Kyoto cổ kính

Phan Hòa Bình (Tổng hợp) 05/10/2017 09:35

Thành phố Kyoto - cố đô của đất nước Nhật Bản. Người ta nói rằng đây chính là nơi lưu giữ hình ảnh của nước Nhật Bản, tâm hồn Nhật Bản không thay đổi theo thời gian.

Những di chỉ khảo cổ học cho thấy, tại Kyoto, 10.000 năm trước đã có nhiều người sinh sống. Cho tới năm 794, Kyoto trở thành kinh đô của đất nước Nhật Bản. Lúc bấy giờ, thành phố có tên gọi “Bình an kinh”, sau đó được đổi tên thành Kyoto (có nghĩa là kinh đô). Kyoto là thủ đô của đất nước Mặt trời mọc cho tới năm 1868 khi mà Tokyo trở thành thủ đô mới.

Kyoto là thành phố đẹp tuyệt vời. Biết bao thế hệ người Nhật Bản đã dựng xây, bồi đắp cho thành phố. Nó có sự diễm lệ khó nơi nào sánh bằng. Hầu như tất cả những công trình lớn của thành phố đều là những tuyệt tác kiến trúc. Mỗi công trình có nét khác nhau nhưng vẫn gặp gỡ ở kiến trúc Nhật Bản đặc sắc. Kyoto được bao bọc ba bề bởi các rặng núi Higashiyama, Kitayama và Nishiyama, với độ cao chỉ khoảng 1.000m so với mực nước biển. Vị trí địa lý độc đáo ấy đã cho thành phố một mùa hè rực rỡ còn mùa đông lại lạnh giá.

Trong chiến tranh thế giới thứ 2, nhiều nơi trên đất nước Nhật Bản bị tàn phá, nhưng thật kỳ diệu là Kyoto hầu như “đứng bên ngoài cuộc chiến”. 2000 ngôi đền đạo Phật và đền Thần đạo cùng các cung điện còn nguyên vẹn. Kể cả ngôi đền gỗ Kiyomizu-dera trên sườn núi dốc. Ngôi đền Kinkaku-ji dát vàng, đền Ginkaku-ji dát bạc, vườn đá Ryoan-ji... vẫn tồn tại nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Chính vì sự lộng lẫy và cổ kính hiếm có, Kyoto là một trong những thành phố đầu tiên được UNESCO cộng nhận là di sản thế giới. Không chỉ với những kiến trúc vô cùng đặc sắc, thành phố này còn nổi bật với các trường đại học, các học viện; trong đó Đại học Doshisha, Đại học Kyoto và Đại học Ritsumeikan hết sức danh giá. Riêng Đại học Kyoto là đại học hàng đầu Nhật Bản với những nhân vật từng đoạt giải Nobel.


Một góc chùa Thanh Thủy - Kiyomizu Dera.

Bên cạnh một Kyoto cổ kính thì cũng song hành một Kyoto hiện đại. Trong đó, nổi bật là hệ thống tàu điện ngầm và mạng lưới xe buýt hết sức tân kỳ. Xe buýt chạy trên tất cả các tuyến đường trong thành phố. Còn tuyến tàu điện cao tốc Tokaido Shinkansen phục vụ vận chuyển hành khách giữa Kyoto với Nagoya và Tokyo. Bên cạnh những con tàu cao tốc lao vun vút thì vẫn còn đó những người dân thong thả đạp xe đạp. Đi xe đạp đã trở thành văn hóa của cư dân đất cố đô Kyoto.

Là một thành phố văn hóa cổ kính, Kyoto có nhiều lễ hội trong năm, lễ hội nào cũng rực rỡ sắc màu. Lễ hội Aoi Matsuri được tổ chức vào ngày 15-5, đây là một trong 3 lễ hội lớn nhất Kyoto. Tiếp đó, lễ hội Gion Matsuri được coi là có quy mô lớn nhất. Nhưng độc đáo nhất là lễ hội Gozan Okuribi với những ngọn đuốc được thắp sáng trên núi để dẫn đường cho các linh hồn tìm đường về nhà (ngày 16-8).


Gion Matsuri - lễ hội lớn của Nhật Bản.

Kyoto không tham vọng đua tranh với những thành phố khác về chiều cao mà vẫn bình tĩnh cùng những kiến trúc đã trở thành cổ điển. Người ta nói rằng, muốn khám phá chiều sâu của văn hóa Nhật Bản thì phải đến đây- đến Kyoto này để “hồn cốt” Nhật Bản thấm dần vào bạn. Từ một ngôi nhà, một con đường, một lùm cây, một dòng suối và ngay cả một nụ cười của cư dân thành phố cũng phảng phất điều gì đó thật riêng.

Người Kyoto chuộng đạo Phật nên thành phố cũng có những ngôi chùa to lớn, khang trang và trầm mặc. Chùa Vàng (Kinkaku, hay còn gọi là chùa Lộc Nai, chùa Lộc Uyển), đền Ngàn cổng (Fushimi Inari) và chùa Thanh Thuỷ (Kiyomizu Dera) là những nơi thiêng liêng nhất. Với chùa Kinkaku, ngôi chùa dát vàng tráng lệ giữa thiên nhiên thơ mộng, sơn thuỷ hữu tình vô cùng thư thái. Mùa thu đến, lá trong khuôn viên nhà chùa ngả sang màu vàng đỏ đưa người ta đến một không gian hư ảo, thoát tục.


Phụ nữ Kyoto trong trang phục truyền thống.

Còn chùa Thanh Thủy (Kiyomizu Dera- Dòng nước thanh khiết) từ lâu đã được coi là một đại danh thắng của Nhật Bản. Chùa tọa lạc ở lưng chừng ngọn núi Otowa phía đông Kyoto, hòa nhập với cảnh sắc thiên nhiên vô cùng ngoạn mục. Chùa thờ Phật bà Quan âm nghìn tay. Chùa đứng trên 139 cây gỗ lớn vững chãi mà thân thiện. Đây là điểm đến di dưỡng tinh thần của người Kyoto và cũng là địa chỉ hành hương của người Nhật Bản từ khắp miền đất nước. Ngôi chùa này từng là một trong số 21 địa điểm lọt vào vòng chung kết của danh sách bình chọn 7 kỳ quan mới của thế giới năm 2007. Tới đây, cùng với hoa anh đào và lá phong, người ta còn ngỡ ngàng khi bắt gặp hình ảnh của những cô gái mặc Kimono truyền thống đi dạo một cách thư thả, như thể cuộc đời này không chút gì vướng bận.


Một đường phố cổ trung tâm Kyoto.

Cùng với chùa thì đền thờ Thần đạo ở Kyoto cũng vô cùng danh giá. Trong đó không thể không nói tới đền Yasaka- đền thờ Thần đạo Shinto, xây dựng năm 650. Đây là nơi diễn ra các lễ hội đón giao thừa, năm mới và lễ hội hoa anh đào. Nhiều đôi trai gái Nhật Bản cũng chọn nơi này để tổ chức đám cưới...

Mà thực ra, người ta tìm đến với Kyoto chính là với ước muốn sâu thẳm là được ngập trong một cảm giác bình yên, bỏ lại sự vội vã và hối hả. Bởi, cho tới nay, Kyoto ẩn sau những ngọn đồi phủ đầy cây xanh và hoa lá, ẩn dưới những ngôi nhà cổ như chậm hẳn lại mỉm cười bao dung với những ồn ã đời thường. Kyoto được coi là một viện bảo tàng lịch sử văn hóa của người Nhật khi mà có đến 14 đền đài trong lòng thành phố di sản đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Đến cố đô Kyoto, du khách còn thích thú khi ngồi du thuyền lướt trên dòng sông Katsura. Làn nước trong xanh, bầu trời trong xanh còn hai bên bờ là những ngôi nhà ẩn hiện trong những đám cây xanh rì. Có lẽ do đây là thanh phố xanh - sạch - đẹp đúng nghĩa nên Liên hợp quốc đã chọn Kyoto để tổ chức hội nghị thế giới về cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và 175 quốc gia đã ký vào Nghị định thư Kyoto nhằm góp phần cứu vãn trái đất. Đó quả là điều rất đáng tự hào đối với người Kyoto, không chỉ hôm nay mà còn rất dài lâu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kyoto cổ kính