Vốn được coi là nơi khó khăn của xã Hữu Vinh (Yên Minh, Hà Giang), trước bản Bản Vàng vốn là nơi thưa thớt dân cư. Để dất này hồi sinh, với chủ trương của tỉnh, huyện, Bản Vàng được định hình bằng khu dân cư khai hoang. Nay mảnh đất hoang vu này đã có những phát triển đáng ghi nhận.
Người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế gia đình.
Khu dân cư khai hoang thôn Bản Vàng hiện có 28 hộ, 130 nhân khẩu, thuộc 3 thành phần anh em dân tộc Hoa Hán (chiếm 80%); Mông (chiếm 19%); Kinh (chiếm 01%) cùng sinh sống. Là một thôn về điều kiện tự nhiên không thuận lợi, địa bàn dốc, đất canh tác chủ yếu là đất nương lại thêm trình độ dân trí thấp không đồng đều nên trước đây đời sống của nhân dân Bản Vàng còn hết sức khó khăn.
Nhận thức của một bộ phận nhân dân về công tác xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường có mặt còn hạn chế, do vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Không để Bản Vàng mãi giẫm chân tại chỗ, được sự quan tâm và tạo điều kiện giúp đỡ của các cấp chính quyền, MTTQ và các ban ngành đoàn thể của xã cũng như MTTQ huyện, nhiều chương trình, chính sách đã được đưa về đây. Hiện nay, trên địa bàn thôn đã có nhiều mô hình kinh tế được hình thành mà trong đó phải kể đến mô hình chăn nuôi lợn đen của hộ gia đình ông Nông Văn Hùng.
Hiện nay, mỗi lứa, gia đình ông Hùng thường nuôi từ 30 - 40 con. Một năm, xuất chuồng 2 lứa, trị giá mỗi lứa khoảng 70- 80 triệu đồng. Không chỉ phát triển mô hình chăn nuôi mà nhiều hộ gia đình trong thôn còn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng chuyển từ diện tích nương trồng ngô sang trồng cây ăn quả. Nhiều loại cây quả mới như dứa, hồng, vải, na, mận… đã cho thu hoạch hiệu quả kinh tế cao.
Không chỉ có gia đình Nông Văn Hùng, hiện nay đến với Bản Vàng, nhiều cá nhân, gia đình tiêu biểu, nhanh chóng vươn lên trong lĩnh vực kinh tế đã được nhắc đến. Hộ gia đình ông Chẩu Tả Thắng, trước đây vốn là hộ còn khó khăn của Bản Vàng. Nhưng sau khi được các cấp ngành hỗ trợ, nhận thức được kinh tế vườn đồi, ông đã bỏ ra 2 ha diện tích trồng các cây ăn quả như vải, na, mận tam hoa. Hiện nay, mỗi năm, 2 ha đất vốn được coi là cằn cỗi của gia đình ông luôn cho thu hoạch từ 70 – 80 triệu đồng.
Với tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau, trong 2 năm vừa qua, đã có thêm 4 hộ được giúp đỡ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 30% năm 2014 xuống còn 14,2%. Bằng việc phát triển kinh tế, hiện nay số hộ trung bình, khá, giàu Bản Vàng đã được nâng lên, thu nhập hộ gia đình đã ổn định. Cùng với kinh tế, các hoạt động dịch vụ bắt đầu phát triển. Hiện thôn đã có 6 hộ vừa sản xuất nông lâm nghiệp, vừa hoạt động dịch vụ như: Buôn bán hàng tạp hóa, hàng may mặc tại các phiên chợ trong huyện, sửa chữa xe máy, sản xuất gạch không nung, làm nhà nghỉ cộng đồng…
Theo ông Chảo Văn Sinh – Chủ tịch MTTQ huyện, từ mô hình Bản Vàng này, sắp tới MTTQ huyện sẽ xin ý kiến, chỉ đạo và mở rộng hình thức này tới các khu dân cư nữa trong huyện. Hy vọng với cách làm này, Yên Minh sẽ trở thành một huyện có kinh tế ổn định mà nòng cốt ấy chính là sự ổn định từ các khu dân cư mà trong đó Bản Vàng là một ví dụ.