Giao thông

Làm thế nào để gỡ khó đơn giá, định mức trong xây dựng công trình giao thông?

Lê Khánh 06/12/2023 18:03

Thời gian qua, công tác điều chỉnh định mức đơn giá trong xây dựng dự án giao thông nhận được sự quan tâm. Song, bộ định mức đơn giá hiện nay vẫn chưa kích thích được nhà thầu giao thông phát triển, duy trì ổn định nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đất nước.

Báo giá của địa phương không kịp, sát với thực tế

Thực hiện Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng theo Quyết định số 2038 ngày 18/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đề nghị của Bộ GTVT, Bộ Xây dựng đã tiếp thu ý kiến để ban hành định mức xây dựng tại Thông tư số 12/2021 ngày 31/8/2021.

Theo đánh giá, thông tư mới được ban hành đã giải quyết phần lớn các khó khăn, vướng mắc về định mức trong lập dự toán chi phí xây dựng công trình đối với lĩnh vực đường bộ, cơ bản đáp ứng các yêu cầu các dự án đang được triển khai đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, khi ban hành vẫn còn thiếu định mức cho công tác thi công. Đơn giá định mức chưa đồng bộ hoặc xây dựng chưa sát với thực tế dẫn đến tình trạng nhà thầu giao thông chưa được tính đúng, tính đủ so với nhân lực, vật lực, thiết bị công nghệ đã đầu tư để triển khai dự án.

Nhiều định mức, đơn giá chưa phản ánh đúng thực tiễn, không ít nhà thầu rơi vào cảnh càng làm càng lỗ, không có nguồn lực tái đầu tư trang thiết bị, tuyển dụng/giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao để tăng năng lực cạnh tranh, bắt kịp sự phát triển của các nhà thầu quốc tế.

W_image.daidoanket.vn-images-upload-lekhanh-08232023-_snapseed-4.jpg
Sự chênh lệch lớn giữa giá trong hợp đồng so với giá thực tế cũng khiến nhiều chủ đầu tư dự án gặp khó khăn.

Chia sẻ về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tư lệnh Binh đoàn 12, Phó TGĐ Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, định mức đơn giá là vấn đề nóng, đặc biệt với các đơn vị xây dựng cơ bản. Đơn vị chúng tôi thực hiện rất nhiều dự án cao tốc Bắc - Nam như quốc lộ 45 - Nghi Sơn và thấy rõ sự chênh lệch lớn giữa giá trong hợp đồng so với giá thực tế.

"Sau đợt bão giá vừa qua, giá cát đắp hợp đồng khoảng 153.000 đồng/khối nhưng mua khoảng 254.000 đồng/khối - chênh hơn 100.000 đồng/khối.

Trong công trình, riêng hạng mục cát đắp cần dùng tới 300.000 khối, như vậy tính sơ, chúng tôi phải bù tới 30 tỷ đồng", Đại tá Tuấn Anh nhấn mạnh.

Theo Đại tá Nguyễn Tuấn Anh có ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. Thứ nhất, có thể báo giá của địa phương không kịp, sát thực tế. Thứ hai, các chủ mỏ bắt tay để thao túng làm đội giá do đó các nhà thầu ở khu vực đó rất khó mua nguyên vật liệu đắp. Giá bổ sung để bù vào rất lớn.

"Bên cạnh đó, khi đi thị sát các dự án cao tốc Bắc - Nam, các lãnh đạo đều chỉ đạo phải làm tăng "3 ca, 4 kíp" làm ngày đêm. Chúng tôi cũng phải làm ngày đêm, các Tư lệnh xuống hiện trường làm việc động viên cùng anh em.

Song, kinh phí trả cho nhân công làm tăng giờ, làm đêm, làm ngày nghỉ, tiền lương phải tăng 200-300% nhưng lại không thấy cơ quan nào bàn đến và chúng tôi lấy nguồn ở đâu để bù vào", Đại tá Tuấn Anh bày tỏ.

Thứ ba là bất cập về việc thanh tra kiểm toán sau khi hoàn thành công trình. Khi đó, các thanh tra kiểm toán thường áp sử dụng định mức có giá trị thấp nhất. Nếu không là tính thu hồi của nhà thầu.

"Điều đó cho thấy có thể thấy cùng một công việc có thể áp rất nhiều định mức... Chẳng hạn việc vận chuyển đổ thải vật liệu, sau khi thanh tra kiểm tra vào thường áp xe tải trọng 10-12 tấn nhưng trên thực tế các nhà thầu chỉ dùng được xe tải trọng nhỏ do khi mới triển khai dự án không thể có mặt bằng để vận chuyển dọc tuyến, thường phải đi vòng nhờ huyện lộ, đường xã nên không thể dùng xe lớn.

Đại tá Tuấn Anh cho rằng, quan trọng nhất là vấn đề bộ định mức chưa phù hợp với thực tế, có thể chỉ được xây dựng trên lý thuyết. Có bộ định mức vừa ban hành đã bộc lộ rõ bất cập. Bên cạnh đó, các cán bộ có kinh nghiệm sâu về biện pháp thiết kế xây dựng định mức còn thiếu. Mặt khác, vai trò của những đối tượng trực tiếp phải sử dụng định mức lại rất hạn chế và mờ nhạt.

Định mức cần dựa trên định lượng, giá trị thực tế

Ông Đặng Hoài Nam - Trưởng phòng Định mức - Đơn giá (Cục Kinh tế xây dựng) cho rằng, tất cả dự án đầu tư công, hay PPP chúng ta đều sử dụng chung công cụ để xác lập dự toán chi phí đầu tư xây dựng.

Theo ông Nam, hệ thống công cụ của định mức đơn giá này đã được hình thành những năm 60-70 và liên tục được cập nhật theo từng thời kỳ. Đề án 2038 là giai đoạn gần đây nhất, có sự đóng góp của tất cả các bộ, các tỉnh, chủ đầu tư, nhà thầu, nhà tư vấn…

"Định mức là khảo sát từ quá trình thi công, vậy thì việc tham gia từ nhà thầu phản ánh năng suất, mức tiêu hao, năng suất lao động, bố trí máy móc thi công… vậy chúng ta không thể nói là chúng ta xây dựng lý thuyết để hình thành được.

Về đơn giá thị trường, vật liệu, nhân công, máy thi công, Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn phương pháp khảo sát, kể cả giá thuê máy. Ngoài các công cụ đã được hướng dẫn, ngay cả chủ đầu tư thấy có điều gì bất cập cũng có cơ chế để sửa đổi điều chỉnh nên tôi thấy rằng, các công cụ của Nhà nước và công cụ của Nhà nước ban hành đã tương đối đầy đủ", ông Nam cho hay.

cao-toc-tren-tuyen-bac-nam-phia-dong.jpg
Dự án cao tốc Bắc - Nam. Ảnh minh hoạ.

Cũng theo ông Nam, qua kết quả rà soát đề án 2038, số lượng định mức các cơ quan quản lý nhà nước ban hành là 34.000 định mức phổ biến cho tất cả các loại công trình từ dân dụng, công nghiệp, giao thông… Đương nhiên, cũng chưa đầy đủ khi máy móc thiết bị mới, công nghệ mới, vật liệu mới… do tốc độ hiện đại hoá trong công nghệ, là nguyên nhân khách quan. Còn nguyên nhân chủ quan là việc thực hiện, cung cấp dữ liệu từ dự án của các chủ đầu tư để quản lý nhà nước chưa đầy đủ, để không phải mất công tổ chức xác định cho từng công trình. Việc này cũng cần cả quá trình.

Nguyên nhân đơn giá định mức theo quy định hiện hành chưa thể bắt kịp thực tiễn triển khai dự án, ông Nguyễn Tấn Vinh, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện nay, hệ thống định mức đơn giá có nhiều cách tiếp cận khác nhau.

"Định mức xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành hiện nay dùng chung cho cả nước. Trong đó, công tác định mức về giao thông dải khắp tất cả các chương, từ GPMB, vận chuyển. Việc này cho thấy sự quan tâm rất lớn của công tác quản lý Nhà nước đối với ngành Giao thông. Hàng năm, Bộ Xây dựng cũng đều chỉ đạo các đơn vị rà soát, cập nhật bám sát, phù hợp thực tiễn", ông Vinh cho hay.

Cũng theo ông Vinh, chúng ta cũng cần rành mạch, định mức lập chi phí ban đầu hay quản lý hợp đồng. Vai trò chính của hệ thống định mức dự toán hiện nay là phục vụ tính toán chi phí ban đầu để lập tổng mức đầu tư, xác định giá gói thầu.

"Quá trình triển khai thi công, ở góc độ quản lý hợp đồng phải phụ thuộc vào hình thức hợp đồng là: trọn gói, điều chỉnh giá, chỉ định thầu…

Định mức xây dựng phải gắn với từng dự án, hạng mục công việc, giai đoạn. Đơn cử như công trình dân dụng đầu việc nhiều, khối lượng lắt nhắt, rất nhỏ; Thiết kế dân dụng cũng phức tạp.

Ngành Giao thông hay ngành khác lại có đặc thù trải dài theo tuyến. Mỗi ngành lại có một đặc thù riêng về chi phí. Nếu so sánh trên bảng mức cũng chưa hẳn chính xác mà phải gắn với điều kiện cụ thể", ông Vinh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm thế nào để gỡ khó đơn giá, định mức trong xây dựng công trình giao thông?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO