Mùng 4 Tết, khi tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chật kín ô tô kể cả trong làn khẩn cấp, CSGT đã phải dùng xe đặc chủng, mở đường đưa xe cấp cứu chở bệnh nhân hơn một tháng tuổi đến bệnh viện cấp cứu.
Tình huống lúc đó rất ngặt nghèo: Bệnh nhi sinh ngày 3/1/2024 được đưa từ Thanh Hóa ra Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cấp cứu và bình oxy còn khoảng 45 phút nữa là hết, không có bình dự trữ. Tuyến cao tốc đang ùn tắc dài, xe cộ chỉ có thể nhích từng đoạn.
Trong vụ việc này, có thể thấy làn đường khẩn cấp, chỉ được sử dụng trong các tình trạng khẩn cấp (dành cho xe bị sự cố, xe cứu thương, xe cứu hỏa hoặc xe quân sự) đã bị vô hiệu hóa bởi rất nhiều tài xế vô ý thức.
Theo điểm c khoản 1 Điều 26 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người điều khiển phương tiện không được phép chạy ở làn dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc. Nhưng tình trạng lái xe chạy vào làn đường ưu tiên này dù không trong tình trạng khẩn cấp xảy ra thường xuyên ở hầu như mọi tuyến đường.
Trên một số diễn đàn, nhiều người còn thắc mắc “đường Vành đai 3 ở Hà Nội thường xuyên ùn tắc mà sao lại cấm đi vào làn khẩn cấp”. Ai viện dẫn luật để trả lời cho họ công năng của làn khẩn cấp thì họ vặn lại “các ông có đi lại thường xuyên vào giờ cao điểm như tôi đâu mà hiểu được”. Không hiểu những người này nếu có thân nhân, như bé sơ sinh ở Thanh Hóa kể trên, đối mặt với tình huống tương tự mà không may không gặp được CSGT, sẽ nghĩ sao?
Trong khi đó, làn khẩn cấp trên cao tốc là một quy định mang tính phổ quát ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới, từ Âu, Mỹ cho đến các nước xung quanh như Trung Quốc, Nhật Bản. Ở châu Âu hay Mỹ, người ta cấm tuyệt đối sử dụng làn khẩn cấp để di chuyển bình thường, dừng xe trên làn khẩn cấp để nghỉ ngơi, ăn uống, đi vệ sinh, lái xe lấn sang làn khẩn cấp để vượt (điều thường thấy ở Việt Nam). Các quy định chặt chẽ và nghiêm khắc về việc sử dụng làn khẩn cấp được xem là rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho bản thân và các phương tiện khác.
Ở Nhật Bản, ai vi phạm quy định về sử dụng làn khẩn cấp bị phạt rất nặng, tối đa có thể lên đến 200.000 yên (khoảng 40 triệu đồng) và bị tước giấy phép lái xe.
Tại Việt Nam, các quy định về làn khẩn cấp đi kèm các chế tài cũng đã được xây dựng đầy đủ. Việc điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô chạy ở làn dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc, không nhường đường hoặc gây cản trở phương tiện đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ bị phạt tiền từ 4- 6 triệu đồng theo quy định tại điểm g khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021. Đồng thời, người vi phạm còn có thể bị tước bằng lái xe từ 1 - 3 tháng.
Người điều khiển phương tiện giao thông đi vào làn dừng xe khẩn cấp gây thiệt hại đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức phạt lên tới 15 năm tù. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Nhưng trong trường hợp bé sơ sinh ở Thanh Hóa kể trên, giả dụ không có CSGT và điều đau lòng xảy ra, ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Liệu có thể phạt hay bỏ tù hàng trăm lái xe vô tư đi vào làn khẩn cấp kia không? Và còn biết bao nhiêu trường hợp khẩn cấp khác xảy ra ở các tuyến đường khác đã bị những người kém ý thức cản trở?
“Hơn 30 năm công tác tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tôi chứng kiến nhiều bệnh nhân mới chào đời được vài tuần tuổi, bị chết oan trên xe cấp cứu vì tắc đường, không kịp đến bệnh viện. Đau đớn lắm”, một bác sỹ của Bệnh viện Nhi Trung ương được báo chí dẫn lời hồi năm 2013.
CSGT không thể có mặt trên mọi tuyến đường, ở mọi thời điểm để hỗ trợ và sẽ còn nhiều bệnh nhân thiệt mạng trên xe cấp cứu kẹt giữa đám xe cộ lộn xộn, nếu ý thức của người tham gia giao thông không được nâng lên.
Thường xuyên tuần tra, tận dụng công nghệ (camera), nâng mức phạt, tăng cường phạt nguội đối với những người “có tiền mua xe nhưng không có tiền mua ý thức” là việc cần phải làm.