Lan tỏa nghệ thuật hát then

DIÊN KHÁNH 22/10/2023 10:00

Thái Nguyên đang có nhiều nỗ lực gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có điệu hát then, kỹ thuật chơi đàn tính, giúp giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống địa phương vang xa.

Xã Phú Thượng (huyện Võ Nhai) tích cực gìn giữ hát then với phát triển du lịch.

Lấy hồn then để thu hút du lịch

Đến xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) chúng tôi thật sự bất ngờ. Không chỉ bởi nơi đây có cảnh quan đẹp, khí hậu trong lành, đã phát triển thành điểm du lịch cộng đồng thú vị, mà hơn thế, người dân biết tận dụng các làn điệu then để phát triển du lịch. Phú Thượng chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Nùng.

Đầu năm 2021, huyện Võ Nhai xây dựng xóm Mỏ Gà thành điểm du lịch cộng đồng, khuyến khích xóm thành lập Câu lạc bộ (CLB) Hát then, đàn tính để bảo tồn và phục vụ du lịch. Ông Lành Văn Hữu - Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Phú Thượng, huyện Võ Nhai, chia sẻ: Dù mới thành lập nhưng lượng khách đến tham quan, du lịch trải nghiệm đã khá đông. Sau một thời gian, bà con dân tộc nơi đây cũng đã hiểu được cách làm du lịch cộng đồng. Đến nay, cơ bản bà con đồng thuận cùng hợp tác xã để thực hiện phục vụ du khách tham quan du lịch.

Ngay khi đi vào phục vụ du lịch, CLB Hát then, đàn tính với những người giàu tâm huyết cũng đã mở các lớp truyền dạy cho người dân, học sinh tại địa phương để nhiều người hiểu và hát được. Qua đó, tất cả các thành viên CLB được hướng dẫn tập luyện và biểu diễn các bài then cổ. Từ những lớp học này, nhiều người ban đầu chưa biết đàn, hát thì nay đã trở thành những thành viên “chắc tay đàn, ngọt giọng hát”, phục vụ rất hiệu quả cho hoạt động văn nghệ ở địa phương.

Bà Dương Thị Hà - Chủ nhiệm CLB Hát then, đàn tính Mỏ Gà, tâm sự: “Các thành viên đều rất nhiệt huyết với việc bảo tồn và phát triển làn điệu then - đàn tính của dân tộc. Ngoài ra, CLB hiện đã triển khai các tiết mục biểu diễn song ngữ, hát một nửa bài tiếng Tày, một nửa tiếng Việt để gìn giữ tiếng Tày trong cộng đồng”.

Xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa đã xây dựng điểm du lịch sinh thái từ hơn 10 năm nay. Với du khách những lời then, tiếng đàn tính chính là lực hút để tìm đến nơi đây. Bà Ma Thị Lan - Đội trưởng đội Hát then, đàn tính của Bản Quyên, tự hào: Nhiều du khách trong nước, quốc tế về đây đã "say" giai điệu then, tính đến mê mẩn. Có du khách ngồi cả đêm bên bếp lửa sàn để nghe đàn, hát.

Để then góp phần phát triển du lịch, trong thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động quảng bá như: Chương trình Biểu diễn bảo tồn di sản văn hóa truyền thống gắn với phát triển điểm đến du lịch Suối Kẹm, xóm Tân Sơn, xã La Bằng, huyện Đại Từ; chương trình “Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam” diễn ra tại Làng Văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam; và nhiều chương trình biểu diễn then phục vụ phát triển Đề án du lịch cộng đồng giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2030. Bà Lê Thị Thu Hà - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên cho biết: Tiếp tục gìn giữ, phát huy di sản hát then, thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp các cơ quan địa phương tham mưu cho UBND tỉnh đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và thực hành then của người Tày, Nùng ở Thái Nguyên nói riêng.

Nghệ nhân Lưu Xuân Lai (huyện Định Hóa) dạy con bài then cổ.

Phải dựa vào những người tâm huyết

Để bảo vệ và phát huy giá trị của then, tỉnh Thái Nguyên chú trọng đầu tư thành lập CLB của các tộc người. Trong đó loại hình hát then, đàn tính đã trở thành “đặc sản” để cộng đồng dân cư huyện Định Hóa khai thác. Các tổ, đội văn nghệ dân gian của ATK, đội văn nghệ Tỉn Keo (xã Phú Đình), Khau Diều (xã Điềm Mặc), Làng Chủng, Đồng Mon (xã Trung Hội), Nà Lọm (Phúc Chu), CLB dân ca dân vũ (xã Bảo Linh)… đã đóng góp rất lớn cho công tác bảo vệ và phát huy các làn điệu hát then đàn tính ở địa phương.

Nghệ nhân ưu tú Lưu Xuân Lai - Chủ nhiệm CLB hát Then xã Phúc Chu (Định Hóa), cho hay: “Định Hóa, Thái Nguyên là vùng quê cách mạng. Chúng tôi yêu văn hóa tinh thần, nhưng cùng với đó là biết tiếp lửa, truyền dạy để lớp sau cũng biết, hiểu và biểu diễn được. Tôi cũng phải truyền dạy cho các cháu trong nhà, rồi các cháu họ và tiếp đến là các cháu có niềm đam mê. Nhà nông thì ai cũng bận, nên vì yêu mà khéo sắp xếp thời gian tham gia CLB”.

Từ năm 2006, được sự giới thiệu của UBND xã Phúc Chu, ông đã đi biểu diễn, giao lưu hát then ở nhiều tỉnh. Trong những chuyến đi đó, ông tranh thủ gặp các nghệ nhân nổi tiếng, giỏi nghề để học tập, nghiên cứu và sưu tầm thêm những làn điệu cổ. Từ đó, ông đã thành lập CLB Hát then Phúc Chu để việc hoạt động, giao lưu thuận lợi hơn.

Để gìn giữ, phát huy giá trị của hát then, đàn tính, theo nghệ nhân Nguyễn Minh Sơn - Chủ nhiệm CLB Hát then xã Trung Hội (Định Hóa), giá trị của những người đi trước, những người truyền lửa đam mê là rất lớn. “Nếu không có người truyền dạy, truyền lửa, làm sao then và đàn có thể thấm vào đời sống. Ông tôi truyền cho bố, bố truyền cho tôi, tôi giữ gìn, truyền dạy cho con cháu và những người khác. Nhờ thế then mới sống mãi” - ông Sơn nhấn mạnh.

Là giáo viên, nên ông Nguyễn Minh Sơn có nhiều điều kiện để truyền dạy cho các học trò về tình yêu then và khả năng đàn hát. Ông Sơn cũng rất mừng, vì ở một số trường phổ thông trong huyện, then đã được đưa vào giới thiệu và dạy cho các học sinh. “Rất may cho thế hệ sau này, là vẫn còn nhiều nghệ nhân đang tích cực truyền dạy. Đó là những người yêu nghệ thuật, yêu quê hương và có trách nhiệm với mai sau” - ông Sơn tâm sự.

Chung quan điểm ấy, bà Lê Thị Thủy - Chủ nhiệm CLB Hát then, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, cho biết thêm: Nhờ truyền dạy của người có tâm huyết, hát then ở đây được rất nhiều người biết đến. Với sự đam mê đàn tính, chị em ở trong xã cũng mời các thầy có kỹ năng về truyền dạy. Thông qua làn điệu hát then, đàn tính du khách sẽ khám phá những thắng cảnh, vẻ đẹp của thiên nhiên ở nơi này”.

Ở Thái Nguyên, nhiều chương trình biểu diễn giao lưu được du khách cổ vũ, đón nhận, mở ra một sắc thái mới trong lĩnh vực du lịch Thái Nguyên hướng về cội nguồn cách mạng để thấy hết được tình đất tình người chiến khu xưa. Việc bảo tồn then gắn với phát triển du lịch ATK Định Hóa nói riêng và Thái Nguyên nói chung được thực hiện dưới nhiều hình thức như: Phục vụ tham quan, du lịch theo yêu cầu, dưới mô hình sân khấu, ngoài trời, phòng chờ… Như vậy, sức sống và nét tinh hoa độc đáo của hát then đang được tô thắm trong bức tranh tổng thể về di sản dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lan tỏa nghệ thuật hát then