Sau 4 năm gián đoạn bởi dịch Covid-19, ngày 29/5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc và Tạp chí Văn hiến Việt Nam tổ chức lễ trao Giải thưởng Đào Tấn 2022, nhằm tôn vinh các tạp thể, cá nhân đã có những tác phẩm đóng góp tích cực cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Đam mê sáng tạo trong hoạt động nghệ thuật
Giải thưởng Đào Tấn 2023 tôn vinh 5 tập thể và 15 cá nhân. Trong đó, 2 đoàn nghệ thuật tuồng bán chuyên nghiệp được vinh danh ở giải thưởng Đào Tấn 2022 gồm Đội tuồng làng Kẻ Gám (xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) và Câu lạc bộ Tuồng xã Thạch Lỗi (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương).
Trong đó, Đội tuồng làng Kẻ Gám nổi tiếng bởi khi xưa đã từng được vào cung biểu diễn cho Vua, Chúa. Nay đội tuồng vẫn đang tồn tại như món ăn tinh thần với người dân nơi đây. Đây cũng là một trong những đội tuồng nghệ thuật bán chuyên được yêu mến của xứ Nghệ, cái nôi tuồng lớn đã hình thành từ thời cụ Đào Tấn làm Tổng đốc An Tĩnh, mở trường đào tạo tuồng Học bộ đình và rạp hát tuồng Như Thị quan ngay tại thành Vinh.
Nếu như vùng đất xứ Nghệ nổi tiếng bởi những làn điệu dân ca nghĩa tình sâu lắng thì vùng đất Yên Thành được biết đến với những điệu tuồng. Về làng Kẻ Gám, tiếng trống, tiếng hát tuồng vẫn vang lên mỗi dịp hội hè, lễ lạt. Tuồng đã trở thành là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân quê lúa. Và từ xa xưa, với với người Kẻ Gám, mỗi vở tuồng cổ là một bài học luân lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan mang vẻ đẹp trường sinh bất tử của chân - thiện - mỹ.
Còn Câu lạc bộ Tuồng xã Thạch Lỗi là đơn vị nghệ thuật Tuồng truyền thống hiếm hoi của tỉnh Hải Dương, ra đời từ những năm 1960. Gần 70 năm qua, được sự giúp đỡ của các nghệ sĩ bậc thầy Đoàn Tuồng Liên khu 5 và Đoàn Tuồng Bắc trung ương, nay là Nhà hát Tuồng Việt Nam, chỉ dạy, dàn dựng hàng chục tiết mục Tuồng truyền thống; lịch sử, hiện đại. CLB đã có nhiều thành tích được các cấp chính quyền và nhân dân ghi nhận.
Bên cạnh đó, Giải thưởng Đào Tấn 2022 còn trao cho 2 vở diễn xuất sắc. Gồm vở diễn “Bên dòng Long Khốt” (Kịch bản: Nguyễn Toàn Thắng; Đạo diễn: Triệu Trung Kiên) và nghệ sĩ xuất sắc được trao cho nghệ sĩ Thu Mỹ trong vai Đavi (Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An); Vở diễn “Ván cờ oan trái” Nhà hát Chèo Hưng Yên (Kịch bản: Bùi Minh Vũ; Đạo diễn: Trịnh Thuý Mùi) và hai nghệ sĩ xuất sắc là nghệ sĩ Nguyễn Thu Phương trong vai Nhị Khanh và Nguyễn Tiến Dũng vai Trọng Kỳ.
Giải thưởng Đào Tấn 2022 cũng đã vinh danh Sân khấu Lệ Ngọc với danh hiệu đơn vị sân khấu ngoài công lập thành công nhất. Với Slogan “Nơi kết nối đam mê” và “Đem quá khứ về hiện tại, đem Việt Nam đến với thế giới”, đến nay Sân khấu Lệ Ngọc đã hội tụ được nhiều nghệ sĩ xuất sắc các thế hệ, dàn dựng thành công gần 30 vở diễn, tổ chức biểu diễn gần nghìn buổi tại thủ đô Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng. Đặc biệt, trong hai năm 2018, 2019 và đầu năm 2023, Sân khấu Lệ Ngọc đã tham gia các Liên hoan sân khấu thế giới và biểu diễn phục vụ tại 11 nước Á, Âu, điều mà không đơn vị sân khấu công lập nào làm được trong thời gian này. Năm 2021, Sân khấu Lệ Ngọc tham gia Liên hoan kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc và giành huy chương vàng với vở “Làm vua”. Cuối năm 2022, Sân khấu Lệ Ngọc tham gia Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm với vở “Lá đơn thứ 72”, được trao giải đặc biệt. Theo NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, sân Khấu Lệ Ngọc là một tấm gương tiêu biểu của sân khấu Việt Nam về bài học thu hút khán giả cũng như những lựa chọn nghệ thuật dũng cảm và niềm đam mê lao động sáng tạo đáng khâm phục.
Những cống hiến được ghi nhận
Bên cạnh các giải tập thể, Giải thưởng Đào Tấn 2022 đã vinh danh các văn nghệ sĩ đã có những công hiến cho sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật dân tộc.
Cụ thể các nghệ sĩ được trao Giải thưởng Đào Tấn 2022 gồm cố nhà điêu khắc Nguyễn Sang với bộ tượng danh nhân và các bà mẹ Việt Nam anh hùng; nhạc sĩ Đình Thậm - tác giả của hai ca khúc xuất sắc cảm hứng từ cuộc đời và tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nhà thơ Trần Nhuận Minh với bộ sắc nghiên cứu phê bình: Thời gian lên tiếng, Đi tìm sự thật, Đối thoại văn chương (đồng tác giả Nguyễn Đức Tùng); Nhà viết kịch Hoàng Thanh Du với kịch bản “Lá đơn thứ 72” về Chủ tịch Hồ Chí Minh; Họa sĩ Đoàn Thị Tình với công trình nghiên cứu: Trang phục người Việt xưa và nay, Hoá trang mặt nạ sân khấu tuồng, Mỹ thuật sân khấu Việt Nam...
Theo Trưởng ban tổ chức giải thưởng, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa, Giải thưởng Đào Tấn trao tặng cho các tập thể, cá nhân có tác phẩm sân khấu, văn học, hội hoạ, âm nhạc xuất sắc, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, giao lưu hội nhập của đất nước, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá nghệ thuật truyền thống. Đầu tiên Giải thưởng được trao 2 năm một lần, từ năm 2005 đến nay được trao 1 năm một lần. Nhiều nhà tri thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước đã vinh dự được trao tặng giải thưởng cao quý, như GS.TS Trần Văn Khê, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, nhà nghiên cứu Mịch Quang, nhạc sĩ Thuận Yến, NSND Bạch Tuyết, NSND Đàm Liên…
Nhà báo Nguyễn Thế Khoa - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc, Tổng biên tập Tạp chí Văn hiến cho biết, nét mới năm nay là Hội đồng giải thưởng đã xét, trao giải cho các đoàn nghệ thuật bán chuyên nghiệp xuất sắc. Việc này có ý nghĩa rất lớn trong việc vinh danh, thúc đẩy sự phát triển của các đơn vị nghệ thuật bán chuyên. Giải thưởng được trao cho 15 tập thể, cá nhân và được chia thành 3 hạng mục chính gồm: Giải thưởng cho các đoàn nghệ thuật bán chuyên xuất sắc; giải thưởng cho các văn nghệ sĩ xuất sắc; giải thưởng cho các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp xuất sắc.