tế trong tháng 1/2021 nhiều doanh nghiệp đã tăng cường khả năng thích ứng với các biện pháp hạn chế do Chính phủ Mỹ áp đặt.

Cùng thời gian này, Viện Brookings cũng dự đoán, một “liều thuốc” hỗ trợ kinh tế khác như gói 1.900 tỷ USD ông Biden đã đề xuất, sẽ giúp nền kinh tế quốc gia này phát triển nhanh hơn. Tuy rằng các dự báo sáng sủa hơn về kinh tế Mỹ có thể sẽ gây ra nhiều tranh luận.

Chủ tịch Fed Jerome H. Powell cũng cho rằng, nền kinh tế còn “một chặng đường dài mới phục hồi hoàn toàn” với hàng triệu người vẫn chưa làm việc và nhiều doanh nghiệp nhỏ đang phải đối mặt với áp lực.

Không riêng gì nước Mỹ, giới chuyên gia kinh tế thời gian này cũng đưa ra nhiều nhận định khác nhau về tăng trưởng của nền kinh tế trên phạm vi toàn cầu trong năm nay. Vì rằng, người ta cũng “không thể vội quên” sự suy thoái khủng khiếp trong năm 2020. Đó là năm kinh tế thế giới phải chứng kiến mức suy giảm mạnh chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ do tác động của đại dịch Covid-19. Chính vì thế, cho dù lạc quan, nhưng Ngân hàng Thế giới (WB) vẫn chỉ đưa ra những dự báo rất dè dặt.

Vào cuối tháng 12/2020, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới giảm 4,4% trong năm 2020. Con số đó của WB là 5,2%. Còn WTO ước tính khối lượng giao dịch hàng hóa thế giới giảm từ 13% đến 32% so với năm 2019.

Vì thế, hầu hết các dự báo kinh tế thế giới năm 2021 đều “lạc quan nhưng thận trọng”. Có lẽ lạc quan nhất là WB khi cho rằng kinh tế thế giới sẽ phục hồi ở mức 4% trong năm 2021. Còn nếu dịch bệnh được kiểm soát trong năm 2021, nền kinh tế, thương mại toàn cầu và chi tiêu của người tiêu dùng sẽ phục hồi mạnh hơn. Tuy nhiên, WB cũng cảnh báo triển vọng ngắn hạn vẫn “không chắc chắn”.

Theo kịch bản bất lợi, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và việc triển khai vaccine bị trì hoãn có thể hạn chế mức tăng trưởng toàn cầu xuống 1,6%. Ngoài ra, WB cũng cảnh báo nếu cuộc khủng hoảng y tế còn kéo dài, sẽ có thêm hàng triệu người mất việc làm và khoảng 150 triệu người có thể bị đẩy vào tình trạng nghèo cùng cực trong năm 2021.

Báo cáo của WB cũng cho thấy GDP của các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển sẽ chứng kiến “sự phục hồi chậm và đầy thách thức” do các ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng mạnh, với mức tăng trưởng ước đạt 3,3% năm 2021. Tuy nhiên, tiến trình phục hồi kinh tế ở các khu vực khác nhau sẽ không đồng đều và hầu như cả thế giới sẽ chưa thể quay trở lại mức tăng trưởng như trước đại dịch.

Nhìn chung, giới quan sát cho rằng quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu có được đẩy nhanh hay không còn phụ thuộc vào nỗ lực ngăn chặn tốc độ lây lan dịch Covid-19 của tất cả các nước. Con đường phía trước sẽ sáng hơn nhưng vẫn còn nhiều thách thức.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế Mỹ âm thầm hồi phục