Kỹ năng ‘vàng’ cho mùa hè

Ngọc Ánh 14/07/2023 09:36

Từ khoảng tháng 6 đến tháng 8 là thời gian mà các bãi biển đông đúc người ghé đến và đây cũng chính là thời điểm mà không ít người dân, trẻ em tử vong do đuối nước.

Hầu hết các bãi biển vào dịp hè thu hút rất đông lượng khách du lịch và khách bản địa tìm đến để vui chơi tránh nóng.

Theo thống kê, tại Việt Nam, đuối nước là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5 - 14 tuổi; tỷ lệ trẻ em đuối nước ở nước ta đã giảm nhưng vẫn còn gần 2.000 trẻ đuối nước mỗi năm. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tỉ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển khác.

Gần đây ngày 8/7, lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên sông nhận được tin báo nạn nhân N.Đ.D. (16 tuổi, trú tại phường Nông Tiến, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) tắm biển tại bãi C, biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) thì bị nước cuốn trôi, mất tích. Bên cạnh đó còn có vụ việc thương tâm, 3 em nhỏ 12-14 tuổi chết đuối khi về quê nghỉ hè được ông ngoại đưa ra biển Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) tắm.

Từ những vụ việc đuối nước ấy đã khiến cho không ít người quan tâm đến những kỹ năng chống đuối nước để có thể bảo vệ tính mạng cho bản thân và cho cả những người bên cạnh mình.

Đối với trẻ em, Bộ công an đã đưa ra khuyến cáo cần phải dạy bơi và kỹ năng chống đuối nước cho trẻ. Phải luôn có người quan sát trẻ khi đến ao, hồ, sông, suối và bãi biển. Hiện nay, kỹ năng bơi lội được đưa vào trong các chương trình ngoại khóa của các trường nhưng vẫn chưa được phổ biến rộng rãi.

Đối với người lớn, không được chủ quan khi đến những bãi biển sâu, hoang vắng hoặc những con sông, suối ít người biết tới tránh tình trạng xảy ra những sự việc ngoài ý muốn. Bên cạnh đó thì cần phải trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết về phòng chống đuối nước.

Điều cần thiết nhất mỗi khi có đuối nước xảy ra chính là phán đoán dựa trên tình hình, hoàn cảnh để đưa ra các cách giải quyết phù hợp nhất. Trong trường hợp người tham gia cứu nạn không biết bơi hoặc biết bơi nhưng không có đủ khả năng để trực tiếp cứu người bị nạn thì cần phải bình tĩnh để suy xét, nhanh chóng quan sát xung quanh tìm cành cây, phao cứu sinh, dây thừng hoặc các vật thể nổi khác; sau đó quăng đến vị trí người bị nạn để họ bám, víu rồi kéo dần người bị nạn vào bờ.

Rất đông trẻ em chơi dưới các bãi biển.

Với những nạn nhân đã bị trôi quá xa bờ thì người trên bờ phải chạy thật nhanh hoặc hô hoán tìm người cứu trợ ngay lập tức để nạn nhân được cứu sớm nhất có thể. Khi người cứu trợ tiếp cận được nhưng nạn nhân đã đuối sức thì cần phải tiếp cận nạn nhân từ phía sau, đưa phao (hoặc vật thể nổi) ra phía trước mặt nạn nhân, dùng 2 tay luồn dưới 2 nách nạn nhân từ sau ra trước và bám vào phao đã đặt phía trước, giữ cho đầu nạn nhân nổi, bơi ngửa đưa nạn nhân vào bờ.

Để cho chắc chắn rằng nếu trên biển không có vật thể nổi có thể bám víu được thì tất nhiên, người cứu trợ trước khi bơi ra cứu thì cần phải quấn 1 đoạn dây thừng quanh bụng mình, đầu dây thường còn lại sẽ do người ở trên bờ giữ chặt hoăc cố định bằng 1 điểm chắc chắn trên bờ. Khi bơi đến gần vị trí nạn nhân thì hãy hô to hoặc ra ký hiệu và quăng đầu dây cho người bị nạn cầm. Đồng thời ra ký hiệu cho người trên bờ kéo dây vào hoặc người cứu nạn vừa bơi vừa co dây kéo theo nạn nhân di chuyển vào bờ.

Cũng theo khuyến cáo của Bộ Công an, với nạn nhân, nếu đang trong tình huống gặp phải vùng nước xoáy thì tuyệt đối không được bơi ra hướng ngược dòng chảy. Những người biết bơi thì nên bơi ngang hoặc theo hướng chéo xuôi theo dòng chảy và dần tách ra khỏi dòng chảy và sau đó bơi vòng cung dần tiến vào bờ.

Khi đã đuối sức, hãy thả lỏng và giữ cho cơ thể nổi, trôi theo dòng chảy. Đến khi thấy dòng chảy yếu , cố gắng bơi chéo tách khỏi dòng chảy và bơi vòng vào bờ hoặc ra hiệu cho cứu hộ hoặc mọi người tới ứng cứu.

Tiếp đến là kỹ năng sơ cứu nạn nhân khi được đưa lên bờ: Cần đặt nạn nhân vào chỗ thoáng khí và lập tức kiểm tra xem nạn nhân còn thở không bằng cách quan sát chuyển động của lồng ngực. Nếu nạn nhân còn thở được, hãy đặt nạn nhân nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm cơ thể bằng cách đắp lên người nạn nhân tấm khăn khô và nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Như vậy, các vụ việc đuối nước như 1 hồi chuông cảnh tỉnh người dân không được lơ là, chủ quan khi đi tắm biển, sông, suối, hồ,...trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản và thiết thực nhất về chống đuối nước để có thể tránh được những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỹ năng ‘vàng’ cho mùa hè

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO