Kỷ niệm

TRẦN HỮU THĂNG 04/09/2023 07:55

Có một câu thơ giản dị nhưng sức lan truyền mạnh mẽ vì nó rất đặc biệt. Người viết ra câu thơ này cũng ít người biết và đến nay câu thơ đã biến thành một câu phương ngôn, một triết lý sống: “Bao nhiêu kỷ niệm thời xa vắng/ Sưởi ấm tim ta lúc tuổi già”.

Tất cả chỉ có 14 từ mà bao hàm đầy đủ: Tuổi trẻ, tuổi già, kỷ niệm, phấn đấu, sưởi ấm trái tim lúc tuổi già. Thật quá tài tình. Có tác giả đã phân tích như sau:

Đối với người trẻ tuổi khi đọc câu thơ này đều giật mình tự kiểm điểm lại mình xem đã sống tốt chưa, đã cố gắng phấn đấu đủ chưa để khi về già mới được vui vẻ, được hạnh phúc và trái tim già nua mới được sưởi ấm, được an tâm.

Đối với người già khi đọc câu thơ này đều tự kiểm điểm lại thời tuổi trẻ, tuổi trung niên của mình. Nếu thuận buồm, xuôi gió tất cả mọi việc thì đã có toàn kỷ niệm đẹp, kỷ niệm vui dù lúc trẻ có vất vả, gian nan, khổ sở nhưng ta đã không sống hoài sống phí, không có gì phải hổ thẹn với lương tâm, với pháp luật mà xã hội đã quy định.

Xuyên suốt từ trẻ đến già của một đời người là những kỷ niệm có vui, có buồn, có thắng, có thua nhưng ta vẫn cố gắng phấn đấu làm người lương thiện, có ích cho xã hội, cho cộng đồng là yên tâm, là trái tim già nua được sưởi ấm. Đáng sợ nhất là trái tim về già bị giá lạnh vì phải ân hận, vì phải hối hận, vì phải luyến tiếc những quãng đời tuổi trẻ lầm lạc.

Xin góp một vài tiếng nói về những từ kép “kỷ niệm” và “ký ức”. Hai từ kép này có mối quan hệ gắn kết với nhau: Muốn nhớ đến kỷ niệm phải cần đến ký ức.

Nguồn: ITN.

Theo “Từ điển tiếng Việt” thì: “Kỷ niệm là: 1.Cái hiện lại trong trí óc về những sự việc đáng ghi nhớ đã qua. Thí dụ: Kỷ niệm của tuổi thơ. Ôn lại những kỷ niệm cũ. 2.Vật gợi lại kỷ niệm. Thí dụ: Tặng ảnh làm kỷ niệm. 3.Gợi lại cho nhớ những sự việc đáng ghi nhớ.

Thí dụ: Lễ kỷ niệm chiến thắng. Dựng đài kỷ niệm”. “Ký ức là: 1.Trí nhớ. Thí dụ: Hình ảnh không phai nhòa trong ký ức. 2.Hình ảnh, sự việc đã qua được trí nhớ ghi lại và gợi lên. Thí dụ: Ký ức về tuổi thơ”.

Đầu tiên cần nêu một quy luật về tư duy, về suy nghĩ là: Muốn có được kỷ niệm đúng phải cần có trí nhớ đúng, tức là phải có một ký ức tốt, chính xác, đầy đủ thì sẽ phản ánh được trung thực những kỷ niệm dù là vui hay buồn.

Bậc thầy triết học Blaise Pascal (1623-1662) đã khẳng định: “Ký ức cần thiết cho các hoạt động của trí óc”. Câu này có ý nghĩa tâm lý và triết học rất rộng, nhưng cũng có thể tóm tắt như sau: Hoạt động của trí óc là một hoạt động đánh giá, phê phán, phản biện. Muốn cho chính xác thì các thông số đưa vào trí óc phải chính xác, đầy đủ và trung thực.

Các thông số này chính là hoạt động của ký ức. Từ câu này của Pascal ta nên tập thói quen từ lúc còn niên thiếu là: Nói gì, làm gì đều phải suy đi nghĩ lại, không nên có thói quen cợt nhả, thiếu nghiêm túc để sau một ngày học tập, làm việc cho đến trước khi đi ngủ không rút ra được bài học gì cho ngày hôm đó để mà tự sửa mình. Khi Pascal yêu cầu cần có các trí nhớ tốt để tạo nên một ký ức trung thực chính là muốn tạo ra một hoạt động trí óc lành mạnh.

Người biết cách phòng bệnh từ xa, biết cách tạo niềm vui cho tuổi già từ lúc còn trẻ đều thích câu nói sau đây của tác giả Samuel Taylor Coleridge (1772-1834): “Ký ức là trung tâm của nguồn vui”.

Đúng như thế, khi nghiên cứu tâm lý những người cao tuổi ở khu phố A, nhà dưỡng lão B, các chuyên gia đều nhận thấy: Nhiều cựu chiến binh, nhiều cán bộ, nhiều thầy giáo, cô giáo rất hay kể lại những kỷ niệm cũ từ lúc còn vất vả, gian khổ mà mình đã vượt qua. Những tấm huân chương, huy chương, bằng khen đều được các vị nâng niu cẩn thận, ngắm nghía từng chi tiết và rất tự hào khi trò chuyện với các thế hệ trẻ sau này.

Các đoàn thanh niên, thiếu niên sau khi đi tham quan, học tập ở các khu triển lãm các chiến tích cách mạng hoặc tiếp xúc với các vị lão thành khi ra về ai cũng đều nhủ thầm: Bản thân mình cũng cần cố gắng nhiều hơn nữa để đến khi về già, khi nghỉ hưu được vui vẻ và không phải luyến tiếc điều gì do những lỗi lầm đã gây ra khi còn trẻ, lúc chưa trưởng thành.

Những việc đã qua là thuộc về riêng một kỷ niệm. Những việc sắp tới là quyền sở hữu của hy vọng.

John Home (1722 - 1808)

Chao ôi, chỉ có cụm từ đơn giản “Sưởi ấm tim ta lúc tuổi già” mà sao thật quá khó khăn, quá vất vả để phấn đấu, để dấn thân, để đóng góp mới có được.

Bài thơ sau đây của thi sĩ Thomas Moore (1779-1852) được rất nhiều thế hệ học sinh Trung học thích thú: “Thường những lúc trong đêm dài vắng lặng/ Trước khi chìm trong giấc ngủ say sưa/ Ký ức triền miên lại mang về ánh sáng/ Đến quanh tôi những ngày tháng êm trôi”. Vậy thì muốn có những giấc mộng êm đềm đó ta phải phấn đấu không ngừng, liên tục sửa mình mới mong có được.

Cũng có những cụ già đã buồn bã sửa lại vế thứ hai của câu thơ ở đầu bài viết là: “Bao nhiêu kỷ niệm thời xa vắng/ Lạnh giá tim ta lúc tuổi già” chứ không phải “Sưởi ấm tim ta lúc tuổi già” thì thật là đáng buồn, đáng tiếc, nhưng biết làm sao được nữa.

Có nhiều ý kiến rất quan trọng có tính chất chỉ đường dẫn lối khi bàn về cái cơ chế “phòng bệnh” từ lúc còn trẻ, từ lúc “chưa mắc bệnh” để có một tuổi già thảnh thơi.

Tác giả người Scotland là John Home (1722-1808) đã nêu một nguyên tắc rất đúng và logic như sau: “Những việc đã qua là thuộc về riêng một kỷ niệm/ Những việc sắp tới là quyền sở hữu của hy vọng”. Vì thế cho nên trong cuộc đời mấy chục năm mà con người trải qua, địa điểm nào cũng đáng cho ta phấn đấu, nỗ lực vì tại địa điểm đó có cả những kỷ niệm dù vui hay buồn, nhưng cũng có cả một chân trời hy vọng với trời xanh, hoa thơm, bướm lượn cho ta mặc sức thử thách với trường đời.

Còn tác giả Arsene Houssaye (1815-1896) thì nói hẳn cái gì là đã cũ, cái gì là trẻ trung qua câu danh ngôn để đời: “Ta phải luôn luôn có những kỷ niệm đã cũ và những hy vọng trẻ trung đầy sức sống”. Nếu theo đúng cái tinh thần “cũ và mới” này của Houssaye thì làm gì có tuổi già, chỉ có sự cộng thêm của cũ và mới một lần nữa mà thôi. Đáng yêu thay câu nói đã qua 200 năm mà vẫn có sức sống của ngày hôm nay.

Tiếp theo xin được kể lại một vài câu chuyện có thật của “Bao nhiêu kỷ niệm thời xa vắng/ Sưởi ấm tim ta lúc tuổi già”.

Bác sĩ Xuân năm nay đã 82 tuổi. Trên bàn làm việc ở nhà ông lúc nào cũng có chiếc bút máy Parker đã cũ, nhưng được để rất trang trọng trong một cái hộp đựng bút bằng thủy tinh. Ông Xuân bồi hồi nhớ lại cách đây hơn nửa thế kỷ khi ông có cuộc hội chẩn với chuyên gia Pháp tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội. Đó là buổi hội chẩn vi thể một nhóm hạch bạch huyết của người cán bộ cao cấp. Năm đó ông Xuân mới hơn 30 tuổi và đi làm ở bệnh viện được mấy năm.

Ông chuyên gia là một giáo sư danh tiếng ở Paris. Ông Xuân có chẩn đoán khác với chẩn đoán của vị chuyên gia, vì thế có cuộc hội chẩn của nhiều bệnh viện và cuối cùng hội đồng quyết định điều trị thử cho bệnh nhân theo chẩn đoán của ông Xuân. Kết quả điều trị theo hướng này đã đúng nên bệnh nhân hồi phục rất nhanh. Ngày chia tay, ông giáo sư người Pháp đã tặng ông Xuân chiếc bút máy và động viên, khen ngợi chàng thanh niên có chí tiến thủ trong khoa học. Đối với ông Xuân, chiếc bút máy kỷ niệm năm đó đã sưởi ấm trái tim ông khi về nghỉ hưu và cho đến mãi sau này.

Hồi đi sơ tán chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, ông giáo Thu mới 25 tuổi. Nhà dân ông ở nhờ có một phụ nữ sắp đến ngày sinh nở. Nhân một lần về Hà Nội, thấy có áo sơ sinh đẹp, ông Thu đã mua 2 cái giống nhau mà ông rất ưng ý.

Đêm hôm sản phụ trở dạ, chính ông Thu đã đi mượn một chiếc xe ba gác của hợp tác xã rồi lót rơm, trải chiếu để sản phụ nằm cho êm và chính ông đã kéo chiếc xe đó lên nhà hộ sinh xã, bà mẹ chồng đẩy phía sau. Chồng sản phụ là bộ đội đang chiến đấu ở chiến trường phía Nam.

Rất kỳ lạ là sản phụ sinh đôi 2 bé gái. Hai bé mặc rất vừa 2 cái áo hoa do ông Thu tặng. Từ bấy giờ ai cũng khen “Ông giáo nhìn bụng biết chẩn đoán thai đôi và đưa đi đẻ kịp thời cho cả ba mẹ con”. Ngày tháng đã trôi qua nhiều năm, nhưng cái đêm sơ tán đó với hình ảnh cả ba mẹ tròn con vuông là kỷ niệm đẹp nhất trong đời ông giáo Thu.

Cuối cùng, nên nhớ câu nói sau đây của Thomas Moore: “Hy vọng sẽ sáng ngời ngày sắp đến/ Kỷ niệm đẹp lại mạ vàng cho dĩ vãng đã qua”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỷ niệm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO