Ngày 31/1, tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và TP Hồ Chí Minh phối hợp long trọng tổ chức lễ kỷ niệm cấp nhà nước 50 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (31/1/1968-31/1/2018).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ VN, các đại biểu trong nước và quốc tế dự Lễ kỷ niệm. Ảnh: TTXVN.
Đến dự Lễ kỷ niệm có Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt; nguyên Thường trực Ban Bí thư, Đại tướng Lê Hồng Anh; Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ưong Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng. Đến dự Lễ kỷ niệm còn có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan trung ương và địa phương phía Nam; các nhân sĩ trí thức, đại biểu các dân tộc, kiều bào; cán bộ lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, đại diện gia đình các anh hùng liệt sĩ, gia đình có công với nước, các thương binh, bệnh binh, các cựu chiến binh cùng khoảng 3.500 người dân đến từ nhiều tỉnh, thành phía Nam.
Bước ngoặt chiến lược của cuộc kháng chiến
Sau chương trình biểu diễn nghệ thuật kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ, Lễ kỷ niệm cấp nhà nước bắt đầu, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: TTXVN.
Đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân xúc động ôn lại sự kiện cách đây 50 năm, vào đêm 30 rạng sáng ngày 31/1/1968, lời thơ Chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu vang vọng trên Đài Tiếng nói Việt Nam “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam, Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”- như lời hiệu triệu, thúc giục quân và dân ta đồng loạt nổ súng trên toàn miền Nam, mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Thắng lợi của tổng tiến công Mậu Thân 1968 quyết định mang tầm chiến lược ấy là trong một thời gian ngắn, chúng ta đã đưa cuộc chiến đấu ác liệt vào tận sào huyệt của kẻ thù, đánh mạnh vào toàn bộ hậu phương, ở tất cả thành phố, tỉnh lỵ mà trước đó hầu như là những căn cứ an toàn của địch. Những cơ quan đầu não, những mục tiêu quan trọng nhất mà kẻ thù huênh hoang coi là bất khả xâm phạm như Bộ Tổng Tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất, từ Dinh Tổng thống đến Đài Phát thanh, Toà Đại sứ Mỹ đều bị ta tấn công quyết liệt.
Thắng lợi quyết định mang tầm chiến lược là đã làm chuyển biến nhanh chóng và mạnh mẽ cục diện chiến tranh, nâng cao uy thế của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ở trong và ngoài nước. Đặc biệt, đã giáng một đòn chí mạng làm lung lay ý chí xâm lược và phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ và tay sai, buộc chúng phải “phi Mỹ hóa” chiến tranh bằng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, chấp nhận đàm phán trực tiếp với ta tại Hội nghị Paris, tạo bước ngoặt chiến lược cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đại biểu tham dự buổi lễ. Ảnh: TTXVN.
Sức mạnh của khối đại đoàn kết
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là minh chứng hiện thực sinh động của bản lĩnh kiên cường, của tư duy và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Bài học rất lớn của cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968 xét ở khía cạnh sức mạnh đại đoàn kết dân tộc làm nên những cột mốc quan trọng của cuộc chiến tranh nhân dân bất khuất, anh dũng, hiếm có trong lịch sử quân sự thế giới. Đại đoàn kết dân tộc làm nên sức mạnh cho người Việt chống lại các thế lực ngoại xâm hùng mạnh nhất.
Sức mạnh vô địch ấy là tinh thần dũng cảm vô song, mưu lược tài ba của các lực lượng vũ trang; sự tham gia đông đảo của các giới đồng bào, của các lực lượng chính trị, lực lượng quần chúng yêu nước. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy, thanh niên, sinh viên, học sinh đã cùng nhau đứng lên đấu tranh chính trị và cầm vũ khí sát cánh chiến đấu cùng các chiến sĩ quân giải phóng. Lực lượng phụ nữ tham gia vào các đội biệt động, điệp báo, trinh sát vũ trang, du kích, giao liên, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong... tất cả đã tạo nên sức mạnh tổng hợp vô cùng lớn lao.
Trong khối đại đoàn kết lớn lao ấy có công nhân, giáo chức, trí thức, các vị chức sắc tôn giáo, văn nghệ sĩ và nông dân ở vùng ven đô thị tích cực tham gia. Các gia đình cơ sở cách mạng nội thành chấp nhận hy sinh, mất mát, bất chấp hiểm nguy, vận chuyển, cất giấu vũ khí, nuôi giấu cán bộ chiến sĩ giữa vòng kìm kẹp gắt gao của địch.
Sức mạnh của khối đại đoàn kết đã giúp cho tinh thần đấu tranh của các tầng lớp nhân dân trở nên mạnh mẽ và bất diệt. Sức mạnh đại đoàn kết càng được nhân lên bởi chính nghĩa sáng ngời của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, đã tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của các nước anh em, lực lượng tiến bộ, nhân dân yêu chuộng hoà bình, công lý trên toàn thế giới, kể cả nhân dân Mỹ. “Chúng ta mãi mãi trân trọng, tri ân, ghi lòng tạc dạ công lao to lớn của cán bộ, chiến sĩ, đồng chí, đồng bào - những người con ưu tú đã hiến dâng đời mình cho Tổ quốc, đã chiến đấu, anh dũng hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và trong toàn bộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc để chúng ta có được một đất nước hoà bình, độc lập, tự do và cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay”- diễn văn của Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định.
Kinh nghiệm quý báu cho hiện tại và tương lai
Soi rọi lại lịch sử 50 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy, người đứng đầu Đảng bộ TPHCM đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ hôm nay. Trong tình hình, bối cảnh thế giới, khu vực vẫn diễn biến phức tạp, thời cơ và thách thức đan xen; nguy cơ đe dọa sự ổn định chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ còn tiềm ẩn; các thế lực thù địch không ngừng phá hoại công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc; những hạn chế, yếu kém chủ quan trong quá trình phát triển còn tồn tại, nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế còn hiện hữu. Đặc biệt, tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống, tư tưởng chính trị trong một bộ phận cán bộ, đảng viên còn diễn biến phức tạp, nguy cơ tham nhũng gây xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đe doạ đến sự tồn vong của chế độ.
“Trân trọng và tự hào về lịch sử hào hùng, phấn khởi trước những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới để làm động lực, hành trang và kinh nghiệm quý báu cho hiện tại và tương lai; nhưng tuyệt đối không được chủ quan, không được thoả mãn với những gì đã đạt được”- Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, đồng thời chỉ rõ, các cán bộ, đảng viên phải thật sự gần dân, lắng nghe dân, trọng dân và được dân tin yêu. Xa rời nhân dân, quan liêu, tham nhũng sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ chúng ta. Từ trong khói lửa chiến tranh mà trực tiếp từ cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cho thấy, vào những lúc khó khăn, gian khổ nhất, kể cả trong lúc thực lực ta yếu hơn địch, chúng ta vẫn chiến đấu và chiến thắng vì được lòng dân, vì được dân đùm bọc, chở che, được nhân dân tin tưởng và ủng hộ.
Trước hết phải làm cho nước mạnh, dân giàu. Sự phát triển mạnh mẽ phải qua việc bắt nhịp nhanh chóng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; không ngừng chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Song song đó là các giải pháp về xây dựng tiềm lực và thế trận quốc phòng - an ninh từ trong thời bình, như di huấn của cha ông, kết hợp xây dựng với phòng thủ đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, quốc phú binh cường. Kết hợp hài hoà xây dựng tiềm lực quốc phòng - an ninh với xây dựng tiềm lực kinh tế - xã hội, tiềm lực chính trị - tinh thần, đặc biệt là xây dựng “thế trận lòng dân” bằng sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của toàn dân để kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, phá hoại, lật đổ của các thế lực thù địch, phản động; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội để phát triển đất nước...
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Đại tá Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang), Anh hùng Lực lượng vũ trang, nhân chứng lịch sử từng trực tiếp tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đã thay mặt những người lính Cụ Hồ bày tỏ niềm xúc động dạt dào. “Với niềm tự hào lịch sử vinh quang, những người cựu chiến binh cam kết sống xứng đáng với những hy sinh to lớn của các thế hệ chiến sỹ và nhân dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Tự hào về Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại, tự hào về truyền thống Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng, các cựu chiến binh nguyện phát huy bản chất bộ đội Cụ Hồ, cống hiến hết mình cho nhiệm vụ xây dựng phát triển đất nước hôm nay”.
Thay mặt thế hệ trẻ, sinh viên Nguyễn Thị Phương Nghi (Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM, sinh viên 5 tốt cấp Trung ương) đã bày tỏ niềm tự hào trước những chiến công vang dội và lòng tri ân sâu sắc những anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ, đồng bào đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến lịch sử cách đây 50 năm. Ý thức được trách nhiệm của mình, thế hệ trẻ hôm nay nguyện sẽ nối tiếp mùa xuân 1968, tiếp tục tạo nên những đại thắng mùa xuân của đất nước; luôn cần cù, sáng tạo trong học tập, lao động sản xuất, xây dựng hình ảnh thanh niên thế hệ mới, tiến bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, làm chủ khoa học công nghệ, tạo ra những công trình ích nước lợi dân và khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Với nghị lực tràn đầy, với ý chí và quyết tâm mạnh mẽ, được sống trong một môi trường hòa bình, đổi mới, phát triển của đất nước, tuổi trẻ Việt Nam nhất định nêu cao tinh thần tiến công, sáng tạo, đoàn kết cùng toàn Đảng, toàn dân phát huy các thành quả cách mạng vì đất nước Việt Nam mãi mãi hùng cường.