Tiếng dân

Lai Châu: Người dân phản ánh trang trại lợn gây ô nhiễm môi trường

Đông A 29/05/2024 15:04

Trang trại chăn nuôi lợn của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển nông nghiệp Lai Châu (xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) bị phản ánh phát mùi hôi thối, xả thải xuống suối, ảnh hưởng tới môi trường và sức khoẻ người dân…

Một số người dân sinh sống ở bản Cang A và bản Mít Dạo (nay là bản Liên Hợp, xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) phản ánh, thời gian qua, họ luôn phải sống trong cảnh ngột ngạt bởi mùi hôi thối bốc lên từ trang trại nuôi lợn của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển nông nghiệp Lai Châu (Công ty).

Người dân sinh sống gần trang trại nuôi lợn cho biết, từ lúc trang trại chính thức đi vào hoạt động chăn nuôi thì mùi hôi thối nồng nặc của phân lợn phát tán rất khó chịu, gây ô nhiễm môi trường...

Ông Lý Văn Lai, bản Liên Hợp cho biết: “Trước đây tôi có 2 ao nuôi cá ở gần trang trại nuôi lợn này. Tuy nhiên, bể chứa phân của trại nuôi lợn bị vỡ, nước thải chảy xuống lấp hết ao nên tôi không thể hồi phục và cải tạo được. Sau đó, Công ty đã đề nghị mua lại 2 ao cá của gia đình tôi. Tôi bán 1 ao với giá 70 triệu đồng, ao còn lại tôi bán hơn 100 triệu đồng cho phía Công ty.

Trong thời gian tôi nuôi cá và trồng trọt ở đây, mùi hôi thối của phân lợn bốc lên nồng nặc, có lúc thấy rất buồn nôn. Sáng ngày 15/5/2024, ao chứa nước thải phân lợn bị vỡ, chảy xuống suối, sau đó chảy vào ruộng của người dân trong bản, gây mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường”.

img_20240524_074921.jpg
Các vấn đề về việc sử dụng đất, quy mô xây dựng, đảm bảo môi trường,... của trang trại đang được người dân đề nghị chấn chỉnh, làm rõ.

Theo ông Lai, trước đây ông định xây nhà cho con trai ở gần trang trại nuôi lợn để tiện đường đi lại, nhưng vì mùi hôi thối của phân lợn cùng việc Công ty thường xả thải phân xuống ao chứa, rồi xả trực tiếp ra suối gây ô nhiễm môi trường, nên ông đã thay đổi quyết định, không xây nhà cho con tại đây.

Người dân trong bản đã kiến nghị với UBND xã Pắc Ta nhiều lần về trang trại nuôi lợn này nhưng chưa có giải pháp giải quyết cải thiện, triệt để vấn đề.

img_20240524_075017.jpg
img_20240524_075025.jpg
Phần diện tích ao chứa chất thải được phản ánh là Công ty mua thêm của người dân, chứa và xả tràn ra suối.

Được biết, Quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án trang trại được cấp lần đầu ngày 29/9/2017 và đã được cấp điều chỉnh lần thứ nhất ngày 25/6/2021.

Công ty được cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để thực hiện dự án trang trại chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp sạch gắn với trồng rừng bảo vệ môi trường tại xã Pắc Ta.

Diện tích đất Công ty được cho thuê tại quyết định năm 2023 (lớn hơn hơn chục lần so với quy mô tại quyết định năm 2018 với hình thức trả tiền 1 lần) là: 544.254,2 m2, trong đó đất nông nghiệp khác: Xây dựng chuồng trại và các hạng mục phụ trợ là 324.188,3 m2 và đất rừng sản xuất (trồng rừng làm vùng đệm là 220.065,9 m2. Thời hạn sử dụng đất đến 28/10/2071, hình thức thuê đất là trả tiền hàng năm.

Ông Lò Văn Hiêng, bản Mít Thái, xã Pắc Ta cho biết: “Tôi ở đây hơn 30 năm rồi, khi trang trại nuôi lợn này chưa xây dựng, lúc đó không khí ở đây trong lành lắm. Từ lúc Công ty bắt đầu chăn nuôi lợn thì xuất hiện mùi hôi thối kinh khủng, ban đêm không tài nào ngủ được. Nước thải phân lợn của Công ty xả thẳng xuống 2 ao chứa ở gần suối. Mỗi ao này, được phía Công ty lắp ống nhựa ở thành ao để khi nước đầy sẽ chảy theo đường ống ra suối. Tôi thấy rất ô nhiễm môi trường”.

Theo ông Mai Văn Thạch, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lai Châu, Đoàn kiểm tra của Sở đã từng có cuộc kiểm tra theo Quyết định của UBND tỉnh vào hồi tháng 2 năm 2023.

Nội dung trong biển bản kiểm tra thể hiện một số hạng mục của trang trại là phù hợp. Tuy nhiên, còn nhiều hạng mục cơ bản được thể hiện là có sự thay đổi như: Tăng số chuồng nuôi và diện tích chuồng nuôi, có 3 ao sinh học nằm ngoài diện tích đất của dự án, nhà để phân chưa phù hợp, công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chưa có hợp đồng thu gom vận chuyển,…
Cùng với đó, đoàn kiểm tra cũng kết luận rõ: Hệ thống xử lý nước thải cần tách riêng giữa nước mưa chảy tràn và nước thải chăn nuôi. Toàn bộ nước thải phát sinh, trong quá trình hoạt động của Công ty cần phải thu gom vào hệ thống trước khi xả ra môi trường.

Đoàn kiểm tra cũng đã đề nghị chủ dự án xây dựng, bổ sung các hạng mục công trình còn thiếu theo nội dung báo cáo ĐTM đã được phê duyệt và các nội dung đã phát hiện theo kết quả kiểm tra. Đặc biệt, Đoàn kiểm tra đã đề nghị chủ đầu tư thực hiện đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi trang trại quy mô lớn theo quy định của Luật chăn nuôi.

Tiếp đó, Sở TN&MT tỉnh Lai Châu cũng đã có văn bản gửi chủ đầu tư, đề nghị chỉnh sửa, bổ sung, giải trình theo nội dung của Biên bản kiểm tra; báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường đối với trang trại.

Thông tin về vấn đề được phản ánh, qua điện thoại, ông Lý Văn Tiên, Phó Chủ tịch UBND xã Pắc Ta cho biết: Những phản ánh của hàng chục hộ dân về vấn đề đối với trại lợn này, chính quyền địa phương đang đôn đốc Công ty phối hợp xử lý. Ống bị rò rỉ, phía trang trại đang xử lý lại các ao, bể sinh học. Đến nay, xã chưa có ghi nhận những tồn tại hay xử phạt đối với trại lợn này.

Việc mua thêm phần diện tích đất, ao phía ngoài của người dân để làm bể chứa phân của trang trại và được thực hiện đối với dự án ra sao, Chủ tịch xã cho biết chưa nắm được vì mới phụ trách. Mới đây, phía Công ty đã đưa thiết bị đến để thực hiện cải tạo đối với các ao chứa này.

Ngày 28/5/2024, đại diện phía Sở TN&MT tỉnh Lai Châu cập nhật thông tin và cho biết, phía chủ đầu tư mới được UBND tỉnh Chấp thuận chủ trương đầu tư lần thứ 2 tại Quyết định số 726 (đề ngày 23/5/2024). Ngoài 3 cái ao chứa phía ngoài ra, họ đã có quyết định thuê đất. Đối với mấy ao sinh học này, họ mới được tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư, sau đó sẽ tiếp tục thủ tục thuê đất. Hiện họ chưa đủ hệ thống ao sinh học nên chưa được cấp phép môi trường nhưng vì cơ sở này hoạt động từ trước năm 2022, trước khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực nên họ có quyền lựa chọn thời điểm cấp giấy phép môi trường (trong thời hạn 36 tháng từ ngày luật có hiệu lực).

Trao đổi qua điện thoại với PV, trước những vấn đề được đề cập đến, ông Nguyễn Tiến Lợi, Tổng Giám đốc Công ty xác nhận đang cho cải tạo các ao chứa phân phía ngoài, việc mua lại phần đất đó của người dân trước kia là thuộc về cá nhân. Ông Lợi cho biết sẽ có buổi làm việc trực tiếp để cung cấp thông tin, hồ sơ, hoạt động của dự án một cách đầy đủ, cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lai Châu: Người dân phản ánh trang trại lợn gây ô nhiễm môi trường