“Chưa thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh” - đó là ý kiến của ông Lê Đình Lý - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An về việc thực hiện Kết luận thanh tra của UBND tỉnh Nghệ An trong việc thực hiện trình tự, thủ tục hành chính của 10 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Sở TNMT Nghệ An - một trong những đơn vị có cá nhân vi phạm, gây khó khăn cho nhà đầu tư dẫn đến các dự án bị chậm tiến độ.
Làm khó doanh nghiệp
Theo Kết luận thanh tra số 471/ KL - UBND ngày 5/8/2019 của UBND tỉnh Nghệ An về việc thực hiện trình tự, thủ tục hành chính của 10 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh thì có 12 sở, ngành, địa phương có cán bộ liên quan sai sót, vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ trong giải quyết trình tự thủ tục hành chính, các dự án.
Đơn cử như tại Dự án Khu liên hiệp sản xuất vật liệu xây dựng Trung Đô (xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc); Dự án dân cư du lịch và dịch vụ Cửa Cờn (phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai); Dự án Tổ hợp khách sạn và Trung tâm thương mại Artimex (số 54, đường Nguyễn Trãi, TP Vinh); Dự án Chung cư Vinh Plaza (phường Quán Bàu, TP Vinh); Dự án Cải tạo khu A, Chung cư Quang Trung (TP Vinh); Dự án Chung cư Biệt thự liền kề Trường Thành (TP Vinh); Dự án Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ (huyện Đô Lương); Tổ hợp dịch vụ tổng hợp tại thị xã Thái Hòa; Dự án Trang trại chăn nuôi heo nái sinh sản (xã Nghĩa Thọ, huyện Nghĩa Đàn); Dự án trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ kết hợp du lịch Hồ Vệ Vừng (huyện Yên Thành). Nguyên nhân chậm trễ trình tự thủ tục của các dự án được xác định là chủ đầu tư không xuất trình hồ sơ đầy đủ nhưng cán bộ thiếu hướng dẫn, đôn đốc, thiếu sự phối hợp giữa các sở ngành, khối lượng công việc lớn trong khi số lượng công chức thiếu chưa được bổ sung; không chủ động sắp xếp lịch đi kiểm tra dẫn đến có dự án trình tự thủ tục chậm gần 200 ngày...
Kết luận 471 của UBND tỉnh Nghệ An về 10 dự án nói trên.
Đơn giản là “rút kinh nghiệm”
Tại báo cáo số 2028/ BC- SNV ngày 30/9/2019 khắc phục tồn tại hạn chế sau Kết luận Thanh tra 471 nói trên. Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An nêu rõ có 6 sở, ngành, địa phương có văn bản chỉ đạo các tổ chức, cá nhân liên quan tổ chức họp kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và đề xuất xử lý đối với tổ chức cá nhân vi phạm. Tuy nhiên kết quả xử lý đều là kiểm điểm, rút kinh nghiệm mà không có hình thức xử lý kỷ luật cá nhân liên quan. Cụ thể, tại Sở Xây dựng Nghệ An những vi phạm gồm thực hiện chậm nhiệm vụ công vụ, không thực hiện nhiệm vụ phối hợp với cho ý kiến về các Sở. Vi phạm chủ yếu diễn ra tại phòng Quản lý kiến trúc quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị, phòng Quản lý hoạt động xây dựng. Các cá nhân liên quan vi phạm cụ thể: Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Thế Sơn, Hồ Ngọc Phương, Nguyễn Hồng Hải. Các cá nhân nêu trên chỉ chịu hình thức xử lý phê bình trước tập thể lãnh đạo, công chức cơ quan Sở xây dựng.
Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư có 05/40 nhiệm vụ thực hiện chậm và có 4 cá nhân liên quan chỉ bị “rút kinh nghiệm” gồm Nguyễn Mạnh Hùng, Hồ Anh Phương (Phòng Kinh tế Đối ngoại), Nguyễn Thị Giang, Phạm thị Huyền Trang (Phòng Doanh nghiệp, Kinh tế tập thể và tư nhân). Riêng một số đơn vị như Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An chậm 10/43 nhiệm vụ công vụ do chuyên viên văn phòng trực tiếp tham mưu thực hiện nhưng lãnh đạo Phòng Công nghiệp thiếu kiểm tra nắm đầy đủ diễn biến sự việc, Sở Tài nguyên & Môi trường thực hiện chậm 4/37 nhiệm vụ công vụ nhưng những đơn vị này không nêu tên cá nhân vi phạm cụ thể trong báo cáo của mình.
Theo ông Lê Đình Lý - Giám đốc Sở Nội vụ thì các sở ngành, địa phương “Chưa thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An”. Được biết, hình thức xử lý công chức vi phạm được quy định tại Điều 8 Nghị định 34/2011/ NĐ-CP ngày 7/5/2011 của Chính phủ như sau: 1. Áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Buộc thôi việc; 2. Áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Giáng chức; Cách chức; Buộc thôi việc.