Trao đổi về kỳ thi THPT Quốc gia 2017, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, sẽ đổi mới theo hướng giao cụm thi về địa phương, đa phần các môn thi bằng hình thức trắc nghiệm trên giấy, chấm trên máy. Kiến thức, kỹ năng để thi không có gì khác biệt so với năm 2016, vẫn tập trung ở chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12. Đặc biệt, hình thức thi trắc nghiệm thực hiện, sẽ hạn chế được tối đa tiêu cực, cả trong quá trình thi và chấm thi.
Ông Bùi Văn Ga.
PV:Dự thảo đổi mới thi THPT năm 2017, đa phần các môn sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm trên giấy và chấm thi trên máy, theo Bộ GD&ĐT sẽ hạn chế được tiêu cực. Cơ sở nào để Bộ khẳng định điều này?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Năm 2017, ngoài môn Ngữ văn thi tự luận, thời gian làm bài 120 phút, thi trên giấy do giáo viên chấm, 4 bài thi còn lại sẽ tổ chức theo dạng bài trắc nghiệm khách quan, thi trên giấy và chấm trên máy tính. Đề thi môn Ngoại ngữ dự kiến sẽ có 40 câu hỏi trắc nghiệm làm trong 60 phút. Các bài thi Toán (50 câu), KHTN, KHXH (60 câu), làm trong 90 phút. Trong phòng, mỗi thí sinh sẽ được cấp một mã đề thi riêng không giống nhau, về cơ bản đã hạn chế được hiện tượng quay cóp, trao đổi bài.
Các em làm bài thi trắc nghiệm trên giấy xong, sẽ đưa máy chấm hoàn toàn, không có người can thiệp. Như vậy cũng sẽ đảm bảo tính khách quan. Giống như hiện nay chúng ta đang làm 6 mã đề thi các môn Lý, Hóa, Sinh. Tất nhiên cũng có thể có vài trường hợp nào đó xảy ra nhưng không thể là tình trạng phổ biến. Có thể nói là đảm bảo tuyệt đối an toàn khi chúng ta thi trắc nghiệm, và chấm bằng máy.
Năm 2017, ngoài 3 môn thi bắt buộc thí sinh sẽ phải chọn thi thêm 1 trong 2 môn KHTN (gồm tổ hợp Lý, Hoá, Sinh) hoặc KHXH (tổ hợp Sử, Địa, Giáo dục công dân). Về 2 bài thi này, cần lưu ý gì, thưa Thứ trưởng?
- Dù là bài thi trắc nghiệm hay tự luận thì kiến thức chủ yếu vẫn ở lớp 12, nằm trong chương trình học. Nội dung môn thi được cấu trúc lại với mục đích giảm căng thẳng cho thí sinh, đồng thời rút ngắn cả kỳ thi. Những năm trước đây, kỳ thi thường kéo dài 4 ngày với 8 môn thì theo quy định mới chỉ còn 2 ngày, công tác tổ chức thi cũng nhẹ nhàng hơn.
Học sinh theo Ban Tự nhiên hoặc Ban Xã hội cũng không cần lo lắng, bởi khi xét tuyển các trường vẫn dùng tổ hợp môn thi, khối thi phù hợp. Điểm 2 bài thi này của thí sinh sẽ được tính theo từng phần. Ví dụ bài thi KHTN thí sinh đó được 29 điểm, thì trong đó Lý, Hóa, Sinh mỗi môn bao nhiêu điểm sẽ phân ra… Với kết quả đó, các trường có thể sử dụng tổng hợp, hoặc từng phần cho xét tuyển.
Phương án này chúng ta căn bản dựa trên phương án của ĐHQG HN thực hiện trong những năm qua, Bộ GD&ĐT có đánh giá độc lập nào về mức độ tin cậy, khách quan của ngân hàng đề thi, cũng như hiệu quả của phương án này?
- Phương án thi năm 2017 trước hết dựa vào kết quả đã thực hiện thành công trong năm 2016, về cách tổ chức thi. Còn đề thi, căn bản đã được áp dụng ở ĐHQG HN mấy năm nay rồi. Đã có hàng trăm nghìn thí sinh thi, đánh giá. ĐHQG HN cũng đã so sánh kết quả kỳ thi đánh giá năng lực này với kết quả phổ thông của các thí sinh. Đồng thời cũng có kết quả so sánh, những em đạt kết quả cao trong học phổ thông thì kỳ thi đánh giá năng lực cũng đạt kết quả tốt, cũng như có kết quả tốt trong kỳ thi THPT Quốc gia của Bộ.
Chúng ta có thể so sánh tương thích như vậy, để thấy đề thi đã được kiểm nghiệm trong thiết kế. Điều quan trọng là, phương thức tổ chức này cũng đã có vài năm phối hợp thực hiện. Trước đây khi giao cho ĐHQG HN làm việc này, Bộ cũng muốn nhân rộng mô hình khi nó thành công. Hiện nay có thể nói là thành công rồi, nên chúng ta áp dụng đại trà được, không có vấn đề gì.
Bộ sẽ chốt phương án tuyển sinh, cũng như công bố đề thi mẫu dự kiến vào thời gian nào?
- Khoảng đầu tháng 10, Bộ có thể công bố đề thi mẫu để cho thí sinh tham khảo còn phương án thi và tuyển sinh khi Bộ đã trao đổi rộng rãi, công bố toàn văn phương án thì sẽ sửa đổi quy chế. Khi có quy chế rồi thì mới chính thức áp dụng.
Về ngân hàng đề thi cho kỳ thi THPT Quốc gia 2017, Bộ có hướng chuẩn bị như thế nào, thưa Thứ trưởng?
- Hiện nay ĐHQG HN đã có ngân hàng đề thi khá lớn rồi, bây giờ Bộ sẽ lựa ra những đề thi phù hợp với đánh giá 2 mục đích. Bởi trước đây ĐHQG HN chỉ có mục đích đánh giá để tuyển sinh. Dựa trên những câu hỏi phù hợp đó, Bộ sẽ cho Ban đề thi tiếp tục bổ sung để có phương hướng thi tốt nhất.
Các đề thi chuẩn hóa, thường các tổ chức không cho thí sinh được cầm đề ra ngoài phòng thi sau khi thi. Nếu trên máy tính thì dễ, nhưng bây giờ in ra giấy thì làm sao kiểm soát, thu hồi lại?
- Trên nguyên tắc, đề thi trắc nghiệm sau khi thi sẽ thu hồi lại, không mang đề thi ra ngoài. Còn quy định như thế nào, trong quy chế thi ban hành sắp tới sẽ bàn về việc quy định thí sinh thi xong nộp đề thi ở đâu, quản lý như thế nào…
Thứ trưởng mới đây có nói, phương án thi trên giấy chấm trên máy chỉ là phương án tạm thời, còn thi trên máy chấm trên máy mới là bước thay đổi mà Bộ hướng tới. Vậy khi nào sẽ có thay đổi này, thưa Thứ trưởng?
- Hiện nay ĐHQG HN đang triển khai lộ trình đổi mới, 2 năm vừa rồi đã tổ chức thi trên máy nhưng với phạm vi hẹp. Còn khi chúng ta mở rộng trên phạm vi cả nước thì phải có điều kiện cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, máy tính. Những kết quả và kinh nghiệm ĐHQG HN đạt được hoàn toàn có thể triển khai đại trà khi điều kiện cơ sở vật chất có thể đáp ứng. Tôi nghĩ vài ba năm nữa chúng ta sẽ làm được.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!