Xã hội

Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025): Hồi sinh giữa ‘tọa độ lửa’

Cẩm Kỳ - Hạnh Nguyên 27/07/2025 07:34

Trong chiến tranh, Ngã ba Đồng Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) được ví là "tọa độ lửa", “tọa độ chết”. 60 năm đã trôi qua, giờ đây, nỗ lực kết nối truyền thống với đương đại của những người truyền lửa ở khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đã biến vùng đất hoa lửa hồi sinh kỳ diệu.

10 cô gái hóa bất tử

Ngã ba Đồng Lộc (thuộc xã Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) từng được mệnh danh là "tọa độ lửa", “tọa độ chết” trong kháng chiến chống Mỹ. Nằm giữa ngã ba giao giữa Quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2, nơi đây giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, điểm trung chuyển huyết mạch trên tuyến đường Trường Sơn, nối hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam.

screenshot_1.png
Trước di ảnh của 10 nữ thanh niên xung phong tại di tích Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Để ngăn dòng chi viện từ Bắc vào Nam, năm 1968, không quân Mỹ trút hàng nghìn trận bom xuống Đồng Lộc vùng đất giao điểm mang tính sống còn. Cây cối ngã rạp, đất đá bị cày xới, mặt đường liên tục bị phá hủy rồi lại được lấp vá ngay trong đêm bởi những bàn tay thanh niên xung phong (TNXP). Giữa mưa bom, họ vẫn bám đường, bám đất, giữ cho mạch sống hậu phương không bị đứt đoạn.

Trong hoàn cảnh khốc liệt ấy, máu và mồ hôi đã thấm xuống từng thớ đất để giữ thông tuyến. Cũng chính tại nơi này, 10 cô gái Tiểu đội 4 - Đại đội 552 đã vĩnh viễn nằm lại, trở thành biểu tượng bất tử của lòng quả cảm, sự hy sinh thầm lặng và tình yêu nước cháy bỏng.

Năm ấy, tại giao điểm khốc liệt mang tên Ngã ba Đồng Lộc, 10 cô gái TNXP thuộc Tiểu đội 4 đã cùng nhau viết nên bản hùng ca giữa lửa đạn. Họ đều là những cô gái quả cảm của Hà Tĩnh, tuổi đời từ 17 đến 24, ngày ngày đào đất, bê đá, san lấp hố bom, làm đường tránh. Có đêm, các chị còn tình nguyện mặc áo trắng, cầm tay nhau làm cọc tiêu sống, dẫn đường cho xe qua.

Dẫu hiểm nguy, gian khổ, tiểu đội do chị Võ Thị Tần chỉ huy vẫn ngập tràn tiếng cười. Hình ảnh các chị tay xách nách mang dụng cụ, băng qua trận địa mịt mù khói bụi để giữ mạch giao thông đã in sâu trong lòng đồng đội. Không cùng huyết thống nhưng Tiểu đội 4 yêu thương nhau như ruột thịt.

Là em út của Tiểu đội, chị Võ Thị Hà được các chị lớn trong đội yêu thương hết mực. Ở tuổi 17, việc nặng đã có chị Hà Thị Xanh đỡ giúp, còn phần ngon nhất trong mỗi bữa quà quê luôn được nhường cho Út Hà. Sống giữa khói lửa chiến tranh, tình cảm giữa các chị càng thêm sâu đậm. Có lẽ, vì đã xác định sẵn mất mát có thể đến bất cứ lúc nào, nên các chị sống hết mình, trao nhau những điều đẹp nhất như đóa hoa tỏa hương nơi tuyến lửa.

Toàn cảnh Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, nơi giao thoa giữa ký ức bi tráng và khát vọng hòa bình. Ảnh Cẩm Kỳ.
Toàn cảnh Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Trưa 24/7/1968, Tiểu đội 4 nhận lệnh san lấp hố bom sau những trận ném phá khốc liệt, chưa kịp ăn trưa, các chị lập tức lên đường. Bom vẫn trút xuống, đất trời rung chuyển. 3 lần bị vùi lấp, các chị vẫn đứng dậy tiếp tục nhiệm vụ. Đến khoảng 16h, trận bom thứ 15 giáng xuống Đồng Lộc. Không kịp trở về hầm chính, các chị núp tạm vào một hầm trú ẩn. Riêng Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc ẩn mình ở hầm cá nhân gần đó. Một quả bom đánh trúng cửa hầm, vùi lấp tất cả.

5 phút, 10 phút trôi qua, không ai chạy ra như thường lệ. Đồng đội dưới chân đồi Trọ Voi lao lên tìm. Không thấy bóng ai, họ bất chấp bom rơi, gào tên các chị trong tuyệt vọng. Xẻng, cuốc, cả những đôi tay trần đào bới, máu hòa cùng đất. Nhưng điều kỳ diệu đã không xảy ra. Trận bom định mệnh ấy không chỉ đánh sập một căn hầm mà còn vùi lấp cả thanh xuân của 10 nữ TNXP.

Ký ức ở lại giữa thông xanh

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, Ngã ba Đồng Lộc ngày nay là chốn bình yên, tĩnh lặng, linh thiêng. Trên đồi là rừng thông xanh rì rào, dưới chân đồi, cụm tượng đài TNXP sừng sững giữa trời…

Những năm qua, Ngã ba Đồng Lộc trở thành địa chỉ đỏ linh thiêng, mỗi năm, hàng chục nghìn lượt khách tìm về. Có đoàn học sinh nghiêm trang lắng nghe chuyện 10 cô gái. Có người mẹ trẻ thì thầm với con thơ: “Các chị đã nằm xuống để con được sống hôm nay”.

10 cô gái TNXP ở Ngã ba Đồng Lộc thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55 gồm: Võ Thị Tần (24 tuổi, Tiểu đội trưởng), Hồ Thị Cúc (24 tuổi, Tiểu đội phó), Nguyễn Thị Nhỏ (24 tuổi), Dương Thị Xuân (21 tuổi), Võ Thị Hợi (20 tuổi), Nguyễn Thị Xuân (20 tuổi), Hà Thị Xanh (19 tuổi), Trần Thị Hường (19 tuổi), Trần Thị Rạng (18 tuổi), Võ Thị Hà (17 tuổi). Các chị đã ngã xuống khi tuổi còn rất trẻ. Cùng với họ, hơn 4.000 anh hùng liệt sĩ khác đã nằm lại nơi tuyến lửa Đồng Lộc.

Có người chỉ lặng lẽ đặt bó hoa nhỏ, cúi đầu thật lâu. Đó có thể là cựu binh, là đồng đội xưa, là người thân chưa nguôi thương nhớ. Ở nơi này, không ai khóc thành tiếng, nhưng nước mắt chưa từng ngừng rơi. Đồng Lộc tĩnh lặng như một ngôi đền ký ức. Gió rì rào qua rừng thông, mùi nhang thoảng nhẹ, tiếng chuông chùa ngân vang. Trong chiều vàng nhạt, bước chân người chậm lại, lòng cũng lặng đi.

“Chúng tôi xác định nhiệm vụ không chỉ là bảo tồn di tích, mà còn giữ gìn ký ức chiến tranh, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước và lan tỏa tinh thần biết ơn. Mỗi đoàn khách, mỗi thế hệ học sinh đến đây đều được giới thiệu đầy đủ về câu chuyện của 10 cô gái, về các anh hùng liệt sĩ đã sống, chiến đấu, hy sinh trên mảnh đất này, để từ đó hiểu rằng độc lập hôm nay đổi bằng máu và nước mắt của cả một thế hệ. Bên cạnh đón tiếp, thuyết minh, Ban Quản lý còn tổ chức các chương trình giáo dục truyền thống, tưởng niệm, giao lưu nhân chứng lịch sử, trưng bày hiện vật… để câu chuyện Đồng Lộc sống mãi trong lòng các thế hệ” - ông Đặng Quốc Vũ, Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc và Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng chia sẻ.

Số hóa tư liệu lịch sử

Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc hôm nay đã khoác lên mình diện mạo hoàn toàn mới, nét hiện đại được xây dựng trên nền tảng của truyền thống, giá trị lịch sử được tôn vinh và lan tỏa vượt không gian, thời gian nhờ ứng dụng công nghệ 4.0.

Khu di tích lịch sử đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc là một trong những đơn vị đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số ở Hà Tĩnh. Từ đầu năm 2023, để phục vụ tốt nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách, Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đã lắp hệ thống thiết bị chuyển đổi số tại nhà truyền thống.

Trang sử Đồng Lộc được kể lại để tuổi trẻ lắng nghe và bước tiếp. Ảnh Cẩm Kỳ.
Các bạn trẻ lắng nghe câu chuyện bi tráng của 10 nữ TNXP bên hố bom chung của cả Tiểu đội 4, Đại đội 552. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Trong đó, điểm nhấn là lập trình giới thiệu về Ngã ba Đồng Lộc, tiểu sử, cuộc đời của 10 liệt nữ TNXP hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc và lập trình tham quan Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc từ mã QR qua công nghệ VR360. Những ứng dụng công nghệ này giúp du khách tiếp cận tư liệu lịch sử dễ dàng, thuận tiện, nhanh chóng, đặc biệt thu hút giới trẻ.

Đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc vào tháng 7 - tháng tri ân, em Đặng Minh Nhật (SN 2007, trú phường Đông Gia Nghĩa, tỉnh Lâm Đồng) ngỡ ngàng khi em vừa được tham quan thực tế vừa khám phá lịch sử di tích trên chiếc điện thoại cầm tay. “Khi mở QR ra, em thấy được toàn cảnh về di tích lịch sử, về 10 cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc. Em rất ấn tượng với màn đồ họa và không gian 3D. Đây là lần đầu tiên em được trải nghiệm khám phá lịch sử trên không gian mạng và rất thú vị” - Nhật chia sẻ.

Theo thuyết minh viên Nguyễn Quỳnh Mai - Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, du khách khi đến với khu di tích muốn tìm hiểu về các thông tin liên quan chỉ cần thực hiện thao tác đơn giản là bấm vào những nút bấm trên màn hình cảm ứng, mọi thông tin sẽ được hiện lên đầy đủ, kèm theo hình ảnh thực tế minh họa sinh động. Việc đưa các ứng dụng chuyển đổi số với hệ thống thiết bị và công nghệ hiện đại đã mang đến nhiều tiện ích cho du khách, cũng như giúp cán bộ, nhân viên thuận tiện hơn trong việc hướng dẫn, thuyết minh cho du khách. Giảm được cường độ làm việc cho thuyết minh viên.

Hệ thống thiết bị chuyển đổi số được ứng dụng tại không gian nhà truyền thống có giá trị hơn 552 triệu đồng, với 4 hạng mục: 1 màn hình cảm ứng 32 inch và thiết kế lập trình giới thiệu về Ngã ba Đồng Lộc; 1 hệ thống trình chiếu thông tin bằng nút bấm và lập trình nội dung giới thiệu tiểu sử, cuộc đời của 10 cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc; hệ thống mapping tương tác trình chiếu thông điệp vì hòa bình đến khách tham quan và lập trình tham quan Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc qua công nghệ VR 360 từ mã QR.

Với hệ thống thông minh này, du khách có thêm lựa chọn khi đến với Ngã ba Đồng Lộc hoặc tham quan thực tế các hạng mục, công trình bằng hệ thống xe điện có sự thuyết minh trực tiếp của hướng dẫn viên, hoặc chỉ với những nút bấm trên màn hình cảm ứng, tất cả thông tin về 10 nữ TNXP; lịch sử về khu di tích; truyền thống lực lượng TNXP; thông tin về từng công trình, hạng mục của khu di tích hay những bài hát, bài thơ… liên quan đến Ngã ba Đồng Lộc đều được hiện lên đầy đủ nhưng ngắn gọn, súc tích.

Ngoài ra, tại mỗi cụm di tích hiện nay cũng đã xây dựng, lắp đặt các bảng gắn mã QR thông tin khu di tích, thông qua đó đã xây dựng hệ thống không gian thực tế ảo, hệ thống infographic, video clip song ngữ Việt - Anh và xây dựng các điểm "check in" trong khuôn viên khu di tích; nâng cấp hệ thống sa bàn điện tử, phòng chiếu phim tư liệu...

Đặc biệt, trong những năm gần đây, khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đã xây dựng và vận hành hiệu quả các trang Facebook, TikTok, YouTube kết hợp với tổ chức các trạm cảm xúc để du khách lưu lại những cảm xúc, cảm nhận của mình. Chính những thay đổi này đã tăng sự trải nghiệm cho du khách khi đến với Ngã ba Đồng Lộc, góp phần đưa khu di tích này đến gần hơn với mọi tầng lớp nhân dân, du khách.

Thực tế tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cho thấy, sự kết hợp giữa công nghệ và lịch sử đang tạo ra những trải nghiệm xúc động, chân thực khi tiếp cận, tham quan tại khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Không gian tưởng niệm được đánh thức bằng âm thanh và hình ảnh, kết hợp trực quan sinh động những kỷ vật, hiện vật chiến tranh và những công trình di tích đã mở ra một chiều sâu mới trong cách tiếp cận lịch sử dân tộc.

Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cho biết: Để bắt nhịp được với công cuộc chuyển đổi số là cả một nỗ lực của những người giữ hồn thiêng ở Ngã ba Đồng Lộc để phát huy giá trị, ý nghĩa của di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại này. Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc là khu di tích đầu tiên trong toàn tỉnh ứng dụng chuyển đổi số với hệ thống thiết bị và giải pháp công nghệ hiện đại. Việc ứng dụng chuyển đổi số có vai trò quan trọng trong việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy di vật lịch sử.

“Hệ thống nền tảng số đã tạo được hứng thú cho du khách, giúp du khách dễ dàng tìm hiểu, tiếp cận được nhiều tư liệu từ đó hiểu hơn về lịch sử, qua đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Không những vậy, số hóa tư liệu lịch sử ở khu di tích còn lan tỏa đến du khách chưa có dịp đến tham quan thực tế thông qua các nền tảng mạng xã hội” - ông Đặng Quốc Vũ nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Ny Hương - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cho biết: Thực hiện lời căn dặn của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn trong chuyến về thăm Đồng Lộc năm 1969, rằng: “Sau chiến tranh phải làm cho Đồng Lộc xanh tươi”, đến nay Đảng bộ và nhân dân cùng tuổi trẻ Hà Tĩnh đã hiện thực hóa lời căn dặn ấy bằng việc đưa Đồng Lộc trở thành một khu di tích xanh ngút ngàn màu xanh của huyền thoại.

Ngã ba Đồng Lộc hôm nay không chỉ là biểu tượng của một giai đoạn lịch sử bi tráng mà còn là minh chứng sống động cho khát vọng hòa bình, tinh thần đoàn kết và sự trường tồn của dân tộc Việt Nam. Từ trong chiến tranh ác liệt, ngã ba huyết mạch - "tọa độ chết" ngày nào đã trở thành nơi gặp gỡ giữa quá khứ và hiện tại, trở thành một địa chỉ đỏ lưu giữ và giáo dục truyền thống cách mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025): Hồi sinh giữa ‘tọa độ lửa’