Kỹ năng khôn ngoan

TRẦN HỮU THĂNG 04/03/2023 07:38

Con người ta sống ở trên đời có một kỹ năng sống rất đặc biệt mà dù có học miệt mài chăm chỉ đến suốt đời cũng không bao giờ được phép coi là đủ, đó là “kỹ năng khôn ngoan”.

Triết gia cận đại Robert Kemp (1879 – 1968) đã nói một cách thành thực là: “Khôn ngoan là cái kỹ năng mà chúng ta thiếu nhiều nhất: thiếu ở các nhà tâm lý học, thiếu ở các tiểu thuyết gia, thiếu ở sân khấu. Ai đời, một cây cỏ lau cứ muốn đuổi theo chiều cao của một cây tùng”. Vậy thì khôn, khôn lỏi, khôn ngoan, khôn khéo là gì? Cần phải nhờ đến những người viết Từ điển giải thích hộ.

Theo Từ điển tiếng Việt phổ thông, thì: “Khôn là có khả năng suy xét để xử sự một cách có lợi nhất, tránh được những việc làm và thái độ không nên có. Thí dụ: Thằng bé rất khôn. “Chị dại đã có em khôn, lẽ đâu mang giỏ thủng chôn đi mò” (ca dao). “Dại rồi còn biết khôn làm sao đây” (Nguyễn Du)”. “Khôn lỏi là khôn vặt để giành lợi cho mình một cách ích kỷ.

Thí dụ: Anh ta chỉ được cái khôn lỏi (ý chê trách)”. “Khôn ngoan là khôn trong xử sự, biết tránh cho mình những điều không hay. Thí dụ: Cách xử sự khôn ngoan. “Khôn ngoan đối đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” (ca dao)”. “Khôn khéo là khôn ngoan và khéo léo trong cách xử sự. Thí dụ: Thái độ khôn khéo. Dùng kế sách khôn khéo”.

Tranh: ST.

Theo Từ điển tiếng Pháp Larousse xuất bản năm 2022, thì: “Khôn ngoan là thận trọng, biết cách thích ứng cho phù hợp với tình hình, biết tuân thủ theo pháp luật, đạo đức và các khế ước xã hội”. Từ điển Larousse còn nhấn mạnh: Người khôn ngoan là người biết cách sống ôn hòa, phải chăng, cần có cả đức tính “tự kiềm chế” và “chịu đựng” mới gọi là khôn ngoan đúng nghĩa.

Như thế, nhờ có Robert Kemp và các loại Từ điển ngôn ngữ mà ta hiểu rõ thêm rằng: Khôn ngoan không phải là một bản năng như ăn, uống, hít thở. Khôn ngoan chính là một kỹ năng sống không phải sinh ra đã có, không phải cứ sống lâu năm, nhiều tuổi là có khôn ngoan.

Muốn có khôn ngoan phải học, nhưng học ở đâu? Ai dạy? Khôn ngoan cũng phải có thực tập, thực hành, rút kinh nghiệm như mọi kỹ năng sống khác. Khôn ngoan cũng được đánh giá theo các lứa tuổi: thiếu niên, thanh niên, người trưởng thành, người từng trải, người cao tuổi, người già.

May mắn thay, các bậc triết gia tiền bối đã để lại cho đời nhiều danh ngôn, ca dao, tục ngữ giúp ta soi sáng mỗi chặng đường đi.

Đáng kể nhất là lời dạy bảo có tính nguyên tắc và xuyên suốt, có tính bao trùm cho cả cuộc đời một con người của triết gia S.Ugroy: “Ngưỡng cửa đưa đến ngôi đền khôn ngoan của mỗi con người là sự tự biết mình ngu dốt”. Nói ngược lại là: Nếu ai đó chưa xác định được là mình còn ngu dốt thì chưa thể bước chân vào ngôi đền khôn ngoan được.

Tự biết được là mình còn có nhiều ngu dốt, còn cần phải cố gắng học tập, rèn luyện, tu dưỡng nhiều hơn nữa mới có thể tồn tại và phát triển được là một việc cực kỳ khó, cực kỳ gian khổ trong nhận thức về tư tưởng cũng như về thực tế cuộc sống. Đại văn hào Nicolas Boileau (1636 – 1711) đã để lại một lời dạy đáng quý, đó là: “Người khôn ngoan nhất là người không bao giờ nghĩ rằng mình khôn”. Thật là chí lý, vì ở đời núi cao còn có núi cao hơn, người khôn ngoan, tỉnh táo, thạo đời ai lại ngu gì mà tự nhận mình là khôn ngoan hơn người khác.

Thành ra, ở đời cứ khiêm tốn nhận mình còn kém, còn dốt sẽ dễ được người khác cảm mến mà giúp đỡ, mà uốn nắn sửa chữa cho mình những cái gì mình còn thiếu sót, còn chưa thành thạo. Cứ nói ngay một việc trong gia đình nhỏ của mình là nuôi dạy con, nhà triết học vĩ đại Ấn Độ, ông Rabindranath Tagore (1861 – 1941) đã từng dạy cách làm cha như sau: “Đừng bao giờ bạn giới hạn đứa trẻ trong sự hiểu biết của bạn bởi vì nó được sinh ra vào thời gian khác bạn”. Thật quá đúng, những ai cứ tưởng có quyền có chức, có tiền là biết cách dạy con thì thật quá sai lầm. Ông bà ta đã có câu: “Con hơn cha là nhà có phúc”. Cái “phúc” ở đây là đứa con có người cha biết gương mẫu, có trình độ hiểu biết rộng, biết khiêm tốn dạy con để hy vọng sau này con sẽ vượt mình, tiến kịp được với thời đại mới. Người cha phải tự nhận thức được là mình còn nhiều kém cỏi mới có khả năng nghiêm túc để dạy con.

Đại thi hào Nga, ông Maxime Gorki (1868 – 1936) đã xác định hộ chúng ta cái giới hạn về sự khôn ngoan của con người trong một tầm nhìn khái quát; “Cái khôn ngoan của cuộc sống thì luôn luôn rộng rãi và sâu sắc hơn cái khôn ngoan của người đời”. Chính nhờ cái giới hạn tự nhiên này mà khi ta tìm hiểu về khôn ngoan cũng chỉ nói được phần nào, trích dẫn được một vài góc nhìn nào đó mà sách vở đã cung cấp cho ta. Chắc chắn không bao giờ đủ cả, chỉ nên bằng lòng với những nhận thức rất cơ bản.

Triết gia cổ đại Hy Lạp, ông J.C.Eschyle (năm 525 – 456 trước Công nguyên) đã tìm giúp ta trường học dạy khôn ngoan khi ông viết: “Học khôn ngoan ở những nơi đau khổ là tốt nhất”. Để triển khai lời khẳng định này của Eschyle đã có hàng trăm hàng ngàn văn bản triết học, tâm lý học xuất hiện trong hàng ngàn năm qua. Nhưng để tóm tắt lại, cần nhớ đến lời dạy của đại thi hào người Đức, ông J.Goethe: “Tính cách khôn ngoan của con người chỉ có thể trưởng thành trong bão táp”.

Phải trải qua nghèo, đói, gió bão, nắng hạn con người mới có kinh nghiệm để khắc phục thiên nhiên, chế ngự thiên nhiên và chiến thắng được thiên nhiên. Phải qua bom đạn của quân thù, người chiến sĩ mới tôi luyện được tinh thần xả thân vì nước, hy sinh tất cả vì độc lập tự do của đất nước.

Trong thời bình, xây dựng và phát triển đất nước, người thanh niên vẫn phải qua rèn luyện gian khổ thông qua nghĩa vụ quân sự hàng năm và các phong trào tình nguyện của Đoàn Thanh niên tổ chức. Chính qua những trường học gian khổ này chúng ta đã chọn được nhiều nhân tài cho đất nước, chọn được những người chiến sĩ mang đức tính “thắng không kiêu, bại không nản” để trở thành các vị trí chỉ huy và lãnh đạo đất nước sau này.

Đi sâu vào việc học tập và rèn luyện kỹ năng của con người, có những cơ chế rèn luyện và những điều cần lưu ý một cách thận trọng sau đây:

Điều 1: Chỉ có sự chân thật mới dạy cho ta sự khôn ngoan. Đại thi hào Goethe đã khẳng định: “Khôn ngoan chỉ tìm thấy ở trong sự chân thật”. Chao ôi, cái cao quý và hiếm hoi nhất mà con người đều thiếu là sự chân thật. Vì vốn có bản năng động vật là tham, sân, si vượt trội nên con người phải phấn đấu liên tục, học hỏi liên tục để vươn đến chân, thiện, mỹ.

Nếu ta may mắn gặp một người thầy chân thật, một người bạn chân thật, một tập thể chân thật thì thật quá mừng, quá may mắn, vì đó là cơ hội để ta rèn luyện, học hỏi kỹ năng khôn ngoan. Như thế, lời dạy của Goethe đã nhắc ta phải tránh xa những phần tử cơ hội, tiến thân bằng những “mưu hèn, kế bẩn”, vì trước sau chúng cũng lộ diện. Lời dạy của Goethe cũng làm ta nhớ đến lời ông cha ta dặn dò “gần đèn thì rạng” và tránh xa được “gần mực thì đen”.

Điều 2: Quả tim của ta khôn hơn trí óc của ta. Triết gia J.Gilbert Holland (1819 – 1881) đã cho ta lời nhắc đầy nhân ái: “Quả tim khôn hơn trí óc”. Đúng như thế, quả tim là nhân ái, là thương yêu, là thông cảm, là bao dung (còn gọi là Trí tuệ cảm xúc: EQ).

Trí óc tức là bộ não là trí tuệ tư duy, trí tuệ nhận thức (còn gọi là Trí tuệ nhận biết: IQ). Ở đời, trong quan hệ giữa con người và con người nhiều khi không có chữ “tình” sẽ hỏng việc, nhiều khi nhờ có chữ “tình”, chữ “nghĩa” mà bao nhiêu việc lớn đều được giải quyết tốt đẹp. Căn cứ vào những kết quả có thật như thế, người khôn ngoan nên chú trọng đến chữ “tình” trước khi đề cao chữ “lý”.

Điều 3: Người nhiều tuổi, người già chưa chắc đã được gọi là người khôn ngoan. Ngạn ngữ cổ Hy Lạp đã lưu ý chúng ta: “Tóc bạc là dấu hiệu của tuổi tác, chứ chưa hẳn là dấu hiệu của sự khôn ngoan”. Câu này quá đúng vì theo sự thoái hóa tự nhiên của cơ thể con người, từ 50 tuổi trở đi đã có tóc bạc. Đến 70, 80 tuổi có người đã trắng xóa cả đầu.

Lẽ dĩ nhiên với kinh nghiệm đã trải qua trong nhiều năm, về mặt lý thuyết, người trung niên, người có tuổi là những người ăn nói và hành động phải thận trọng hơn, cân nhắc hơn trước khi nói, trước khi hành động so với những người còn ở tuổi thanh niên. Nhưng trên thực tế, có những trường hợp người tóc bạc vẫn mắc các lỗi thông thường trong sinh hoạt cộng đồng. Vì thế, khôn ngoan là một kỹ năng cần phải rèn luyện và thận trọng liên tục trong suốt cả một đời người mới có được.

Bàn về “khôn ngoan” thì thật không bao giờ kết thúc được vì nó quá phong phú, muôn màu muôn vẻ, chỉ nên nhớ lời dặn của triết gia G.Herbert (1593 – 1633): “Một người khôn ngoan là người không quan tâm, không để ý đến những gì mà anh ta không thể có được”. Vì sao? Vì đời người có hạn, quá ngắn, nếu cứ chạy theo những chuyện giời ơi đất hỡi chẳng liên quan gì đến mình thì thật là uổng phí cả những ngày đáng lẽ được sống có ý nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỹ năng khôn ngoan