Kỳ thi chuẩn hóa

Hương Lê 08/07/2017 09:10

Bộ GDĐT đã công bố phổ điểm thi THPT quốc gia. Theo đó, trừ môn Giáo dục công dân có điểm trung bình khá cao 7,8 điểm; các môn còn lại dao động 4-5.5 điểm. Điều đáng lưu ý là kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2017, điểm 10 nở rộ. Thống kê sơ bộ cho thấy tổng số điểm 10 năm nay tăng hơn 60 lần so với kỳ thi năm 2016.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2017 được coi là có nhiều tiến bộ.

Theo đó, phổ điểm của năm 2017 cao hơn so với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2016. Bởi năm trước, thống kê cho thấy có tới trên 90% học sinh thi THPT quốc gia bị điểm dưới trung bình môn Tiếng Anh.

Khi ấy trước những băn khoăn về việc liệu có phải do đề thi tiếng Anh khó? Các giáo viên đã phân tích rằng: Học sinh Việt Nam có rào cản lớn khi học tiếng Anh là chưa có môi trường để học tập, phát huy những kiến thức trên lớp.

Ngoài ra, rất nhiều học sinh hiện nay học lệch khối để xét tuyển đại học. Tiếng Anh lại là môn thi bắt buộc dẫn đến kết quả chung thấp hơn các môn khác.

Từ kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017 vừa công bố, lãnh đạo các Sở GDĐT đều có chung nhận định, điểm thi năm nay có sự phân hóa tốt đáp ứng được tiêu chí “2 trong 1” là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH,CĐ.

Năm 2017 là năm thứ 3 Bộ GDĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Sau mỗi năm Bộ GD&ĐT đều có những điều chỉnh để hoàn thiện kỳ thi chung.

Đơn cử như những năm trước tồn tại 2 loại cụm thi ở mỗi địa phương; kỳ thi được tổ chức trong 4 ngày với 8 môn thi khá nặng nề; việc tổ chức thi 8 môn với 4 môn theo hình thức tự luận dễ khiến học sinh học tủ, học lệch…, tới kỳ thi năm 2017, kỳ thi được tổ chức trên cơ sở phát huy những mặt tích cực của kỳ thi các năm 2015, 2016 với những điều chỉnh phù hợp để quá trình thi cử gọn nhẹ hơn, nhưng vẫn đạt được mục tiêu đề ra.

Trước hiện tượng “mưa điểm 10” nên mừng hay nên lo? Đề thi đã thực sự phân hóa được thí sinh như kỳ vọng hay chưa? Phổ điểm năm 2017 sẽ tác động đến việc xét tuyển vào ĐH,CĐ cũng như phân luồng thí sinh như thế nào?...

Đó là những băn khoăn của phụ huynh học sinh. Một số chuyên gia thì lo lắng, nếu điểm 10 nhiều quá, thì sẽ khó chọn thí sinh giỏi thực sự.

Điểm thi cao, chỉ cần chênh lệch 0,25 điểm cũng ảnh hưởng đến trượt - đỗ vào ĐH,CĐ, như vậy kèm theo đó là câu chuyện may rủi.

Ông Bùi Văn Ga- Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, trước đây khi đề thi xây dựng theo phương thức cũ, các câu hỏi phân hóa cao để có thể đạt điểm tối đa rất khó và chỉ tập trung vào một nội dung của chương, phần nào đó trong chương trình.

Nhưng năm nay lần đầu tiên đề thi được xây dựng theo hướng chuẩn hóa, cùng một mức độ vận dụng cao có các câu hỏi khác nhau, ở nội dung khác nhau trong chương trình.

Vì thế cùng một độ khó, có thể thí sinh không làm được câu này, nhưng sẽ làm được câu kia. Do đó tỉ lệ thí sinh hoàn thành bài thi với mức điểm tối đa sẽ tăng lên.

Cũng theo lý giải của ông Bùi Văn Ga, với đề thi tự luận, đạt nhiều điểm 10 sẽ là điều bất thường, nhưng ở dạng đề thi trắc nghiệm theo phương thức chuẩn hóa thì điều đó không có gì là bất thường cả. Việc xét tuyển của các trường ĐH,CĐ sẽ còn căn cứ vào điểm sàn mà Bộ GDĐT công bố sau đây.

Dự kiến về điểm chuẩn vào các trường ĐH năm nay, đại diện một số trường ĐH,CĐ cho hay có khả năng điểm chuẩn sẽ cao hơn các năm trước từ 0,5 đến 2 điểm.

Như vậy, lộ trình đổi mới thi và tuyển sinh của Bộ GDĐT được đặt ra từ hơn mười năm trước, cho đến nay đã thực hiện được và đã nhận được đa số sự đồng thuận của người dân.

Cho dù vẫn còn đó những ý kiến băn khoăn về kỳ thi “2 trong 1” bởi tính chất của thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH,CĐ khác hẳn nhau, nhưng điều nhìn thấy rõ nhất là tổ chức kỳ thi “gộp” hạn chế được tốn kém về sức người, sức của; hạn chế được lộn xộn về giao thông, tắc đường ở những thành phố lớn như nhiều năm trước đó.

Theo đánh giá chung, cho đến giờ phút này đây là một kỳ thi thành công trên nhiều phương diện. Nhìn vào bảng điểm cho thấy, đề thi có sự phân hóa rõ ràng và đảm bảo mặt bằng chung cho các vùng miền.

Duy chỉ có điều đáng tiếc, tâm lý vào ĐH,CĐ vẫn thực sự là áp lực nặng nề với nhiều gia đình học sinh.

Do đó xu hướng học nghề vẫn chưa được coi là một cánh cửa khác để các em vào đời. Thực tế này đã khiến nhiều năm liền các trường nghề và trung cấp chuyên nghiệp dù được đầu tư nhiều, nhưng luôn trong tình trạng ế ẩm người học, khó tuyển sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ thi chuẩn hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO