Theo báo cáo mới nhất của GLOBOCAN, Việt Nam xếp thứ 91 về tỷ suất mắc mới và thứ 50 về tỷ suất tử vong trên 100.000 người trong 185 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với năm 2018, thứ hạng này tương ứng với 99/185 và 56/185. Như vậy, tình hình mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam đều đang tăng nhanh.
Những con số thật sự cần lưu tâm
Theo thống kê của Tổ chức Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), năm 2018 tại Việt Nam có khoảng 165.000 ca ung thư mới mắc, gần 115.000 trường hợp tử vong và hơn 300.0000 người đang phải chung sống với căn bệnh ung thư.
Còn theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng. Tại Việt Nam, ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư.
Năm 2020, trong 185/204 quốc gia có báo cáo thống kê về tình hình bệnh ung thư theo GLOBOCAN, Việt Nam xếp thứ 91 về tỷ suất mắc mới và thứ 50 về tỷ suất tử vong trên 100.000 người.
So sánh với năm 2018, thứ hạng này tương ứng với 99/185 và 56/185. Như vậy, có thể thấy, tình hình mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam đều đang tăng nhanh.
Tình hình gia tăng các ca mắc ung thư mới của Việt Nam cũng tương tự với nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Pháp, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong do ung thư tại các quốc gia này lại giảm.
Khi nhìn những con số này, chúng ta thấy số lượng bệnh nhân ung thư tại Việt Nam thật sự đáng báo động. Đặc biệt là về số lượng người tử vong do ung thư.
Xã hội hiện đại, công nghệ phát triển, trên mạng xã hội cũng có rất nhiều nhóm dành riêng cho những bệnh nhân ung thư, họ có những tên gọi rất đặc biệt như “Cuộc chiến thầm lặng”, “Chiến thắng ung thư”, “Những chiến binh kiên cường”,… Tham gia vào đó mới thấy rất nhiều những người đang điều trị ung thư và cũng thấy ung thư “không còn là điều hiếm gặp”.
Tất cả thành viên trong đó là những bệnh nhân ung thư, người nhà của bệnh nhân ung thư, họ chia sẻ với nhau nhiều điều về căn bệnh quái ác đó, về những kinh nghiệm vượt qua nỗi đau và rồi chia sẻ cả những sự mất mát.
Đọc những dòng chia sẻ đó, thấm đẫm sự đau thương mà căn bệnh ung thư gây ra. Có những người đã nhiều tuổi không còn đủ sức chiến đấu với bệnh tật, nhưng cũng có những người còn rất trẻ tuổi không vượt qua được căn bệnh này.
Đọc những dòng chia sẻ đó cùng với những con số đáng báo động kia, chúng ta có thể nhận thấy rõ, tỷ lệ ung thư và tỷ lệ tử vong do ung thư ở Việt Nam ngày càng gia tăng.
Tổ chức Y tế thế giới và chính phủ nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đã có nhiều chuơng trình y tế thiết thực nhằm cải thiện tình trạng bệnh lý ung thư. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều bệnh nhân phát hiện ra bệnh ở giai đoạn muộn, phần lớn đang trong lứa tuổi lao động, nhiều người giữ vai trò trụ cột trong gia đình. Do vậy, ung thư gây ra những tổn thất to lớn trực tiếp, gián tiếp cho xã hội và bản thân gia đình người bệnh.
Những bệnh ung thư phổ biến ở Việt Nam
Ung thư cũng như nhiều bệnh lý khác đều có đặc điểm chung là hậu quả tương tác của 3 yếu tố cơ bản là tác nhân gây bệnh, yếu tố môi trường và cơ thể vật chủ (con người).
Tùy theo những điều cụ thể nhất định mà từng yếu tố đó giữ vai trò tiếp xúc với tác nhân gây bệnh như nhau nhưng bệnh có thể phát sinh ở người này mà không phát sinh ở người khác. Hay thậm chí, cùng bị bệnh nhưng mức độ tiến triển nặng - nhẹ, nhanh - chậm khác nhau, có người đáp ứng với điều trị tốt hơn cũng có người đáp ứng với điều trị kém hơn.
Tại Việt Nam, các bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới là: ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư đại-trực tràng, ung thư thanh quản và ung thư thực quản. Đối với nữ giới thì thường là ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư đại-trực tràng, ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư gan .
So với tỷ lệ chung trên thế giới thì Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất đối với: ung thư phổi, ung thư vú, ung thư dạ dày, ung thư cổ tử cung, ung thư gan, ung thư đại-trực tràng. Khoảng 85% số bệnh nhân ung thư tại Việt Nam được phát hiện khi đã ở độ tuổi trên 40, rất nhiều người đang ở trong độ tuổi thành đạt của nghề nghiệp, có khả năng đóng góp nhiều cho xã hội, đang giữ các trọng trách quan trọng tại các cơ quan hay là trụ cột trong gia đình.
Ung thư không phải là “án tử”
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho rằng, các tiến bộ của y học ngày nay đã giúp nhiều người chữa khỏi hoặc có thể kéo dài thời gian sống thêm đáng kể, tùy loại ung thư và giai đoạn bệnh.
Một số loại bệnh ung thư có tỷ lệ khỏi bệnh trên 5 năm vượt quá 90%, nếu phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời, như: Ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư đại tràng... Ở Bệnh viện K có rất nhiều bệnh nhân ung thư đã chữa trị ổn định từ 10 đến 30 năm, thậm chí lâu hơn.
Mỗi ngày, tại các bệnh viện điều trị ung thư, có rất nhiều bệnh nhân được ra viện sau khi hoàn thành quá trình điều trị. Không khó để gặp những bệnh nhân như thế, những chiến binh ấy khi được ra viện lại cùng chia sẻ “tin vui” đến bạn bè, người thân và từng nhóm của họ để những “đồng đội” của họ tiếp tục có niềm tin chiến đấu mỗi ngày.
Nhiều bệnh nhân tự tin chia sẻ về căn bệnh của mình, trong đó có cả kinh nghiệm trong điều trị, chế độ ăn uống và việc cần giữ tinh thần lạc quan trong suốt quá trình điều trị ung thư.
Những hình ảnh tươi tắn của mỗi bệnh nhân ung thư sau mội thời gian dài điều trị chính là những “động lực” to lớn nhất dành cho những bệnh nhân đang điều trị. Và đó cũng chính là niềm vui của đội ngũ y bác sĩ công tác trong lĩnh vực điều trị bệnh nhân ung thư.
Nhằm giúp người bệnh tự tin chiến đấu với bệnh ung thư và giúp bạn đọc có một góc nhìn khoa học, lạc quan về căn bệnh này, Báo Đại Đoàn Kết tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề "Biệt dược chữa ung thư tại báo điện tử Đại Đoàn Kết (daidoanket.vn).
Buổi giao lưu trực tuyến diễn ra vào 9h30 ngày thứ Sáu 19/3/2021.
Tham gia trả lời câu hỏi của bạn đọc có các khách mời:
1. Nữ sinh Đặng Trần Thủy Tiên - “Hoa khôi truyền cảm hứng” đã chiến thắng bệnh ung thư
2. ThS. Bác sĩ. Nguyễn Quốc Nhật, Phó trưởng khoa Điều trị hóa chất, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.
3. Chị Nguyễn Thu Hương – chuyên gia tâm lý, người sáng lập Trung tâm Thiền đương đại và ứng dụng Thiền đương đại – một trong những ứng dụng đầu tiên về Thiền bằng tiếng Việt tại Việt Nam. Trung tâm của chị Hương đã hỗ trợ gần 3.000 học viên, trong đó, có hỗ trợ những học viện đã mắc bệnh K, dùng thiền trong quá trình điều trị bệnh.
4. Vợ chồng anh Nguyễn Trọng Hùng (quê Nghệ An) – Bệnh nhân đang điều trị tại Khoa ghép tế bào gốc, Viện huyết học truyền máu Trung ương.
Buổi giao lưu được truyền hình trực tiếp trên báo điện tử Đại Đoàn Kết (daidoanket.vn) và fanpage của Báo trên Facebook.
Quý độc giả có thể đặt câu hỏi cho các bác sĩ, HLV cùng những bệnh nhân đã và đang nỗ lực chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo này qua địa chỉ email: bbtdko@gmail.com
Trân trọng.