Lan tỏa văn hóa đọc

Hoàng Minh 16/04/2022 07:35

Sau 8 năm triển khai, Ngày Sách và Văn hóa đọc (trước đó là Ngày Sách Việt Nam) đã trở thành sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cộng đồng xã hội.

Đường Sách TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Công Sơn

Tiếp nối thành công của những lần tổ chức trước đó, mới đây Cục Xuất bản, In và Phát hành ban hành kế hoạch tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 1 với nhiều hoạt động phong phú. Theo đó, sự kiện mở đầu cho chuỗi sự kiện là Lễ khai mạc chương trình được tổ chức vào 20 giờ ngày 19/4 tại đường Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh). Tiếp đến là Hội Sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 1 diễn ra tại đường Nguyễn Huệ. Đây là Hội sách có quy mô lớn với có sự tham gia của trên 20 đơn vị xuất bản, trưng bày hàng nghìn đầu sách, được xây dựng thành 3 không gian gồm Không gian chuyển đổi số; Không gian thành phố sách và Không gian tổ chức giới thiệu các mô hình Văn hóa đọc, sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 24/4.

Nằm trong khuôn khổ sự kiện, sáng 19/4 “Hội sách trực tuyến Quốc gia 2022” với chủ đề “Thắp lửa tri thức” cũng sẽ được khai mạc theo hình thức trực tuyến tại địa chỉ https://book365.vn, kéo dài đến hết 20/5. Hội sách trực tuyến Quốc gia 2022 dự kiến thu hút sự tham gia của gần 100 nhà xuất bản và đơn vị phát hành toàn quốc giới thiệu hơn 40 nghìn đầu sách, mục tiêu đưa tối thiểu 30 nghìn cuốn sách đến tay bạn đọc cả nước với nhiều ưu đãi.

Bên cạnh đó, Hội sách trực tuyến Quốc gia kết hợp tổ chức nhiều sự kiện đặc sắc lần đầu tiên được giới thiệu như “Cuộc thi nhà thông thái” nhằm tìm kiếm 100 bạn đọc tiêu biểu trên khắp Việt Nam; Chuỗi chương trình tọa đàm “Sách hay thay đổi cuộc đời”, với sự tham gia của những khách mời có uy tín, thiện tâm và sức ảnh hưởng trong cộng đồng đến chia sẻ về những cuốn sách hay và giao lưu cùng bạn đọc trong chương trình.

Ngoài các hoạt động trọng tâm trên, cũng trong dịp này, Bộ TTTT sẽ cùng các địa phương tổ chức nhiều hoạt động như phát động “Tháng phát hành sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”; “Tuần lễ phát hành sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” trên phạm vi toàn quốc; tổ chức các chương trình tọa đàm giới thiệu sách, các cuộc thi thi tìm hiểu qua sách, kể chuyện theo sách; xây dựng không gian sách như đường sách, phố sách, thư viện sách tại các nhà văn hóa khu dân cư… nhằm quảng bá tôn vinh sách, khơi gợi tình yêu sách và thúc đẩy văn hóa đọc...

Thư viện giúp lan tỏa sức sống của sách trong cộng đồng. Ảnh: Phạm Linh

Đánh giá về thành quả đạt được, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên bày tỏ, kể từ khi được tổ chức vào năm 2014, Ngày Sách Việt Nam đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bạn đọc trong cả nước và thực sự trở thành nét đẹp văn hóa và có sức lan tỏa trong cộng đồng. Nhìn sang các nước như Nhật Bản, Thái Lan, việc đọc sách đã tác động tới phát triển kinh tế, văn hóa. Trong khi đó, tỷ lệ người đọc sách ở nước ta chưa cao. Bởi vậy, sự kiện là cơ sở, thúc đẩy việc đọc sách, tiếp nhận tri thức, góp phần nâng cao dân trí, văn hóa, phát triển kinh tế đất nước. Chuỗi hoạt động năm nay sẽ có sự thay đổi về quy mô tổ chức cũng như đổi mới về chương trình. Nhằm “nâng tầm” cho sự kiện, theo Cục trưởng, tại Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 1 và đặc biệt là Hội Sách trực tuyến, bạn đọc sẽ được trải nghiệm các công nghệ mới và hiện đại nhất như công nghệ hoạt cảnh animation với các nhân vật ảo sinh động tương tác với bạn đọc, công nghệ thi trực tuyến giúp tổ chức các game tương tác trong Hội sách, công nghệ tích hợp với các đơn vị vận chuyển đảm bảo đưa sách nhanh nhất tới quý độc giả ở tỉnh thành xa hứa hẹn sẽ mang lại trải nghiệm thú vị mới lạ cho bạn đọc khi đến với Hội sách.

Việc tổ chức các hoạt động đến từ các đơn vị xuất bản, việc tạo cầu nối giữa Ngày sách với hoạt động thư viện cũng đang kỳ vọng tạo nên những “cú hích” nâng tầm văn hóa đọc. Mới đây Bộ VHTTDL cũng đã ban hành Quyết định tổ chức hoạt động “Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc” hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 1 với nhiều sự kiện gắn liền với hoạt động thư viện và cộng đồng. Có thể kể đến Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc và Cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến năm 2022, tọa đàm “Sách và Khát vọng cống hiến”… Thông qua các sự kiện nhằm giúp hệ thống thư viện trong cả nước, đặc biệt thư viện công cộng cấp tỉnh, thư viện cơ sở giáo dục đại học, thư viện cơ sở giáo dục phổ thông các cấp đã triển khai Ngày Sách và Văn hóa đọc với nhiều chủ đề gắn với sách, văn hóa đọc và đưa những kiến thức “đọc” vào thực tiễn.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Vụ phó Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) Đoàn Quỳnh Dung bày tỏ, các Ngày Sách là ngày hội của các nhà xuất bản, Nhà sách tập trung vào việc đưa sách với người đọc, thì thư viện vẫn đóng vai trò thổi hồn vào cho các ngày hội đó khi không chỉ đóng vai trò là người kết nối tác giả với người đọc mà còn là sách và người đọc, mà còn gắn kết các thành tố tác giả - tác phẩm - người đọc; các cuộc tọa đàm, trao đổi, các cuộc thi cảm nhận, chia sẻ về sách còn là diễn đàn gợi ý cho các nhà văn, nhà thơ về suy nghĩ và tiếp cận nhu cầu về sách của giới trẻ hiện nay. Điều đó giúp lan tỏa sức sống của sách trong cộng đồng.

Phát triển văn hóa đọc không chỉ hình thành thói quen đọc cho trẻ từ sớm mà còn hướng dẫn phương pháp, kỹ năng đọc, khai thác tài nguyên thông tin cho trẻ em tại thư viện cơ sở giáo dục mầm non, thư viện cơ sở giáo dục phổ thông; Phát triển kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin, mở rộng tri thức cho người sử dụng thư viện… Theo bà Đoàn Quỳnh Dung- Vụ phó Vụ Thư viện, tăng cường văn hóa đọc còn giúp thiết chế thư viện khẳng định vai trò của mình và sự liên kết giữa ngành xuất bản và thư viện trong việc sử dụng hiệu quả xuất bản phẩm tạo nguồn tài nguyên thông tin cho thư viện để phục vụ bạn đọc và lưu giữ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lan tỏa văn hóa đọc