Khoa học đã chứng minh khi một người mất thị giác, các giác quan còn lại của họ sẽ phát triển vượt bậc. Chàng trai trẻ Jeet Triveli, 17 tuổi, ở Ấn Độ tuy không bị mù nhưng tuyên bố rằng cậu không cần dùng mắt mà vẫn có thể lái xe, đọc sách hay thậm chí xâu kim...
Jeet Triveli trong một lần biểu diễn khả năng bịt mắt bắt bóng. Nguồn: OddCentral.
Jeet Trivedi đang là một hiện tượng gây tranh cãi ở Ấn Độ. Có nhiều người coi cậu là Daredevil, một siêu nhân trong bộ phim bom tấn cùng tên của Hollywood có khả năng cảm nhận mọi vật mà không dùng mắt; trong khi người khác coi cậu và thầy của cậu, Bharat Patel, là những kẻ lừa đảo. Nhưng trên thực tế, khó có thể tin có ai đó lại lái được xe máy đi quãng đường 40 km trong khi bịt mắt. Và Jeet đã làm được điều đó vào tháng 9 năm ngoái.
“Cậu ấy kiểm soát rất tốt các giác quan. Nếu chúng tôi bỏ qua một trong số các giác quan của cậu ấy, cậu có thể sử dụng các giác quan còn lại để làm mọi việc”- ông Patel nói và cho biết thêm: “Kích hoạt não bộ còn được biết đến như khả năng phát triển siêu cảm, nó cho phép phát triển các giác quan của chúng ta đến mức độ khó tin”.
Jeet cho hay cậu đã phải tập luyện khắc khổ trong vài năm để thực hiện các nhiệm vụ khó tin trong khi bị bịt mắt. Hiện nay cậu bé có thể đi xe máy, đọc sách, nắm bắt các vật thể người khác ném vào cậu, tìm ra các vật bị giấu... khi bị bịt mắt.
Khi được hỏi làm thế nào cậu có thể lái xe máy qua đoạn đường dài mà không cần nhìn, Jeet trả lời: “Tôi sử dụng khứu giác để hình dung các chướng ngại sắp tiếp cận. Tôi tính toán xem chướng ngại vật đó như thế nào và tìm cách vượt qua chúng”.
Đối với những người tin rằng thầy trò cậu bé Jeet là những kẻ lừa đảo, thì cậu bé này còn có khả năng làm được những việc khác ngoài việc bịt mắt đi xe máy. Jeet được cho là có khả năng truyền năng lượng tinh thần vào các vật thể để làm cho chúng hoạt động bất thường.
Trong một đoạn clip đăng tải trên Youtube, Jeet tập trung tinh thần vào một bóng đèn bình thường sau đó thả nó xuống một viên gạch lát sàn. Viên gạch lát sàn bị vỡ sau cú va chạm trong khi bóng đèn vẫn lành lặn. Thầy của Jeet, ông Patel, khẳng định rằng bất cứ ai cũng có thể làm được điều đó bằng cách tập luyện chăm chỉ. “Khóa huấn luyện mà tôi giao cho Jeet, có thể được ứng dụng cho các cậu bé khác”- ông Patel khẳng định.
Tuy nhiên, báo chí Ấn Độ đã từng đăng tải nhiều bài viết về các bài tập kích hoạt não kiểu này, và thực tế đó khiến cho Jeet cùng thày của cậu trở thành tâm điểm gây tranh cãi ở quốc gia Nam Á này. Nhiều người tin vào các bài tập này, nhưng không ít người ngờ rằng đây chỉ là trò bịp bợm.