Kinh tế

Lan rộng làn sóng thanh toán không tiền mặt

Thanh Xuân 23/03/2024 06:58

Làn sóng thanh toán phi tiền mặt tiếp tục lan tỏa rộng khắp, đã và đang mở ra tương lai đầy tiềm năng của ngành hàng tiêu dùng bán lẻ, thúc đẩy nhanh quá trình số hóa nền kinh tế.

anhtren(1).jpg
Người tiêu dùng sử dụng phương thức thanh toán không tiền mặt nhiều hơn khi đi mua sắm. Ảnh: M.Hoa.

Người tiêu dùng ít sử dụng tiền mặt hơn

Báo cáo mới nhất về bối cảnh thanh toán tại Việt Nam trong “Nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng” do Visa thực hiện cho thấy, làn sóng tăng trưởng ấn tượng của các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đã mở ra tương lai đầy tiềm năng của ngành hàng tiêu dùng bán lẻ.

Cụ thể, bên cạnh giao dịch tiền mặt vốn phổ biến, xu hướng chuyển đổi sang các phương thức thanh toán điện tử hiện đại đang ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam. Theo đó, 56% người dùng Việt Nam tham gia khảo sát đang ít mang theo tiền mặt hơn so với năm trước.

Đặc biệt, người dùng trẻ Gen X và Gen Y hiện đóng vai trò như thế hệ tiên phong thúc đẩy đà tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt, với 89% người tham gia khảo sát đã tiếp cận thành công các phương thức thanh toán kỹ thuật số trong đời sống hàng ngày.

QR code và ví điện tử là hai phương thức đang được người dùng sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam do hầu hết các cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện lợi và cửa hàng thực phẩm, ăn uống đều khuyến khích sử dụng hai phương thức này để thanh toán. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị bán lẻ cũng tích cực ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để mang đến trải nghiệm mua sắm mới mẻ cho người dùng, từ đó hướng tới thúc đẩy doanh thu như: Apple pay, Samsung pay, Garmin Pay…

Chị Nguyễn Thị Thùy An (phố Pháo Đài Láng, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, việc sử dụng thẻ, điện thoại để thanh toán khi mua sắm hết sức tiện lợi, vừa nhanh chóng lại giảm thiểu những nguy cơ, rủi ro khi mang trong mình nhiều tiền mặt. Chính bởi vậy, khoảng hơn 1 năm trở lại đây, trong ví tiền của chị Thùy An thường chỉ có vài trăm nghìn tiền lẻ để đi chợ, còn để sử dụng các việc cần thanh toán số tiền lớn như tiền viện phí, tiền điện, nước, tiền học cho con... thì chị An đều sử dụng phương thức phi tiền mặt.

Nghiên cứu từ Visa cũng cho thấy, Việt Nam góp mặt trong top đầu những thị trường Đông Nam Á đón nhận đông đảo lượt người dùng mới sử dụng ví điện tử như một phương thức thanh toán yêu thích, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tài chính số. Cụ thể, cứ 5 người thì có ít nhất 4 người tiêu dùng Việt sử dụng ví điện tử thường xuyên.

Mua trước trả sau (Buy Now Pay Later, BNPL) cũng là phương thức thanh toán phát triển trong 2 năm trở lại đây và đang được nhiều người dùng Việt Nam quan tâm nhờ khả năng thanh toán linh hoạt.

Theo chia sẻ của bà Đặng Tuyết Dung - Giám đốc Visa Việt Nam và Lào: “Làn sóng nền kinh tế không dùng tiền mặt tại Việt Nam đang mang đến vô vàn tiềm năng tăng trưởng và đổi mới, mở ra cơ hội cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp trong bối cảnh thanh toán không dùng tiền mặt đang thay đổi từng ngày. Hướng tới tương lai giao dịch kỹ thuật số tiện lợi và an toàn cho cộng đồng, Visa sẽ tiếp tục giữ vững vai trò trong hành trình chuyển đổi số đầy sáng tạo, thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam”.

Hóa giải những thách thức

Mặc dù vậy, việc thanh toán phi tiền mặt cũng bộc lộ nhiều thách thức, đó là thách thức liên quan đến các vấn đề về nhân sự, công nghệ, cạnh tranh. Chẳng hạn, các ngân hàng cần những nhân sự có khả năng tăng hiệu suất, làm chủ công nghệ và quản lý trên cơ sở xây dựng cơ sở dữ liệu kinh doanh.

Cùng với đó là những thách thức về hạ tầng, bảo mật cũng như nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Theo Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, trong thanh toán không dùng tiền mặt, thách thức với người tiêu dùng đó là vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, vì đã dùng phương thức này thì nhiều thông tin cá nhân của mình sẽ nắm giữ bởi các đối tác. Do đó, các quy định pháp luật cần hoàn chỉnh để "bịt" mọi kẽ hở, làm sao cho quản lý vừa thuận tiện, vừa chặt chẽ từ phía doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Theo lãnh đạo NHNN, cơ quan này sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tại Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng và Chiến lược phát triển các hệ thống thanh toán Việt Nam đến năm 2030.

Chú trọng triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06, nhằm thúc đẩy, tạo thuận lợi cho các ngân hàng cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật, tiện ích, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng; trong đó tập trung triển khai, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho phép các tổ chức tín dụng có thể tổ chức xác minh thông tin nhận biết khách hàng, làm sạch dữ liệu và hỗ trợ khách hàng trong tiếp cận các dịch vụ ngân hàng. Tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, chi trả an sinh xã hội; Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật hoạt động thanh toán, ngân hàng, phối hợp xử lý tội phạm công nghệ cao; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng; đồng thời đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lan rộng làn sóng thanh toán không tiền mặt