Ở năm thứ 12 tổ chức, kỳ thi có tổng số 163 thí sinh dự thi đến từ 25 đoàn. Trong đó, thí sinh nhỏ tuổi nhất là 16 tuổi và thí sinh lớn tuổi nhất là 49 tuổi.
Với 23 đoàn dự thi trực tuyến với 30 điểm cầu tại 17 tỉnh, thành phố, kỳ thi năm nay là một bước đột phá về công tác tổ chức khi lần đầu tiên thi kỹ năng nghề quốc gia trực tuyến.
Theo ban tổ chức, để đảm bảo về đường truyền, an ninh mạng và các vấn đề số hóa khác, ban tổ chức đã quyết định ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, công nghệ số, điện toán đám mây, dữ liệu lớn (big data) đối với các nghề thi theo hình thức trực tuyến. Các thí sinh dự thi có thể làm bài tại nhiều điểm khác nhau nhưng vẫn đảm bảo được sự đồng bộ về mặt trang thiết bị, cấu hình máy tham gia…
Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng vụ Kỹ năng nghề (Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết đây là lần đầu tiên siêu máy tính được sử dụng tại một kỳ thi kỹ năng nghề với tốc độ xử lý rất cao, bộ chip đời mới nhất, dung lượng, đường truyền lớn, nhanh để thí sinh có thể làm bài với một khoảng thời gian rất lớn, thậm chí có những bài thi kéo dài tới 18 tiếng. Đặc biệt, quá trình thi, giám sát, đánh giá, chấm điểm sẽ được xử lý bởi công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn… những giải pháp này chỉ có siêu máy tính mới đảm bảo được.
Tại cuộc gặp gỡ báo chí thông tin về kỳ thi, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTBXH), Trưởng ban Tổ chức Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12 năm 2021 cho biết kỳ thi năm nay tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nên có nhiều điểm mới, cũng là bước đột phá trong quá trình chuyển đổi số của các cơ sở GDNN.
Trong đó, hai Hội đồng thi Quốc gia số 1 và số 5 đã chủ động các điều kiện kỹ thuật, con người để chuẩn bị tốt cho kỳ thi. Đặc biệt, tại Hội đồng thi Quốc gia số 5 là nơi tổ chức thi trực tiếp trong bối cảnh thích ứng, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong đại dịch đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
"Đây là Hội đồng có các đối tượng dự thi phong phú, đa dạng, tạo kỳ vọng cho sự đổi mới với sự tham gia của lực lượng lao động. Đây là điểm mới mà các kỳ thi trước - có đối tượng chỉ là học sinh, sinh viên - chưa thực hiện được", bà Việt Hương cho biết.
Một trong những điểm mới của kỳ thi năm nay đó là việc mở rộng đối tượng dự thi không chỉ là học sinh, sinh viên mà người lao động có độ tuổi từ 15 - 60 tuổi (tùy tính chất từng nghề) đang học tập, làm việc tại các Tổng công ty, tập đoàn, doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 cũng có cơ hội tham gia so tài. Kỳ thi không chỉ mang ý nghĩa tìm ra người có kỹ năng nghề tốt nhất mà quan trọng hơn là giúp lan tỏa ý nghĩa của kỳ thi đến với các doanh nghiệp, người lao động, các cơ sở đào tạo để từ đó nâng cao chất lượng đào tạo GDNN, tạo thành phong trào xây dựng một đất nước Việt Nam thịnh vượng và vững vàng vượt qua đại dịch.
Kỳ thi đợt 1 bắt đầu từ ngày 2/12 đối với 5 nghề: Công nghệ Web; Công nghiệp 4.0; Quản trị hệ thống mạng công nghệ thông tin; Thiết kế đồ họa và Phát triển ứng dụng di động diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại điểm kết nối trung tâm (Trường CĐ Công nghiệp Hà Nội) với hai Hội đồng thi Quốc gia số 1 (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long) và Hội đồng thi Quốc gia số 5 (Trường CĐ Than - Khoáng sản Việt Nam - Quảng Ninh).
Thí sinh từ các cơ sở GDNN ở nhiều tỉnh thành trên cả nước tham gia bằng hình thức trực tuyến.
Đợt thứ 2 dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 7/12 với 9 nghề thi bằng hình thức trực tuyến và 3 nghề thi trực tiếp bao gồm kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò, kỹ thuật xây dựng mỏ hầm lò, kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò.
Trước đó, theo kế hoạch ban đầu, kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia dự kiến sẽ có 35 nghề, bao gồm 29 nghề chính thức, 6 nghề trình diễn, thu hút khoảng 600 thí sinh tham gia. Ban tổ chức dự định kỳ thi sẽ chia thành 2 đợt vào tháng 10 và tháng 11-2021 nhưng do diễn biến dịch phức tạp nên phải dời sang tháng 12/2021.