Không điện lưới, không sóng điện thoại, không Internet…6 cán bộ kiểm lâm ở đây lấy việc bảo vệ và gìn giữ rừng làm nguồn vui. Đó là những gì mà chúng tôi ghi nhận tại Trạm Kiểm lâm số 1, một trong hàng chục trạm kiểm lâm ở khu rừng này.
Rừng xanh là nhà
Nằm cách cửa rừng gần 20km, Trạm kiểm lâm số 1 còn mang một tên gọi khác của người dân bản địa: Trạm Đăn. Trạm nằm nép mình giữa khoảng xanh bao la của núi rừng với bốn mùa chìm trong mây bạc.
Đón chúng tôi bằng cái bắt tay chặt, Trạm trưởng Đỗ Tiến Dũng cho biết, anh em đi tuyến hết rồi, còn mỗi mình với kiểm lâm viên Đỗ Đình Hiền ở nhà thôi. Cả trạm có 6 cán bộ kiểm lâm, quản lý gần 6.000ha rừng. “Không điện lưới, không sóng điện thoại, không Internet đâu các chú ạ. Anh em sống ở đây cũng thành quen rồi, rừng cũng là nhà mà” – anh Dũng nói.
Sinh năm 1969, anh Dũng đã có 30 năm gắn bó với rừng, trong đó 23 năm làm trạm trưởng. Kể về những lần đối mặt với hiểm nguy, anh Dũng cho biết, quá trình đi tuần tra chỉ sơ sẩy chút là bị ngã, có người sau một buổi tuần tra về, cả người đầy vết xây xước. Anh em chiến sỹ trẻ chưa có kinh nghiệm thì bị thường xuyên. Nhưng nguy hiểm hơn là đối mặt với lâm tặc. Bon chúng rất manh động, sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng. “Mình đã 2 lần suýt bỏ mạng khi bị lâm tặc chống trả” – anh Dũng nói.
Nghe vị trạm trưởng điểm lại những khó khăn của nghề, chúng tôi hỏi: Vất vả và hiểm nguy như thế, có khi nào các anh nghĩ sẽ bỏ nghề?. “Không các chú ạ” – Đó là câu trả lời ngắn gọn và chắc như núi đá, cây rừng của vị trạm trưởng Trạm Đăn. Nhấp ngụm trà, anh tiếp: “Khó khăn và thiệt thòi nhất phải là những người vợ ở nhà. Họ chính là hậu phương vững chắc của chúng tôi. Vừa lo việc nước, vừa gánh vác việc nhà, nội, ngoại đều đảm đương hết, trong khi chồng cứ đi biền biệt, nghĩ thấy mà thương...”, anh Dũng chia sẻ.
Ít thâm niên hơn anh Dũng, kiểm lâm viên Đỗ Đình Hiền đã có 10 năm gắn bó với Vườn Quốc gia này, thứ thân thiện duy nhất anh mang theo bên mình là chiếc đài radio. “Nhiều khi buồn, nhớ nhà chỉ biết bật đài lên nghe. Chẳng quan trọng là chương trình gì, chỉ cần nghe thấy tiếng người trò chuyện là bớt cô quạnh rồi.” – anh Hiền chia sẻ.
Để khắc phục những khó khăn, anh em trong trạm chỉ cắt cử nhau tranh thủ về nhà. “Ai về sẽ có nhiệm vụ đi chợ, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho cả trạm. Thường sẽ mua cho cả tuần thậm chí vài tuần” – anh Dũng nói. Không có điện, không có tủ lạnh, các anh sáng tạo ra cách bỏ thịt vào các túi nilon rồi đem ngâm dưới suối. Ở đây, suối là tủ lạnh, là điều hòa và cũng kiêm máy phát nhạc cho cán bộ kiểm lâm.
Trên đường tuần tra
Khi sương đêm còn chưa kịp cất mình khỏi nền rừng ẩm ướt, tiếng hú gọi bầy của các loài linh trưởng đã dội vào vách đá, vang vọng cả rừng già. Thanh âm khi thánh thót, lúc xa xăm diệu vợi ấy như tiếng của đại ngàn thúc giục chúng tôi lên đường đi “tuyến”.
Theo giới thiệu của Trạm trưởng Đỗ Tiến Dũng, cuộc đi “tuyến” tuần tra ngày hôm nay dài khoảng 10km đường rừng và hành trình sẽ kéo dài tới khi nắng tắt. Chúng tôi hăm hở lên đường.
Ánh bình minh rực rỡ thỉnh thoảng lách mình qua tán lá, hòa vào bản nhạc của hàng vạn tiếng chim và muông thú. Chân chúng tôi đạp lên những phiến đá tai mèo sắc nhọn. Thật ngạc nhiên, tách từ những phiến đá tai mèo ấy là cả một quần thể cây khổng lồ như Mun, Huyết Giác, Hồi Núi, Trai….cổ thụ, cao vút đến vài chục mét. Có những bộ rễ ôm ghì, xuyên thủng cả khối đá lớn. “Những cây cổ thụ này đang chẻ đá, gặm đá để mà sống, để mà cải tạo môi trường đấy các chú ạ” – anh Dũng hài hước nói.
Chỉ tay vào một cây dây leo có đường kính khổng lồ, anh Dũng giới thiệu, “đây là cây Ban Bàm, có tên khoa học là Entada Tonkinensis, đường kính gốc là 0,5m. Ban Bàm là loại dây leo nên chúng chạy lan kéo dài hàng cây số, có những chỗ như một chiếc võng trời”.
Rồi cây Đa bóp cổ sống rất quái dị. Chúng sinh trưởng nhờ vào thân loài cây gỗ khác. Khi rễ bám xuống đất cũng là thời điểm rễ phát triển rất nhanh, tạo thành một mạng lưới xiết chặt lấy thân cây chủ đến chết. Và chúng bám vào thân cây chủ ấy để tồn tại. Cũng bởi thế mà chúng có tên gọi: Đa bóp cổ.
Hướng ánh mắt lên một tán lá rậm rạp đang rung rinh, tôi bất chợt bắt gặp một chú nhện to bằng nắm tay đang buông mình trên tấm lưới. Gần đó là chú bọ dừa lặng im trên một thân cây gỗ. Rồi những chú châu chấu với sắc màu lạ lẫm tung mình bật đi khi phát hiện có người.
Cả đoàn bỗng nín lặng khi anh Dũng ra dấu, theo phía tay anh chỉ, lần đầu tiên trong đời tôi được mục sở thị một chú trăn đất đang trườn mình qua những những lớp lá mục ẩm ướt. Đến khi chú trăn đã khuất dạng trong đám cỏ cây, anh Dũng mới giải thích: “Đó là con trăn đất, chúng khá hiền lành, chỉ hung giữ khi bị tấn công mà thôi”.
Theo giải thích của kiểm lâm viên Vũ Đức Tuấn, cán bộ Phòng Khoa học – hợp tác quốc tế, trong quá trình biến đổi, rừng Cúc Phương xưa đã tạo ra một hệ sông, suối ngầm trong lòng núi đá.
“Như chúng ta đang đi đây là đi trên nắp đậy của những dòng sông, những hang động. Mỗi khi mưa, nước dồn vào các miệng phễu, chảy đến các sông suối ngầm chằng chịt trong lòng núi. Hệ thống đó như cái túi đựng nước, phân phối dần ra các hồ, suối lộ thiên, quanh năm nước róc rách chảy như một bản nhạc rừng” – anh Tuấn kể.
Khi chúng tôi đến đất Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình cũng là lúc chạm mốc địa giới của khu rừng nguyên sinh. Trong ráng chiều chảng vảng, tiếng hú gọi bầy của các loài linh trưởng hòa lẫn tiếng lảnh lót của những chú chim báo hiệu một ngày sắp hết. Những thanh âm khi thánh thót, lúc xa xăm diệu vợi dội vào vách đá náo động cả rừng già.
Cúc Phương là cánh rừng nguyên sinh có lịch sử hàng triệu năm nên mang trong lòng một hệ giá trị tiềm ẩn và kỳ thú. Nhiều du khách trong nước và quốc tế đây đã phải thốt lên rằng, Cúc Phương rộng lớn và bí ẩn như “Mê cung kì thú”. Đặc biệt, với hệ sinh thái đa dạng và phong phú, ngay sau khi được thành lập, Ban quản lý Vườn quốc gia Cúc Phương luôn thực hiện đồng bộ cả 3 trụ cột: Bảo vệ rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học; nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế về bảo tồn; giáo dục môi trường gắn với khai thác du lịch sinh thái.