Kinh tế

Làm rõ cách tính hoá đơn tiền điện

H.H 11/03/2024 16:44

Dù Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội- EVN HANOI đã liên tiếp đưa cách giải thích cũng minh hoạ cách tính hoá đơn tiền điện tháng 2, nhưng người dân vẫn vô cùng băn khoăn và cho là chưa thoả đáng.

Anh N.Q. ở toà nhà chung cư khu Ngoại giao đoàn, Hà Nội khi nhận thông báo số tiền điện phải trả là 3,24 triệu đồng đã thẳng thắn nói, hàng tháng tôi trả khoảng trên dưới 1 triệu đồng tiền điện. Nghĩa là nếu thông thường, với 2 tháng tiền điện, chỉ phải trả tầm trên dưới 2 triệu đồng.

Chưa kể, anh N.Q. còn chia sẻ, 2 tháng mà EVN tính tiền điện thì gia đình đã về quê 9 ngày nghỉ Tết, nghĩa là thời gian sử dụng điện tầm 50 ngày. Như vậy tổng hoá đơn tiền điện phải trả là 3,24 triệu đồng quá vô lý.

Chị Thuý Anh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, kỳ thu tiền điện này của nhà chị kéo dài 54 ngày. Theo cách tính của ngành điện, các bậc thang giá điện nhảy lên bậc 6 và tổng số tiền phải thanh toán là hơn 2,6 triệu đồng. "Nếu ngành điện thu như vậy thì nên tách thành 2 hóa đơn, từ ngày 7/1/2024 đến ngày 6/2/2024 và từ ngày 7/2/2024 đến ngày 29/2/2024. Tính gộp thế này thì chỉ dó dân thiệt", chị Thuý Anh nói.

Hơn 1 tuần trở lại đây trên mạng xã hội "dậy sóng" dư luận về cách tính hoá đơn tiền điện của EVN. Nhiều khách hàng sử dụng điện than thở vì hóa đơn tiền điện đột ngột tăng cao. Trong đó, nhiều hộ gia đình cho biết, thời gian tính tiền điện đúng vào thời điểm nghỉ Tết, nhiều gia đình về quê dài ngày. Đây cũng là nhiều gia đình không dùng điều hòa để làm mát vì nền nhiệt độ mùa đông khá thấp. Khách hàng thấy bất thường ở chỗ, hóa đơn tiền điện bỗng dưng nhảy lên bậc cao chưa từng có và tổng số tiền thanh toán tăng vọt.

antdvn-gia-dien-5340(1).jpg
Người dân bức xúc vì hóa đơn tiền điện tháng 2 tăng cao


Bà Tô Lan Phương, Trưởng ban Kinh doanh, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội- EVN HANOI cho biết, EVN HANOI tuân thủ đúng quy định về số lần ghi chỉ số công tơ trong tháng tại Điều 17 Nghị định 137/2013/NĐ-CP trong đó chỉ ghi chỉ số 01 (một) lần đối với khách hàng sinh hoạt Theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Thông tư 09/2023/TT-BCT ngày 21/4/2023 của Bộ Công Thương: mức sử dụng điện của từng bậc được điều chỉnh theo số ngày thực tế của kỳ ghi chỉ số công tơ đó”.

Theo bà Phương, trong tháng có thay đổi ngày ghi chỉ số, hóa đơn tiền điện được lập trên cơ sở điện năng tiêu thụ của khách hàng trong kỳ ghi chỉ số theo công thức tính toán quy định của cơ quan quản lý Nhà nước. “Tháng 2/2024 số ngày sử dụng điện thực tế được kéo dài thành từ 38-57 ngày mới trả tiền điện tuỳ theo thời điểm cuối cùng của kỳ ghi chỉ số tháng trước, tiền điện của khách hàng tháng này tăng cao hơn tháng trước là tương ứng với với số ngày thực tế của khách hàng và định mức của mỗi bậc thang cũng được điều chỉnh tương ứng chứ không bị dồn vào ở bậc thang ở mức cao”, bà Tô Phương Lan khẳng định.

Cũng theo bà Phương, ý kiến cho rằng nên tách thành 2 lần ghi công tơ không thể thực hiện vì EVN HANOI tuân thủ đúng quy định về số lần ghi chỉ số công tơ trong tháng tại Điều 17 Nghị định 137/2013/NĐ-CP, trong đó chỉ ghi chỉ số 1 lần đối với khách hàng sinh hoạt.

Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng, các quy định mà bà Phương đã nêu là quy định do Bộ Công Thương ban hành. Khung pháp lý đó hoàn toàn do Bộ Công Thương ban hành và đưa ra các chỉ dẫn. Việc của EVN hay EVN HANOI hay bất kỳ tổng công ty điện lực nào thuộc EVN thực hiện theo các quy định đã được Bộ Công Thương ban hành, chứ không phải EVN có thể tự ý đưa ra một quy định nào đó, cách tính nào đó. Đây cũng là đều thắc mắc nhiều nhất của người dân trong những ngày qua.

Theo ông Hà Đăng Sơn, thực ra chúng ta tiêu thụ điện trong tháng 1 nhưng do việc xuất hoá đơn nhận lại tiền điện chi trả lại trong tháng 2 nên theo nguyên tắc kế toán là ghi tháng 2, điều này tạo nên sự nhầm lẫn không nhỏ trong của người tiêu dùng.

"Việc EVN HANOI cũng như các tổng công ty điện lực khác điều chỉnh hiện nay cũng giúp minh bạch hoá, khớp lại chuẩn khung thời gian thay vì câu chuyện anh dùng tháng 1 xong xuất hoá đơn thu tiền vào tháng 2 thay vì chúng ta dùng trong tháng 2 chỉ xuất hoá đơn trong tháng 2. Như thế về mặt kế toán chúng ta chuẩn hoá lại kế toán. Việc lắp đặt toàn bộ công tơ điện tử cũng giúp người dùng rà soát rất chính xác tiêu dùng điện năng từng ngày", ông Hà Đăng Sơn nói.

Trao đổi nhanh với Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long nói, thắc mắc của người sử dụng điện là đúng. Bởi bình thường trả tiền điện một nửa, đúng thời điểm Tết, EVN kéo dài thời gian chốt công tơ điện khiến giá hoá đơn tiền điện tăng gấp đôi. Trong bối cảnh kinh tế ngày càng khó khăn, tiền điện tăng vọt thì người tiêu dùng sốt ruột. Chưa kể, bản thân biểu điện lũy tiến là để khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, áp dụng theo giá lũy tiến bậc thang sử dụng điện càng nhiều thì giá điện càng cao. Cho nên khi EVN kéo dài quãng thời gian sử dụng điện mà vẫn sử dụng biểu giá điện 6 bậc sẽ khiến người sử dụng nghi ngờ là có lợi cho ENV.

Tuy nhiên cũng theo nhìn nhận của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, giải thích của EVN về cách tính giá điện cũng hợp lý. Nếu thực sự hai bên chưa tìm được tiếng nói chung cơ quan thanh tra kiểm tra nên vào cuộc để làm rõ vấn đề.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm rõ cách tính hoá đơn tiền điện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO