Những ngày qua, câu chuyện gần trăm công nhân vệ sinh môi trường của Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân (nay là Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội), bị nợ lương năm 2020 chưa được thanh toán khiến nhiều gia đình công nhân rơi vào hoàn cảnh khó khăn, khiến dư luận hết sức băn khoăn.
Giữa mùa hè nóng nực, giữa lúc dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, căng thẳng, những công nhân vệ sinh môi trường vẫn phải phơi mình ngoài đường phố, đi từng ngõ, từng nhà để thu gom rác thải, giữ cho môi trường trong sạch, tránh dịch bệnh phát sinh. Trong điều kiện lao động vất vả, độc hại, dễ nhiễm bệnh dịch, nhưng oái oăm thay, họ làm mà chưa được trả lương.
Chuyện do ảnh hưởng của dịch bệnh, không ít doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh bị giải thể, khó khăn dẫn đến nợ lương cũng có nhiều. Thế nhưng, với các công ty môi trường, các công nhân môi trường, việc họ bị nợ lương là điều không thể chấp nhận được. Người dân được sống trong môi sinh trong lành hàng ngày phải cảm ơn những người làm công tác vệ sinh môi trường và sẵn sàng trả phí theo quy định, không để họ không có lương.
Trách nhiệm rõ ràng là cơ quan, đơn vị, như trong trường hợp trên là Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân- Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội. Dù cho có những vấn đề liên quan như đấu thầu công việc, chuyển đổi sở hữu công ty, nhưng về trách nhiệm với người lao động luôn phải thực hiện đúng theo pháp luật.
Điều 96 Bộ luật Lao động 2012, quy định: “Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 1 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương”.
Với việc công ty nói trên nợ lương công nhân đã hơn nửa năm, quá thời gian quy định, không chỉ ảnh hưởng lớn đến đời sống người lao động và gia đình của họ, mà còn vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp can thiệp, xử lý nghiêm, theo đúng pháp luật, không để người lao động phải chịu thiệt thòi.