Đề xuất cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” do GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM) nêu tại Hội thảo giáo dục 2021 do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức mới đây đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Không ít ý kiến bày tỏ sự không đồng tình với đề xuất này, nhưng có ý kiến cho rằng, chữ lễ ngày nay phải là lễ của sự kính trên nhường dưới. Lễ của những người dám nghĩ, dám làm, dám bỏ những cái cũ, tiếp cận những cái mới, dám mang tư duy sáng vào để làm cho chữ lễ sáng hơn.
Khai mở tư duy sáng tạo?
Giải thích lý do đưa ra đề xuất bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, GS Trần Ngọc Thêm cho rằng, khẩu hiệu trên là sản phẩm của nền giáo dục Nho giáo, phục vụ cho mục tiêu đào tạo người thừa hành, coi việc đòi hỏi người dưới phải phục tùng và giữ lễ với người trên là yêu cầu số 1.
“Một nguồn nhân lực như vậy giỏi chỉ có thể giữ cho xã hội ổn định, chứ không thể giúp xã hội phát triển. Muốn xây dựng một xã hội phát triển thì phải có những con người sáng tạo. Để sáng tạo, phải chủ động và có tư duy phản biện. “Tiên học lễ” rồi thì con người sẽ trở nên thụ động, sẽ không còn tư duy phản biện nữa. “Tiên học lễ” đòi hỏi quan hệ một chiều, người dưới tôn trọng người trên. Còn sức sáng tạo và sự phản biện tồn tại trong quan hệ hai chiều, người dưới và người trên cần có sự tôn trọng lẫn nhau”, ông Thêm phân tích.
Theo GS Thêm, chừng nào còn đề cao chữ “lễ” thì người học còn bị trói buộc trong quan hệ kính trọng một chiều. Chấm dứt sử dụng khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” sẽ là điều kiện cần để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo. Bởi khẩu hiệu đó mang nặng tính phục tùng, không phù hợp với giáo dục Việt Nam hiện nay.
Làm rõ việc học lễ
Đề xuất của GS Trần Ngọc Thêm đang thu hút sự quan tâm của dư luận với những ý kiến khác nhau. Không chỉ có giới sư phạm, các nhà văn hóa… mà ngay cả người dân cũng bày tỏ về khẩu hiệu được cho là đã “ăn sâu, bền rễ” trong nhận thức của người Việt. Anh Nguyễn Văn Lợi (quận Đống Đa, Hà Nội) băn khoăn: Có lẽ cần làm rõ học lễ là học cái gì trong hoàn cảnh hiện tại rồi hãy nói chuyện bỏ nó hay không.
Theo anh Lợi, một cách chung nhất, học lễ là học làm một con người biết tôn trọng người khác và có luôn có tinh thần học hỏi từ người khác. Nếu vậy thì sao lại bỏ học lễ? Bởi không phải ngẫu nhiên trải qua bao nhiêu thế hệ mà câu nói “Tiên học lễ, hậu học văn” vẫn còn được lưu truyền lại cho đến ngày nay. Điều đó khẳng định sức sống lâu bền và bài học đúng đắn, quý báu mà ông cha ta gửi gắm.
Nhiều ý kiến cho rằng, lễ trong chữ lễ nghĩa. Hiểu đơn giản là việc học đầu tiên là học đạo đức làm người rồi mới học kiến thức. Câu “Tiên học lễ, hậu học văn” không phải là câu khẩu hiệu chỉ treo ở các trường học, mà đó là triết lý giáo dục của cả dân tộc. Cũng như việc dạy và học không chỉ diễn ra ở trường học mà nó phải được diễn ra mọi lúc, mọi nơi có như vậy mới đào tạo ra được những bậc “hiền, tài” để phụng sự quốc gia.
Cũng cần lưu ý tại sao lại là “hiền” rồi mới đến “tài” mà không phải là ngược lại. Xã hội thay đổi thì cũng cần có những thay đổi về giáo dục, văn hóa cho phù hợp nhưng những gì là cốt lõi, phẩm chất của một dân tộc thì không thể thay đổi trong khi đó lại là mục tiêu hướng tới của cả nhân loại đó là sống phải có đạo đức.
Ông Lê Xuân Mai, nguyên giảng viên Trường Bồi dưỡng cán bộ Quản lý giáo dục tỉnh Phú Thọ cho rằng: Nhiều người hiểu sai khẩu hiệu đó, bởi bản chất của “Tiên học lễ, hậu học văn” là muốn cho học sinh học khoa học, văn chương cùng với việc giữ lại lễ nghĩa, giữ lại nền nếp văn hóa ngàn xưa của người Việt đến giờ. Hiểu một cách nôm na học chữ với học lễ phép là hai phạm trù khác nhau thì chưa đúng.
Hiểu đúng như người xưa là học chữ là cùng với học lễ. Học chữ để hiểu được, giữ được, biết được cung cách ứng xử của con người, với xã hội, đối với những người xung quanh. Ví dụ như trên kính dưới nhường, hiếu lễ trong gia đình, công cha nghĩa mẹ, tình yêu làng xóm cộng đồng… Vậy nên “Tiên học lễ, hậu học văn” tồn tại đến giờ là vì những điều đó.
Nội hàm của “Tiên học lễ, hậu học văn” ngày xưa hơi mang tính phong kiến, học sinh trước thầy cô giáo phải khúm núm, e dè, sợ sệt quá mức. Còn nội hàm bây giờ mở ra ở chỗ cần phải phát huy tính năng động của học sinh, tính chủ động của học sinh hiện nay, nên ta cần phải phát triển chữ lễ sao cho phù hợp với cuộc sống hôm nay.
“Theo tôi nên giữ lại chứ không nên bỏ, nhưng có điều phải hiểu sao cho đúng để thầy trò dạy bảo lẫn nhau về ý nghĩa câu nói đó. Nhìn rộng ra phụ huynh cũng phải hiểu được ý nghĩa của câu “Tiên học lễ, hậu học văn” như một truyền thống tốt đẹp. Dù sao chăng nữa khẩu hiệu vẫn mang sắc thái của văn hóa Việt, mình không nên bỏ, bỏ là hỏng”, ông Lê Xuân Mai nói.
Tôn trọng truyền thống nhưng phải phát huy được sáng tạo
GS.TSKH Tô Ngọc Thanh bày tỏ: Theo tôi câu “Tiên học lễ, hậu học văn” có ý nghĩa con người ta phải biết lễ phép, phải biết ứng xử, để con người ra cuộc sống có thể sống hòa mình với người người, sống vì mọi người. Nói cách khác “Tiên học lễ” là để giáo dục học sinh trở thành con người có văn hóa
Còn PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT nhìn nhận, mỗi một con người, “đức” là gốc cơ bản. Ở đây có thể hiểu “lễ” tức là đức hạnh. Trong cuộc sống hay ở gia đình, cơ quan, nhà trường…, “đức” rất quan trọng.
“Nhiều người cho rằng, “lễ” là bề trên nói dưới răm rắp nghe theo nhưng hiểu đơn thuần như vậy thì chưa đúng. Nội hàm của từ này thể hiện đức hạnh của con người, không nên quy về nghi thức lễ giáo, phong kiến. Dù thời nào đức vẫn là cốt lõi, là quan trọng nhất. Bởi vậy, câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” hoàn toàn đúng, nên không nhất thiết phải bỏ. Đổi mới giáo dục ở phương pháp chứ không phải khẩu hiệu”, ông Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.
Từ góc nhìn của mình, ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp (Hà Nội) cho rằng, khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” đã hoàn thành sứ mệnh trong giai đoạn phát triển của đất nước, của ngành giáo dục. Và giờ, cần cân nhắc kỹ khi sử dụng trong các nhà trường: Thứ nhất, ngôn từ của khẩu hiệu hay triết lý cần hiện đại, đơn giản và bớt Nho giáo hơn để học sinh dễ dàng hiểu được. Để phân tích kỹ khẩu hiệu trên cần có nền tảng kiến thức Nho giáo ở mức khá cao mới có thể truyền đạt đến cho học sinh hiểu được.
Bên cạnh đó, thế giới vận động từng ngày, các triết lý giáo dục, các khẩu hiệu cũng phải thay đổi nhằm giúp giáo viên không bị gò bó trong tư duy giáo dục cũ và hướng tới phương pháp giảng dạy hiện đại hơn, nhờ đó học sinh được rèn thêm tư duy phản biện và khi không bị gò bó quá trong khuôn phép, học sinh mới sáng tạo được.
PGS.TS Trần Minh Chất (Học viện Cảnh sát nhân dân) cũng cho rằng: Nhiều người hiểu chưa thật khách quan về ý kiến của GS Trần Ngọc Thêm. Tôi cho rằng GS Thêm muốn đề xuất lễ cũ, lễ xưa, lễ bảo thủ, lạc hậu, lễ mà học sinh phải răm rắp tận tụy nghe theo là phải bỏ đi.
Theo đó, đề xuất của GS Thêm nhìn nhận về việc bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” vì nó mang tư tưởng phong kiến. Ở thời đại này khẩu hiệu đó kìm hãm sự phát triển tự nhiên, nó thu hẹp không gian tư duy của giới trẻ, của học sinh sinh viên. Dưới góc nhìn của sư phạm hiện đại, của cuộc sống hiện đại trong tương lai, tôi cho rằng đó là cách nhìn đúng.
Đúng vì sao? Bởi vì “Tiên học lễ, hậu học văn” đó là các nhìn nhận dạy dỗ của thế hệ cũ. Bây giờ học sinh vẫn phải học lễ, vẫn phải học văn, nhưng với chữ lễ, bây giờ học sinh sinh viên phải khẳng định được văn hóa của bản thân mình, nhận thức của bản thân mình chứ không có nghĩa là dưới phải nghe trên răm rắp như ngày xưa. Có thể thấy cách học lễ thời xưa thầy bảo một là một, thầy bảo hai là hai, học trò không được phản biện lại và luôn luôn bị kìm nén. Mà nếu học trò không được phản biện lại thì không thể phát huy được tư duy sáng tạo.
“Chữ lễ ngày xưa là lễ cứng nhắc, lễ phục tùng. Còn lễ ngày nay là lễ kính trọng. Lễ của kính trên nhường dưới, lễ của những người dám nghĩ, dám làm, dám bỏ những cái cũ, tiếp cận những cái mới, dám mang cái tư duy mới vào để làm cho chữ lễ sáng hơn. Lễ là phải làm cho dân tộc phát triển, chứ không phải bảo thế nào nghe vậy”, PGS.TS Trần Minh Chất nhấn mạnh.
Chữ lễ là truyền thống, ta phải tôn trọng truyền thống, nhưng cần phát huy được sáng tạo, tư duy độc lập. Phát huy được bản thể của mỗi cá nhân trong chữ lễ đó. Chữ lễ hiện nay phải hiểu theo lễ của thời đại mới, của sự khai phóng. Đề xuất của GS Trần Ngọc Thêm nên chăng phải hiểu như vậy, chứ không có nghĩa là bỏ chữ lễ trong giáo dục.
“Tôi cho rằng, không có một dân tộc nào không cần lễ nghĩa, cũng như không một khu vực nào là không cần có trật tự. Nhưng lễ nghĩa và trật tự ấy phải phù hợp với thời đại. Nó phải làm cho con người phát triển và mở mang ra”, PGS.TS Trần Minh Chất bày tỏ.
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam: Lâu nay, khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" đã trở thành nét văn hóa, như một lời nhắc nhở mỗi học sinh và giáo viên khi đã bước chân vào ngành giáo dục thì điều đầu tiên phải học là học về lễ độ, cách ứng xử. Tuy nhiên, cũng đã đến lúc nên chấm dứt khẩu hiệu này bởi mỗi thời đại cần đưa ra một khẩu hiệu, phương châm giáo dục riêng. Không nên đem khẩu hiệu từ thời phong kiến để áp vào thời đại cách mạng công nghiệp như hiện tại.
Trong giai đoạn kinh tế tri thức, cần phải xem xét để đưa ra khẩu hiệu mà ở đó đòi hỏi con người làm chủ được tương lai, tri thức và công nghệ chứ không đơn thuần là "lễ và văn" như thời xưa. Giáo dục kiến tạo, giáo dục hướng đến sự tự do và rất cần cho việc giáo dục con người trong xã hội mới.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội: “Tiên học lễ, hậu học văn” là giá trị văn hóa đã tồn tại trong quá trình phát triển lịch sử. Ông cha ta sử dụng câu nói đó để nhắc nhở việc đi học thì phải học “lễ” - cái đạo lý làm người trước, học “văn”- là kiến thức, là việc tiếp theo phải làm.
Trong thời đại hiện nay, chúng ta vẫn đang sử dụng và yêu cầu như vậy. Tức là mối quan hệ giữa đạo đức và kiến thức, cách nói đó dùng để chú ý về việc rèn luyện đạo đức cho học sinh. Bản thân mỗi bạn học sinh khi đến trường thì đều phải có ý thức.
Khẩu hiệu đó có vai trò lịch sử và tất cả chúng ta đều phải tôn trọng cái giá trị lịch sử được đúc kết từ đời xưa. Nếu bỏ đi khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” là sẽ mất đi một truyền thống tốt đẹp của lịch sử dân tộc. Ngày nay, nếu nói sang thời đại mới khẩu hiệu đó hết vai trò lịch sử là cũng không đúng. Nhưng có nên dùng khẩu hiệu này một cách phổ biến hay không là vấn đề phải được xem xét kỹ lưỡng, vì nhiều chữ Hán, học sinh hiện nay không nắm được. Một khẩu hiệu mà mất công giải thích thì có nên phổ biến hay không, đó là điều chúng ta phải cân nhắc.