Sau khi nước Pháp bại trận trước sự tấn công của phát xít Đức thì Nhật vào Việt Nam, nhân dân ta phải chịu cảnh “một cổ hai tròng”. Đảng Cộng sản Đông Dương nêu khẩu hiệu: “Không một tên lính, không một đồng xu cho chiến tranh đế quốc”, được nhân dân tích cực hưởng ứng.
Tinh thần Nam Kỳ khởi nghĩa. (Tranh của Trần Thắng).
Các cuộc khởi nghĩa lần lượt nổ ra trên cả nước. Ngày 27/9/1940, nhân dân Bắc Sơn (Thái Nguyên) dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương chặn đánh quân Pháp, tước vũ khí của chúng để trang bị cho mình, vận động lính khố đỏ, khố xanh, lính dõng bỏ hàng ngũ địch, tuyên bố xóa bỏ chính quyền của địch. Nhưng cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn chỉ tồn tại chưa đầy một tháng thì thất bại.
Hai tháng sau khởi nghĩa Bắc Sơn, bùng nổ Nam Kỳ khởi nghĩa.
Tháng 7/1940, đồng chí Phan Đăng Lưu thay mặt Trung ương Đảng dự Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ thông qua đề cương chuẩn bị khởi nghĩa và ra Bắc xin ý kiến của Trung ương. Rút kinh nghiệm cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Hội nghị Trung ương lần thứ 7 phân tích điều kiện chủ quan và khách quan chưa bảo đảm cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thắng lợi. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt ở Sài Gòn như Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập đều địch bị bắt.
Trung ương quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa. Đồng chí Phan Đăng Lưu mang chỉ thị về đến Sài Gòn thì bị bắt trong khi lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy Nam Kỳ ban bố đã xuống đến các địa phương, không kịp hoãn.
Giữa đêm 22 rạng ngày 23/11/1940, cuộc khởi nghĩa nổ ra mạnh mẽ ở nhiều vùng từ miền Đông đến miền Tây Nam Bộ: Biên Hòa, Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Mỹ Tho Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long). Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện tại đình Long Hưng (Mỹ Tho) đã tung bay khắp các địa điểm nổ ra khởi nghĩa.
Ở một số nơi, nông dân lập chính quyền cách mạng, tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho nông dân nghèo, lập tòa án nhân dân trừng trị những tên phản động.
Sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhớ lại không khí hào hùng của cuộc khởi nghĩa mà mình tham gia: “Trước đó, Quận ủy Vũng Liêm chủ trương làm một cuộc mít tinh thật vang dội để bắt mạch phong trào chuẩn bị khởi nghĩa. Trong cuộc mít tinh, chị Năm Hồng mới 20 tuổi là Bí thư Quận ủy đã nói “Tương lai nông dân sẽ có được mảnh ruộng…”.
Nghe vậy, ai nấy đều sung sướng. Tôi khi ấy tên là Phan Văn Hòa- Chín Hòa, mới 18 tuổi, là Bí thư xã, đã bật dậy cùng các thanh niên hô to khẩu hiệu “Đánh đuổi đế quốc thực dân, đánh đổ phong kiến địa chủ, giành bình đẳng tự do” và hát vang “Bài ca xích vệ”.
Đêm 23/11/1940, Chín Hòa- một trong những người chỉ huy “Đêm cộng sản dậy” theo cách nói của dân chúng, là cuộc “Nam Kỳ khởi nghĩa” theo cách nói trong sử Đảng. Chín Hòa dẫn lực lượng hai xã gần trăm người đi “lấy” đồn Bắc Nước Xoáy, trong tay chỉ có giáo mác, gậy gộc và một ống loa làm bằng thùng sắt với tinh thần chiến thắng.
Đoàn quân đi cướp đồn mà như đi hội, lội bộ 10 km, cứ thẳng đường cái mà đi. Đến bên bờ con sông Măng Thít, đồn lính ở bên kia thuộc quận Tam Bình, phải qua phà. Vừa lúc đó có một chiếc xe du lịch từ Vũng Liêm lên, xe của một chánh tổng nhưng không có chủ ngồi. Đoàn quân chặn xe, bắt kêu phà qua rước. Xe rọi đèn, phà qua ngay. Cả trăm người theo chiếc xe con xuống phà.
Lên bờ, đèn xe rọi vô, thấy trong đồn lính ngủ la liệt; bên ngoài vài tên đứng gác lớ ngớ. Mọi người xáp vô, lính trở tay không kịp, chạy tán loạn, bị vây bắt, tước súng, phân công người xuống đục chìm phà, thả theo nước lớn. Một số anh em thì leo lên lấy giáo mác chặt đứt hết dây thép, cắt đường thông tin liên lạc.
Chín Hòa trèo lên cổng đồn, bắc loa kêu gọi đồng bào nổi dậy đánh đổ ách thống trị của thực dân đế quốc, phong kiến địa chủ. Lấy xong đồn Bắc Nước Xoáy, đội quân của đồng chí Chín Hòa ung dung lắm, đinh ninh giờ đó Sài Gòn, thị xã Vĩnh Long cũng đều đã khởi nghĩa xong. Đêm ấy về làng, Chín Hòa mới biết anh em đi đánh đồn Bắc Nước Xoáy chỉ có lẻ tẻ mấy người về tới nơi. Số đông bị bắt, bị giết, trong đó có người anh thứ ba của mình bị giết. Lính quận bắt anh Tư đi lùng bắt Chín Hòa- “thằng em trai làm loạn”.
Một tối, Chín Hòa về nhà, thấy ba (ông Phan Văn Dựa) không nói gì, chỉ lặng lẽ mài đi mài lại một lưỡi mác. Trước khi Chín Hòa đi, ông trao lưỡi mác cho con và nói gọn: “Thằng anh mày nó sợ, nó dọa bắt mày. Mày cầm cái mác, đứa nào bắt thì cứ đâm cho tao”. Đêm đó Chín Hòa chia tay ba, lặng lẽ thoát ly gia đình, quê hương đi làm cách mạng với cái tên Võ Văn Kiệt - mang họ mẹ.
Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã được nông dân tham gia với tinh thần quật khởi nhưng sớm bị thất bại. Thi hành chính sách khủng bố trắng, quân Pháp đàn áp hết sức dã man. Không quân Pháp được lệnh ném bom tàn sát những vùng nổi dậy mạnh nhất như Cai Lậy, Chợ Giữa, Càng Long, Mỹ Tho. Hàng vạn người bị bắt.
Nhưng ngoài khơi mũi Cà Mau thì đến 23h15 đêm 23/12/1940, điểm đầu cuộc khởi nghĩa của tỉnh Bạc Liêu mới nổ ra dưới sự lãnh đạo của thầy giáo Phan Ngọc Hiển. Cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai giành được thắng lợi. Hôm sau họ lên tàu vào đất liền. Nhưng khi tàu cập vào Rạch Gốc thì bị bắt. Các đồng chí đảng viên, cán bộ chủ chốt bị giải về thị trấn Cà Mau, bị tra tấn rất dã man.
Trong báo cáo của Thống đốc Nam Kỳ gửi toàn quyền Đông Dương tháng 12/1940 viết: “Trong thời gian từ 22/11/1940 đến 31/12/1940, ở các khu liên tỉnh Gia Định, Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên, có 5.848 người bị bắt” (con số ít hơn sự thật. Tin này vọng vào nhà tù Buôn Mê Thuột, nhà thơ Tố Hữu, người tù cộng sản trẻ tuổi đã xúc động, chia sẻ sự đau thương này: “Hỡi ôi, việc chửa thành công/ Hôm nay máu chảy đỏ đồng Hậu Giang/ Giặc lùng giặc đốt xóm làng/ Xác xơ cây cỏ tan hoang cửa nhà”(Bà má Hậu Giang- Tố Hữu).
Đầu năm 1941, trong kỳ họp của Hội đồng Chính phủ Đông Dương, Decous tuyên bố: “Chúng ta đàn áp một cách cương quyết, sắp tới tòa án sẽ trừng trị cũng không kém nghiêm khắc. Đối với bọn phiến loạn, bản chức muốn rằng nhà nước đừng sai lầm như trước đây nữa, chủ nghĩa cộng sản làm hại cho nước Pháp và cho Đông Dương cho nên chúng ta có quyền tiêu diệt không thương tiếc những ai muốn tuyên truyền thù ghét Pháp và những ai muốn phá rối trị an”.
Nói là làm, chúng đã đẩy hàng ngàn người khởi nghĩa ra Côn Đảo và đi các trại tập trung Tà Lài, Bà Rá. Từng đoàn người yêu nước bị dùng dây thép xâu qua bàn tay hoặc bắp chân với nhau rồi đưa ra ném xuống cửa biển.
Ngày 12/7/1941, tại Cà Mau, đồng chí Phan Ngọc Hiển và 7 đồng chí cầm đầu cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai bị xử tử hình tại chợ Cà Mau. Nhà thơ Lê Giang nhớ rất rõ: “Chị, một em bé 10 tuổi chứng kiến người chiến sĩ cộng sản Phan Ngọc Hiển khi ra pháp trường hiên ngang đến bình thản trước cái chết. Thầy mặc bộ bà ba lụa lèo, miệng phả khói thuốc. Bước vào pháp trường, thầy không cho bịt mắt, đứng trước họng súng kẻ thù, thầy nhìn lại đồng bào, đưa tay vẫy chào, miệng hô to “Việt Nam vạn tuế”. Thầy và các đồng chí của mình ngã xuống sau tiếng súng. Lúc đó thầy mới 30 tuổi”.
Nhà văn Mai Văn Tạo đã viết về những chiến sĩ khởi nghĩa Nam Kỳ bị xử tử tại Long Xuyên quê ông: “Mẹ tôi kể những người bị bắn rất hiên ngang. Đứng trước mũi súng họ thẳng trân như Từ Hải. Vợ những người bị bắn đứng nhìn không khóc không kêu mà nước mắt chảy đầm đìa. Dân làng chôn xác và đắp mộ cho ba người. Ngày nào cũng có những bó hương to trên mộ…”
Ngày 26/8/1941, chúng đã xử bắn các đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu với tội danh “chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ“ tại Hóc Môn, nhằm uy hiếp tinh thần cách mạng của chiến sĩ và đồng bào yêu nước. Nhưng tinh thần yêu nước và ý chí chiến đấu kiên cường bất khuất của các đồng chí và của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thì bất diệt, đã tiếp sức cho đồng bào, chiến sĩ cả nước viết tiếp trang sử vàng chói lọi trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thắng lợi.
Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Đảng Cộng sản Pháp đã gửi đến Đảng Cộng sản Đông Dương một bức thư, trong đó có đoạn: “Chúng tôi cúi đầu trước vong linh những người chiến sĩ đấu tranh cho tự do đã hy sinh hồi tháng 11 dưới súng liên thanh của Decous, Beaudouin, Petain. Chúng tôi kính cẩn nghiêng mình trước những người anh hùng đó, đặc biệt chúng tôi nghiêng mình trước những anh chị em ruột thịt anh hùng là đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương”.
Nhằm tôn vinh ý nghĩa to lớn của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, ngày 14/4/1948, Hồ Chủ tịch đã ký sắc lệnh số 163/SL tặng Huân chương Quân công hạng nhất cho đội quân khởi nghĩa Nam Kỳ.
Khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940) là cuộc khởi nghĩa vũ trang có quy mô rộng lớn và mạnh mẽ nhất kể từ khi Pháp đặt chân lên xâm lược nước ta năm 1858 đến năm 1940. Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 đã đi vào lịch sử với nhiều địa danh, với nhiều tên tuổi anh hùng và lần đầu tiên xuất hiện cờ đỏ sao vàng 5 cánh trước trụ sở Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho tại đình Long Hưng và lần đầu tiên xuất hiện trong các tài liệu, truyền đơn tên gọi “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.
Kỳ diệu thay lá cờ đỏ và tên gọi đó trở thành Quốc kỳ và Quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Quốc hội khóa I năm 1946 công nhận. Sau 75 năm, lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, phấp phới trên cột cờ các trụ sở của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ, Nhà Quốc hội, các cơ quan Nhà nước, trên đường phố, ngõ phố trong các ngày lễ hội của đất nước. Cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam đang tung bay một cách kiêu hãnh khắp các nước trên thế giới.