Trước những luồng ý kiến trái chiều về việc xóa sổ hay không xóa sổ hội phụ huynh học sinh, cuối tuần qua, Bộ GD&ĐT đã có cuộc họp thảo luận về Thông tư ban hành Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh, sinh viên.
Một biếm họa về việc lạm thu đầu năm học.
Theo phân tích tại đây, ban đại diện cha mẹ học sinh có vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa gia đình và nhà trường, phối hợp để cùng giáo dục học sinh.
Ở thời điểm này, khi năm học mới đã đi qua được 1 tháng, câu chuyện về lạm thu tiền trường đầu năm và việc xác định rõ vai trò của Hội phụ huynh học sinh vẫn là đề tài nóng. Trong khi không ít người cho rằng cần sớm giải tán hội phụ huynh học sinh, thì cũng có nhiều người không đồng tình.
Trước đó, trong tháng 9, sau khi đi thị sát ở một số địa phương, ông Tống Duy Hiến - phó chánh thanh tra Bộ GD&ĐT, trưởng đoàn kiểm tra khẳng định có phát hiện những khoản thu không đúng quy định.
Theo kết quả làm việc của các đoàn thanh tra, ngoài khoản thu bắt buộc và thu hộ (học phí và bảo hiểm y tế), các trường trong diện đoàn kiểm tra đến làm việc còn thu các khoản thỏa thuận như tiền học hai buổi trên ngày, tiền chăm sóc bán trú, tiền cơ sở vật chất phục vụ bán trú; tiền đồng phục, tiền tiếng Anh với giáo viên nước ngoài, tiền kỹ năng sống, tiền sổ liên lạc điện tử, tiền bảo hiểm thân thể, tiền quỹ hội chữ thập đỏ, tiền quỹ khuyến học, tiền quỹ đoàn thanh niên, tiền quỹ lớp, tiền quỹ hội cha mẹ học sinh trường; tiền dạy thêm học thêm, tiền sử dụng điều hòa, tiền vở viết, tiền vở bài tập thực hành, tiền sách giáo khoa, tiền sửa chữa trong trường, tiền quỹ đồng hành cùng bạn đến trường, tiền quỹ đội, báo đội, tiền đề và giấy kiểm tra; tiền lao công, tiền tạp phí, tiền gửi xe, tiền ủng hộ cơ sở vật chất, tiền học ngoại khóa, tiền trải nghiệm theo chuyên đề, tiền mua máy chiếu, tiền lắp đặt điều hòa, tiền hỗ trợ bàn ghế…
Trong số các khoản thu thỏa thuận, có nhiều khoản thu các trường tổ chức thực hiện không đúng về quy trình theo quy định tại Điều 5 Thông tư 29/2012/TT-BGDĐT ngày 10/9/2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Cụ thể là trường đứng ra trực tiếp thu, quy định mức thu, thu bình quân, sai nguyên tắc về tự nguyện.
Điều đáng nói là khi giải trình với Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT, đại diện của các trường đều cho biết nhà trường không tổ chức mà do ban đại diện cha mẹ học sinh đề xuất và phụ huynh tự nguyện đóng góp.
Tại cuộc họp thảo luận vừa qua, ông Nguyễn Viết Cẩn- trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD&ĐT Hà Nội phân tích: Ban đại diện cha mẹ học sinh có vai trò quan trọng trong giáo dục học sinh.
Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn điều lệ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh rất rõ. Ban đại diện cha mẹ học sinh tuyệt đối không tham gia vào thu tiền xây dựng, sửa chữa và quyên góp để thực hiện công tác an ninh, bảo vệ, hỗ trợ giáo viên. Nếu chúng ta làm đúng như vậy thì không có băn khoăn, bức xúc về ban đại diện cha mẹ học sinh.
Còn theo bà Nguyễn Thị Nghĩa- thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Ban đại diện cha mẹ học sinh có vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa gia đình và nhà trường, phối hợp để cùng giáo dục học sinh.
Vì thế, trách nhiệm của phụ huynh và nhà trường là cùng nhau xây dựng môi trường giáo dục tốt cho các cháu.
Theo Thông tư 55, ban đại diện cha mẹ học sinh được thu phí và quản lý thu chi, quy định tại Điều 10. Vì thế, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét lại Thông tư về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh để có thể có những điều chỉnh phù hợp nhằm khắc phục tình trạng lạm thu.
Ngoài ra, Bộ cũng sẽ tăng cường hơn nữa việc giám sát thu chi ở các trường học để có sự chấn chỉnh kịp thời những bức xúc của xã hội đối với vấn đề lạm thu ở trường học.