Ngày 6/10, nhà đấu giá Sotheby’s (Hong Kong) đưa ra đấu giá hai bức tranh của họa sư Nam Sơn Nguyễn Vạn Thọ (1890 - 1973). Đó là bức tranh sơn dầu “Nhà sư” và tranh pastel “Khỏa thân”.
Ông An Kiều, con trai thứ họa sư Nam Sơn cho biết: Khi tiếng gõ búa vang lên, bức tranh sơn dầu “Nhà sư” được chốt với giá 478.000 HKD, còn bức pastel “Khỏa thân” được chốt với giá 220.000 HKD.
Với tác phẩm tranh sơn dầu “Nhà sư”, ông An Kiều cho biết nguyên mẫu nhà sư trong tranh là cụ Tuệ. Trước đó, cụ Tuệ đã được họa sư Nam Sơn vẽ tranh sanguine (chì son) đang ngồi gõ mõ. Tranh đã được in màu đen – trắng trên tạp chí ORIENT OCCIDENT của Pháp.
Tổng biên tập tạp chí là GS.TS Gérard Tongas. Tạp chí in tại Paris, ra số tháng 11/1952, với bài viết về Mỹ thuật Việt Nam của nhà nghiên cứu Pháp A.N.Beun, nói về sự ra đời của Trường Mỹ thuật Đông Dương (Ngôi trường Mỹ thuật đầu tiên của Đông Nam Á) và sự đổi mới nền mỹ thuật Việt Nam. Trong đó có vai trò của 2 người đồng sáng lập ra trường là họa sư Pháp Victor Tardieu (1870-1937) và họa sĩ Nam Sơn Nguyễn Vạn Thọ.
Với tác phẩm “Khỏa thân”, đây là lần thứ hai Sotheby’s (Hong Kong) đưa ra trước công chúng một tác phẩm khác cùng tiêu đề của họa sư Nam Sơn. Hai tư thế khỏa thân khác nhau. Và tất nhiên hai người mẫu cũng khác nhau.
Ông An Kiều cho biết: Nếu như ở tác phẩm “Khỏa thân” trước là người mẫu là cô Dung, thì ở tác phẩm này là cô Hương. Cô Hương là một nghệ nhân ả đào trẻ đẹp, giỏi ngâm vịnh văn thơ ở phố Khâm Thiên. Ông An Kiều nói: Thời đó, nghề người mẫu cho họa sĩ vẽ chưa có, việc giữ gìn hình thể trước người khác theo quan niệm Nho gia cũng rất khe khắt.
Ông An Kiều cho biết: Công chúng còn chưa được thưởng thức bức tranh “Sự cám dỗ Đức Phật” với tiều đề tiếng Pháp là “La Tentation du Boudda”.
Trong tranh vẽ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi thiền định dưới tán cây Bồ Đề, xung quanh là các Nữ Ma vương khỏa thân nhảy múa mong cám dỗ Đức Phật…
Đáng tiếc là ở Việt Nam rất ít người biết tác phẩm sơn dầu lịch sử này, nhưng các nhà nghiên cứu văn hóa người Pháp biết khá rõ…
Về cách vẽ tranh khỏa thân, ông An Kiều cho biết: Khi nhà thơ Thế Lữ học vẽ ở Trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1929 có được thầy Nam Sơn chỉ dạy…