Chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024, nhiều địa phương đang gặp khó khăn trong việc khắc phục tình trạng thiếu giáo viên (GV), nhất là ở những môn học mới.
Vào mùa tuyển dụng
Đây là năm thứ tư ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, song tình trạng thiếu GV vẫn xảy ra khá phổ biến. Tại Hà Nội, hàng loạt trường công lập đăng thông báo tuyển dụng GV những môn còn thiếu. Thông tin từ Trường THCS Đại Kim (quận Hoàng Mai) đang tuyển GV hợp đồng cho năm học mới 2023-2024 các môn Sinh học, Địa lí, Giáo dục công dân. Mức lương thưởng công khai là 4.680.000 theo quy định (vùng I). Ngoài ra được tạo điều kiện trông bán trú thêm với thu nhập 4 triệu/tháng. Yêu cầu tốt nghiệp Đại học Sư phạm trở lên hoặc có bằng đại học chuyên ngành và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Tương tự, nhiều trường ngoài công lập cũng thông báo tuyển dụng GV ở nhiều môn học để đảm bảo chất lượng dạy và học trong năm học mới. Đơn cử, Trường THCS & THPT Lê Quý Đôn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) thông báo tuyển dụng 10 GV ở 2 cấp học, gồm GV Tiếng Anh, Toán, Ngữ văn, Tâm lý giáo dục, Giáo dục Kinh tế và pháp luật.
Năm học này, Sở GDĐT Hà Nội dự kiến tuyển dụng 608 chỉ tiêu viên chức, trong đó có 536 chỉ tiêu viên chức GV và 72 viên chức nhân viên. Đến đầu tháng 7, có 45 thí sinh đủ điều kiện tuyển dụng diện thu hút theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
Tại TPHCM vừa kết thúc nhận hồ sơ tuyển dụng đợt 1 năm học 2023 - 2024 cho chỉ tiêu 309 viên chức, trong đó 256 giáo viên các môn. Dẫu vậy, con số này cũng chưa thấm vào đâu so với thực tế thiếu hàng nghìn GV theo thống kê của các quận huyện. Như tại quận 1 đang thiếu hơn 200 GV. Trong đó, bậc mầm non là 77 GV; tiểu học cần 93 GV; THCS cần 40 GV. Quận Tân Phú cần thêm 195 GV, các môn học có nhu cầu tuyển dụng cao, gồm: Lịch sử, Địa lí, Khoa học tự nhiên, Mỹ thuật, Công nghệ, Tin học (bậc THCS) và tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật, tổng phụ trách đội (bậc tiểu học).
Còn tại Bình Dương, theo quy chuẩn về tỷ lệ GV và học sinh, năm học 2023 - 2024, tỉnh này thiếu 3.241 GV (trong đó thiếu 528 GV mầm non, 1.012 GV tiểu học, 1.550 GV THCS, 151 GV THPT).
Gian nan tìm giải pháp
Tại Hà Nội, số học sinh trong độ tuổi tuyển sinh vào các lớp đầu cấp tăng gần 51.000 em, trong đó tăng mạnh nhất là ở lớp 6 với khoảng 38.800 em, lớp 1 tăng khoảng 11.600 em so với năm học 2022-2023. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến khiến Hà Nội và các địa phương luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu GV.
Đặc biệt, khi chương trình GDPT 2018 triển khai sang năm thứ 4, nhiều môn học mới được đưa vào ở các cấp học dẫn đến tình trạng thiếu GV đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Thậm chí, nguồn tuyển GV của những môn học mới này cũng “khan hiếm”, số lượng sinh viên mới tốt nghiệp ra trường “như muối bỏ biển” so với nhu cầu giảng dạy thực tế ở các trường phổ thông.
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM, giải pháp đặt ra là “đặt hàng” các trường sư phạm tăng chỉ tiêu đào tạo GV. Đồng thời huy động GV Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THCS hoặc tiểu học có trình độ đại học trở lên, năng lực phù hợp để bố trí dạy học ở cấp THPT. Nếu vẫn xảy ra tình trạng thiếu GV, Sở GDĐT sẽ phối hợp Sở Nội vụ xin ý kiến UBND TPHCM xem xét yêu cầu về trình độ đào tạo đối với các trường hợp có bằng cử nhân chuyên ngành Âm nhạc, Mỹ thuật nhưng không thuộc chuyên ngành đào tạo GV để mở rộng nguồn tuyển.
Với gần 9.000 GV còn thiếu, tại kỳ họp ngày 6/7, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết về việc giao chỉ tiêu lao động hợp đồng đối với đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế năm 2023 theo Nghị định số 111 của Chính phủ.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng GDĐT quận Hà Đông (Hà Nội) cho hay, trong thời điểm này, cùng với việc tổ chức tuyển dụng biên chế theo lộ trình, quận cũng lên kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng cho GV đi học nâng cao trình độ đào tạo, bảo đảm 100% GV có trình độ đào tạo đạt chuẩn theo quy định.
Về phía Bộ GDĐT, một trong những giải pháp được đưa ra nhằm khắc phục tình trạng thiếu GV là tăng cường phối hợp với các cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng GV thông qua các hình thức như: đào tạo GV dạy các môn học mới; đào tạo văn bằng 2; đào tạo liên thông; đào tạo theo địa chỉ...
Bài toán về chế độ, chính sách để thu hút và giữ chân GV cũng đang được quan tâm triển khai với Nghị định 116/2020/NĐ- CP về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Đặc biêt, từ 1/7, cùng với việc lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng, GV hưởng thêm phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi. Riêng mức phụ cấp ưu đãi nghề tăng thêm cho GV bậc mầm non 10% và tiểu học 5% như thống nhất của Bộ GDĐT và Bộ Nội vụ vẫn đang chờ Bộ Tài chính cho ý kiến.