'Lần trả giá thứ hai’

Thế Tuấn 23/03/2021 06:30

Cho dù cả Cơ quan Dược phẩm Liên minh châu Âu (EU) cũng như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đều đã lần lượt xác nhận vaccine AstraZeneca không phải là nguyên nhân dẫn đến huyết khối (đông máu) đối với người đã tiêm loại vaccine này, thì chiến dịch tiêm chủng ở EU vẫn diễn ra chậm chạp. Đặc biệt, mới đây Đan Mạch cho biết đã phát hiện 1 người thiệt mạng và 1 người khác bị bệnh nặng do đông máu và xuất huyết não sau khi tiêm vaccine.

Cả hai người này đều là nhân viên y tế tại thủ đô Copenhagen (Đan Mạch). Họ được cho là đã phát bệnh sau khi tiêm vaccine của Hãng AstraZeneca chưa đầy 14 ngày. Thông tin trên được Cơ quan Dược phẩm Đan Mạch (DMA) xác nhận, cho dù họ không cung cấp thêm chi tiết và cũng không có các thông tin các nhân viên này mắc bệnh chính xác khi nào.

Chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 tiếp tục được đẩy nhanh trên phạm vi toàn cầu.

Ám ảnh nhà dưỡng lão

Trước đó, vào ngày 11/3, Đan Mạch là quốc gia đầu tiên trong EU tạm ngừng sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của Hãng AstraZeneca, với lý do có một số trường hợp bị đông máu sau tiêm.

Sau động thái được cho là kiên quyết của Đan Mạch, một số quốc gia khác cũng ngừng tiêm vaccine AstraZeneca. Tuy nhiên, việc đó kéo dài không lâu, vì ngay sau khi Cơ quan Dược phẩm của EU tiến hành cuộc điều tra và cho biết họ vẫn tin lợi ích của vaccine này cao hơn rủi ro (thông báo được đưa ra vào ngày 19/3); thì nhiều nước EU đã tiêm trở lại. Đi đầu là Đức và Pháp, hai quốc gia hàng đầu của khối và cũng là nơi người dân cho rằng Chính phủ đã chậm trễ trong việc tiêm vaccine. Trong khi đó, diễn biến dịch Covid-19 ở châu Âu vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là đối với EU.

Tại Italy, truyền thông nước này tiếp tục lên tiếng về việc tiêm chủng chậm chạp khiến người già nước này một lần nữa phải trả giá. Theo đó, “lần trả giá thứ nhất” diễn ra từ cuối tháng 3 kéo dài cho tới tháng 9 của năm 2020, khi mà nhiều nhà dưỡng lão đã trở thành ổ dịch. Trong suốt nửa năm trời, rất nhiều cụ già trong các nhà dưỡng lão kêu than vì họ không được bảo vệ trước đại dịch. Lúc ấy, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ cũng như chính quyền các địa phương cần nhanh chóng “giải tán” các nhà dưỡng lão. Có nghĩa là phải phân tán người già ra, đưa họ về với gia đình, không để họ sống tập trung trong môi trường hẹp thiếu sự chăm sóc y tế là các nhà dưỡng lão.

Thực tế cho thấy, trong tổng số ca tử vong do Covid-19 ở Italy trong năm 2020, thì người già chiếm phần lớn. Họ không nhận được đầy đủ sự chăm sóc y tế cần thiết cũng như mang nhiều bệnh lý nền, nên cơ thể cũng khó chống chọi được với dịch bệnh.

Tới “lần trả giá thứ hai” này, người ta cũng lại một lần nữa kêu gọi Chính phủ quan tâm sâu sắc hơn tới người già, nhất là với người già sống trong trại dưỡng lão. Truyền thông Italy nhắc lại câu chuyện 1 năm trước khi Bệnh viện Giáo hoàng John XXIII hiện đại nhất vùng Bergamo chỉ một chút nữa thì “sụp đổ” khi các bác sĩ phải vật lộn để chữa trị cho 600 bệnh nhân, trong đó có 100 bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt. “Những chiếc xe tải quân sự liên tục chở người chết từ lò hoả táng quá tải của thành phố đã trở thành những hình ảnh đau thương khắc sâu vào ký ức người dân” - hình ảnh ấy được đưa lại như một lời cảnh báo nghiêm khắc; tuy rằng tới thời điểm này bệnh viện kể trên đang điều trị cho không quá 200 bệnh nhân Covid-19.

Nhưng người ta vẫn nhận thấy người già ở đất nước này vẫn vô cùng mong manh trước đại dịch. “Không, trời ơi, tôi đã không thể bảo vệ được người già, không thể nói rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ người già” - Tiến sĩ Luca Lorini, Trưởng khoa chăm sóc đặc biệt của bệnh viện ở Bergamo, kêu lên đau xót và chia sẻ: “Nếu tôi có 10 bệnh nhân trên 80 tuổi và họ bị Covid, thì ở độ tuổi của họ, cứ 10 người có đến 8 người chết”.

TS Lorini cũng cho rằng những cam kết của Chính phủ rằng tới cuối tháng 3 này sẽ tiêm chủng cho toàn bộ người dân Italy trên 80 tuổi đã thất bại, trong bối cảnh nguồn cung cấp vaccine bị gián đoạn và thiếu hụt. Hôm nay, bất cứ người dân Bergamo nào đi qua công viên tưởng nhớ 104.000 người đã tử vong thì cũng đều ngậm ngùi khi biết rằng 2/3 số người chết là những người già.

Không có bằng chứng “gây hại” của vaccine AstraZeneca

Trở lại với câu chuyện huyết khối (máu đông) trong não được cho là do vaccine AstraZeneca, ngày 22/3, WHO một lần nữa khẳng định không có mối liên hệ nào (nguyên nhân - hậu quả) trong các trường hợp gặp biến chứng huyết khối não sau khi tiêm vaccine ngừa Covid-19. Theo Ủy ban Tư vấn toàn cầu về an toàn vaccine của WHO, họ đã xem xét cẩn trọng dữ liệu từ châu Âu, Vương quốc Anh, Ấn Độ cũng như cơ sở dữ liệu toàn cầu và cho biết họ không tìm thấy “bất kỳ sự gia tăng tổng thể nào về tình trạng đông máu” liên quan đến vaccine ngừa Covid-19.

WHO dẫn kết quả nghiên cứu của giới khoa học Đức khi cho rằng sử dụng vaccine AstraZeneca có khả năng sản sinh các kháng thể; không có bằng chứng “gây hại” của loại vaccine này. Nhóm nghiên cứu đã thu thập 6 mẫu máu của những người gặp tình trạng tụ huyết khối ở não sau khi được tiêm vaccine. Các mẫu này do Viện Paul Ehrlich - cơ quan chịu trách nhiệm phê duyệt và giám sát tất cả các loại vaccine ở Đức, cung cấp.

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất một phương pháp điều trị cho những người bị huyết khối sau khi tiêm chủng. Tuy nhiên, nó chỉ có thể được áp dụng sau khi cục máu đông xuất hiện và không thể được áp dụng để phòng ngừa. Các nhà khoa học cũng khuyến cáo tất cả người bị đau đầu liên tục, chóng mặt hoặc suy giảm thị lực hơn 3 ngày sau khi tiêm chủng cần đến cơ sở y tế kiểm tra chuyên sâu để giảm bớt nguy cơ hình thành huyết khối và nhận được hỗ trợ y tế kịp thời.

Trong một diễn biến khác, ngày 22/3, Anh đã cảnh báo EU về lệnh cấm xuất khẩu vaccine Covid-19 của AstraZeneca nếu khối này không nhận đủ lượng cung cấp đã cam kết, cho rằng động thái như vậy của Brussels sẽ “phản tác dụng”. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nhấn mạnh rằng “thế giới đang theo dõi” cách EU phản ứng với tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine từ hãng dược phẩm Anh - Thụy Điển, và rằng danh tiếng của Brussels đang bị ảnh hưởng. Bình luận của ông Wallace được đưa ra 1 ngày sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen một lần nữa cho biết sẽ đưa ra lệnh cấm trừ phi AstraZeneca cung cấp hơn 90 triệu liều vaccine đã cam kết trong quý I/2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Lần trả giá thứ hai’