Ngày 17/5, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Bắc Giang tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện CVĐ.
Ông Trần Công Thắng, thay mặt Ban chỉ đạo CVĐ đã trao Bằng khen cho các tập thể xuất sắc.
Ông Nguyễn Phước Lộc, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương; bà Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo; ông Trần Công Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh… cùng tham dự.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo CVĐ, sau 10 năm thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, nhân dân, doanh nghiệp sản xuất, nhà cung ứng… trên địa bàn tỉnh. Từ chỗ chỉ có 28% (năm 2010) người tiêu dùng quan tâm, mua sắm hàng Việt thì đến năm 2018 tỷ lệ này là hơn 90%. Tỷ lệ người tiêu dùng trong tỉnh quan tâm đến hàng Việt có xu hướng ngày càng tăng.
Trước khi có CVĐ, toàn tỉnh mới có 28% người tiêu dùng quan tâm, lựa chọn hàng Việt khi mua sắm nhưng đến nay đã có sự quan tâm, mua sắm, tiêu dùng hàng Việt theo các nhóm. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại tỷ lệ hàng hóa sản xuất trong nước chiếm trên 70%, tại các chợ truyền thống, cửa hàng bán buôn, bán lẻ tỷ lệ hàng hóa sản xuất trong nước chiếm 60%. Đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, thực phẩm chế biến có mặt ở tất cả các kênh phân phối trên thị trường, lựa chọn của người tiêu dùng chiếm 95% là các sản phẩm có nguồn gốc nội địa.
Hàng tiêu dùng chiếm trên 70%, hàng may mặc chiếm 65% lựa chọn là hàng Việt, thông qua các kênh phân phối như chợ, hệ thống các cửa hàng, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại.
Với phương châm “Đồng hành giữa chính quyền - doanh nghiệp và người tiêu dùng”, CVĐ đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng về hàng Việt.
52 sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của Bắc Giang được quảng bá, giới thiệu rộng rãi ở trong và ngoài nước thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, tổ chức diễn đàn như: “Ngày hội mỗi làng một sản phẩm”, “Ngày hội trái cây” với những sản phẩm chủ lực như vải thiều, cây ăn quả có múi huyện Lục Ngạn; gà đồi, chè Bản Ven huyện Yên Thế; nếp cái hoa vàng Thái Sơn, bưởi Lương Phong, rau cần Hoàng Lương của huyện Hiệp Hòa; na dai, dứa, hạt dẻ của huyện Lục Nam; gạo thơm, gốm Làng Ngòi, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của huyện Yên Dũng... được quảng bá rộng rãi trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, HTX cũng chủ động xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã, chất lượng, cũng như giá cả có sức cạnh tranh cao để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.
Tại hội nghị tổng kết, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai CVĐ và cùng thống nhất một số nội dung, nhiệm vụ trong thời gian tới như: Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tăng cường công tác xúc tiến thương mại trên thị trường nội địa, hệ thống bán lẻ, nhất là vùng sâu, vùng xa; tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về vùng nông thôn, miền núi, xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn.
Phát biểu tại hội nghị, bà Lê Thị Thu Hồng ghi nhận và đánh giá cao kết quả 10 năm triển khai CVĐ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đề nghị thời gian tới, các cấp, ngành tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về nội dung CVĐ tới các tầng lớp nhân dân. Chủ động nghiên cứu, tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có chế độ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Các thành viên và cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo cần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện CVĐ tại các cấp, ngành và đơn vị mình. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm, nhân rộng điển hình tiên tiến; chú trọng hoạt động thi đua, khen thưởng; các doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, cải tiến mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.
Nhân dịp này, ông Trần Công Thắng, Phó Ban chỉ đạo CVĐ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh trao tặng Bằng khen cho 7 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.