Kỷ vật chiến tranh - sự gắn kết giữa thực tại và quá khứ

Trần Vân 24/07/2017 08:05

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng vừa trao tặng các kỷ vật chiến tranh của những chiến sĩ đã từng tham gia hoạt động cách mạng và làm nhiệm vụ chăm sóc, cứu chữa thương binh cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Về tập bản thảo dịch viết tay cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm, nhà báo Đặng Vương Hưng chia sẻ: Tháng 9/1971, Carl W. Greifzu cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đã có cơ duyên khi được Fredrie Whitehuzsg, lính Mỹ tại chiến trường Đức Phổ, Quảng Ngãi gửi giữ hộ cuốn sổ tay của bác sĩ Đặng thùy Trâm.

Những ký ức về cuộc chiến luôn ám ảnh, nên ông thường nhờ vợ là bà Trần Thị Kim Dung đọc cho nghe từng đoạn của cuốn nhật ký.

Càng ngày những dòng nhật ký viết chân thật về cuộc sống nơi chiến tuyến càng cuốn hút ông. Nhận ra giá trị của di vật đặc biệt của một “nữ bác sĩ Việt Cộng”, Carl W. Greifzu đã để nghị vợ dịch toàn bộ nội dung ra giấy bằng tiếng Anh với mong muốn để nhiều người đặc biệt là các cựu chiến hình Mỹ cùng được đọc, giúp họ hiểu thêm về cuộc chiến ở Việt Nam.

Nội dung bản sao cuốn nhật ký đã được trao trả cho gia đình liệt sĩ từ trước, nhưng tập bản thảo gốc dịch tiếng Anh Carl W. Greifzu vẫn giữ trong suốt hơn 30 năm.

Tháng 3/2016 nhân chuyến về thăm quê vợ tại Bắc Ninh, Carl W. Greifzu đã đến thăm hỏi gia đình và viếng mộ của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, đồng thời gặp nhà báo Đặng Vương Hưng để trao tặng tập bản thảo này sau một thời gian liên hệ trước đó.

Bởi mong ước của Carl là “Vì lợi ích của nhân dân Việt Nam, tôi mong muốn tập bản thảo sẽ được sử dụng với hiệu quả tốt nhất tại một trong các bảo tàng ở Việt Nam”.

Ngoài ra ông còn trao tặng 20 bức thư của AHLLVTND - Bác sĩ Tạ Lưu và y tá Cao Thị Nhu, một câu chuyện tình yêu đẹp mộc mạc, giản dị thời chiến.

Tháng 7/1954, kết thúc chiến dịch Trung Lào, bệnh viện dã chiến giải thể, bác sĩ quân y Tạ Lưu được điều động chuyển về tăng cường cho viện K43 ở Thanh Chương, Nghệ An trong thời gian 7 tháng.

Tại đây, dù có thành ý với y tá Cao Thị Nhu nhưng do bản tính nhút nhát nên đến khi sắp chuyển công tác ra miền Bắc, hai người mới có dịp tìm hiểu nhau. Ngay sau khi về đơn vị, bác sĩ Tạ Lưu đã viết hàng trăm lá thư gửi cho người yêu. Có những ngày ông viết tới 2 - 3 lá.

Trong thời gian yêu nhau, từ năm 1955 và cả đến khi đã kết hôn, vì hoàn cảnh chiến tranh nên hai người vẫn thường xuyên viết thư cho nhau.

Bác sĩ Tạ Lưu nhớ lại: “Nơi chiến trường ác liệt nên rất bận rộn, tôi phải tranh thủ từng giây phút rảnh rỗi để viết thư. Kiếm giấy và mực cũng khó. Nhiều khi phải viết tạm trên cả vỏ bao thuốc lá Tam Đảo, hay thuốc lá Sông Cầu...”.

Thư từ không chỉ làm sáng tỏ cuộc đời một con người, mà còn có thể chứng thực, góp phần lý giải những bí mật của lịch sử một dân tộc ở một thời điểm nào đó. Những bức thư, nhật ký là hành trình của một cá nhân nhưng đó cũng là những chặng đường của lịch sử dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỷ vật chiến tranh - sự gắn kết giữa thực tại và quá khứ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO