Xã Đặng Cương (huyện An Dương, Hải Phòng) là nơi trồng đào lớn nhất của thành phố Cảng. Theo tìm hiểu, người trồng đào tại xã Đặng Cương chủ yếu thu mua các gốc đào cổ thụ, sau đó ghép với đào phai và tạo hình dáng theo ý muốn. Bà Nguyễn Thị Hồng, người trồng đào gần 30 năm tại đây cho biết, từ trước đến nay, cả huyện An Dương chỉ quen trồng đào phai, ít trồng đào bích vì người Hải Phòng chuộng chơi hoa đào có màu nhạt, lâu tàn. Đa số các cây đào tại xã An Dương đều có gốc to, xù xì và tỏa ra nhiều nhánh. Những gốc cây có dáng càng "độc", lạ sẽ càng thu hút khách tới thuê hoặc mua và giá bán sẽ cao hơn. Được biết, người dân trồng đào tại xã Đặng Cương mới chỉ tuốt lá xong cách đây gần 1 tuần do thời tiết nắng ấm. Bà Hồng chia sẻ: "Tôi lo đào nở sớm, bây giờ mới có hơn 50% vườn được khách đặt trước, nếu nở nhiều chúng tôi sẽ phải giảm giá sâu". Lượng khách lẻ đến mua thưa thớt. Bà Hồng cho biết: "Dịp Tết năm ngoái tôi thu về khoảng 500 triệu đồng cả vườn đào, thế nhưng năm nay chắc chỉ còn khoảng 300 triệu đồng. Tôi cũng mong vài hôm nữa có nhiều khách đến hơn để còn có Tết". Theo nhận định của một số chủ vườn, năm 2023 là một năm vô cùng khó khăn đối với nền kinh tế, do đó người dân có xu hướng tiêu pha dè dặt, nhu cầu về cây cảnh Tết sẽ giảm đi. Những cây đào dáng huyền được trồng đều tăm tắp. Để tận dụng đất trống, một số hộ trồng đào còn trồng quất cảnh xen kẽ. Một cây đào dáng trực đang được rao bán với giá khoảng 10 triệu đồng. Những cây đào non đã đâm nhiều lá lộc. Các nụ hoa đã sẵn sàng nở để đón chào năm mới. Nhiều gốc đào được bọc kín chờ chăm sóc cho những vụ Tết tiếp theo. Tại xã Hồng Thái (huyện An Dương, Hải Phòng), đất trống sau nhà cũng được tận dụng để trồng đào Tết. Nhiều người mong thời tiết thuận lợi, lượng khách ổn định hơn để có một cái Tết ấm no, hạnh phúc.